“Khóa” lỗ hổng quản lý, ngăn chặn rau “bẩn” vào siêu thị

Thời gian vừa qua, một số đơn vị siêu thị “hô biến” rau từ chợ đầu mối thành chuẩn Viet GAP khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Theo nhận định của giới chuyên gia, việc có quá nhiều đơn vị có thể cấp chứng nhận gây ra tình trạng trên.

Mới đây, các đơn vị báo chí đã đưa thông tin về một số nhà cung cấp như: Trình Nhi, HugoFarm, Đông A tại TP Hồ Chí Minh mua rau từ chợ đầu mối, gắn nhãn VietGAP và đưa vào nhiều hệ thống siêu thị. Trước tình trạng trên, nhiều người tiêu dùng đang mua rau với giá cao tại siêu thị đã mất niềm tin vào chất lượng sản phẩm.

Tại Hà Nội, những nhãn hàng rau dính tai tiếng nói trên không xuất hiện trên quầy hàng các hệ thống siêu thị lớn như Winmart, Winmart +, Tops Market… Mặt hàng rau xanh, rau gia vị, nấm phân phối tại Thủ đô chủ yếu do các nhà phân phối như: Rau Yên Phú, Công ty CP Omega Phú Thọ… cung ứng với giá từ 25.000 - 125.000 đồng/kg tùy loại.

Theo thông tin từ đại diện các hệ thống chuỗi siêu thị lớn như Big C, Tops Market, Co.op Mart, hiện tại, quy trình nhập và phân phối sản phẩm rau củ quả vẫn được thực hiện chặt chẽ.

Theo đó nhà cung cấp phải gửi toàn bộ giấy tờ như giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, giấy VietGAP, Organic (nếu có).

Nhà cung cấp cam kết giao hàng đúng như các hồ sơ đã gửi cho siêu thị. Bộ phận kiểm soát chất lượng, bộ phận thu mua sẽ đi kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất của nhà cung cấp.

Tuy nhiên, phân tích lý do rau “bẩn” có thể lên kệ siêu thị, các chuyên gia cho rằng quy trình kiểm soát. vẫn còn nhiều lỗ hổng. Do đó, khi số lượng rau không đủ đáp ứng thì hoàn toàn có thể xảy ra việc nhà cung cấp thu gom rau tại chợ đầu mối rồi dán nhãn rau an toàn.

rau-sieu-thi-1664334000.jpg
Thông tin rau “bẩn” lên kệ hàng siêu thị gây hoang mang người tiêu dùng nhiều ngày qua

Cụ thể, vụ việc vài năm trước, đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội đã phát hiện HTX rau an toàn Đạo Đức (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) thu gom rau trôi nổi ở chợ đầu mối đưa vào các siêu thị, bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội tiêu thụ.

Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích, hiện có đến 3 đơn vị gồm: Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) và Bộ KH&CN, được phép cấp giấy phép cho Tổ chức chứng nhận sự phù hợp cấp giấy chứng nhận VietGAP cho doanh nghiệp sản xuất nông sản.

Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… muốn chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP sẽ đăng ký với các Tổ chức chứng nhận sự phù hợp.

Sau khi kiểm tra thấy doanh nghiệp đủ điều kiện, những đơn vị này sẽ cấp cho các doanh nghiệp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP. Như vậy việc cấp chứng nhận VietGAP là do các Tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện, không phải Bộ NN&PTNT cấp. Hiện trong lĩnh vực trồng trọt, hiện có trên 40 tổ chức được cấp quyết định là Tổ chức chứng nhận sự phù hợp VietGAP.

“Việc có quá nhiều đơn vị cấp giấy chứng nhận VietGAP là lỗ hổng trong việc quản lý việc tiêu thụ sản phẩm VietGAP”, Chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.

Bên cạnh việc thu hẹp kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp chứng nhận VietGap, giới chuyên gia đánh giá, để ngăn chặn rau “bẩn” lọt vào siêu thị, thời gian tới, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra quy mô rộng hơn. Cùng với đó, các đơn vị phải có sự kiểm tra chéo giữa các lực lượng, nâng cao vai trò của địa phương trong quản lý chất lượng nông sản trên địa bàn.