Khi thầy giáo “ngồi nhầm lớp”

Những người lớn đã nghĩ rằng việc John Corcoran lên lớp, tốt nghiệp, lấy bằng đại học rồi trở thành một thầy giáo là chuyện hết sức bình thường mà không nhận ra đứa trẻ ấy vẫn hoàn toàn "mù chữ".

Một đứa trẻ lên lớp 6 vẫn không biết đọc, biết viết thì có nghĩa là gì? 

Ở những trường hợp “ngồi nhầm lớp” bị phát hiện cách đây không lâu, thủ phạm đầu tiên bị bêu tên là căn bệnh thành tích, sự tắc trách của thầy cô, nhà trường và kế đến là sự thờ ơ của phụ huynh.

Ít ai đặt dấu hỏi về vấn đề nằm bên trong đứa trẻ hoặc cách ứng phó của chúng với mỗi kỳ thi đã qua. Bản thân tôi đã thay đổi quan điểm này sau khi đọc được câu chuyện gây sốc về một thầy giáo không biết đọc ở Mỹ.

Khó tin nhưng có thật, ông John Corcoran đã che giấu “bí mật động trời” hàng chục năm nay.

Thời đi học, dù đã rất cố gắng nhưng ông không thể đọc được những hàng chữ “tượng hình” xuất hiện  trước mắt mình.

Nhưng rồi niềm tin của thầy cô tiểu học, sự tinh ranh, gian lận ở bậc trung học đã giúp cậu lần lượt lên lớp và cuối cùng, lợi thế của một vận động viên đã giúp chàng trai trẻ giành được suất học bổng toàn phần vào đại học.

Tại đây, những “kỹ năng” sẵn có, vượt qua các giới hạn đạo đức tiếp tục giúp John Corcoran suôn sẻ vượt qua mọi kỳ thi để tốt nghiệp và sau đó, được đề nghị làm giáo viên.

Ông đã cống hiến cho nghề giáo suốt 17 năm nhưng vẫn trong tình trạng gần như “mù chữ”, không thể viết một câu hoàn chỉnh. Song, sau nhiều năm sống trong sợ hãi và dằn vặt, ông quyết định “học lại từ đầu” ở tuổi gần 50, và 7 năm sau, cựu thầy giáo đã có thể được coi như một-người-biết-chữ.

Thư không gửi - Khi thầy giáo “ngồi nhầm lớp”
 
Ông John Corcoran và con gái. Ảnh: BBC

Dĩ nhiên, khi kể lại câu chuyện này, tôi không muốn cổ xúy cho những mánh gian lận, “chữa cháy” trong học đường, rằng khi nói dối thật nhiều và thật “nghệ thuật” thì người ta sẽ tin bạn đang nói thật. Cuộc đời của thầy giáo Mỹ để lại nhiều bài học giá trị hơn thế.

Những người lớn đã nghĩ rằng việc ông lên lớp, tốt nghiệp và lấy bằng đại học là chuyện hết sức bình thường mà không nhận ra đứa trẻ ấy bị mắc kẹt trong lời nói dối của mình.

Ngoài chứng khó đọc còn nhiều vấn đề khác ở những đứa trẻ đặc biệt, khiến chúng khó tiếp thu hơn bình thường và thứ chúng ta cần suy nghĩ là phương pháp đặc biệt dành riêng cho các em, thay vì cố gắng “ép chín” tụi nhỏ theo chiếc khuôn khô cứng.

Đặc biệt, để có sức mạnh vượt qua những khó khăn ta phải dũng cảm đối diện với chúng thay vì cố gắng lấp liếm những khuyết điểm của mình.

Ở trường hợp của thầy giáo không biết đọc, sự trí trá giúp ông bước qua từng cánh cửa một cách dễ dàng nhưng cũng là cùm gông, khiến ông luôn mang mặc cảm tội lỗi vì những chuyện đã làm. Và sự an yên chỉ đến khi người thầy ấy quyết định “tái tạo kiến thức” và nói ra sự thật.

Theo Người đưa tin