Chiều 29/3, ông Trịnh Văn Quyết đã bị bắt tạm giam bị can Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Cụ thể, hồi tháng 1/2022, Chủ tịch FLC đã bán 75 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 18/1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chủ tịch Tập đoàn FLC. Số tiền phạt là 1,5 tỷ đồng - mức cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán.
Đây là lần thứ hai Chủ tịch FLC nhận án phạt từ UBCKNN. Trước đó vào tháng 11/2017, ông Quyết cũng bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo với cơ quan quản lý thị trường. Giao dịch của người đứng đầu Tập đoàn FLC lúc đó được thực hiện ở vùng giá 7.100-7.700 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó, thị giá cổ phiếu này giảm gần 10%.
Cổ phiếu giảm sàn liên tục
Thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giữ đã lan truyền trên mạng xã hội từ tối 26/3, trước phiên giao dịch đầu tuần. Tin đồn liên quan Chủ tịch FLC dẫn đến đà lao dốc của hệ sinh thái cổ phiếu FLC trên thị trường chứng khoán, hàng chục triệu cổ phiếu kê bán sàn, trắng bên mua.
Cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu "hệ sinh thái" FLC trong tài khoản chịu thiệt hại nặng. Tuy nhiên, người chịu thiệt hại nặng nhất là ông Trịnh Văn Quyết bởi ông đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn.
Theo báo cáo quản trị của tập đoàn FLC, đến hết năm 2021, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% tổng số cổ phiếu của tập đoàn.
Đây không phải là tất cả bởi ngoài FLC, ông Quyết cũng trực tiếp sở hữu cổ phiếu tại nhiều doanh nghiệp khác như 23,7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phiếu Xây dựng FLC Faros (ROS); 7,5 triệu cổ phiếu GAB của Công ty Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC và hơn 3,1 triệu cổ phiếu ART của Công ty Chứng khoán BOS.
Kết phiên 29/3, mã FLC chỉ giao dịch được 3,3 triệu cổ phiếu tại giá sàn 12.650 đồng trong khi có tới 70 triệu đơn vị dư bán sàn.
Tương tự cổ phiếu FLC Faros (ROS) lao về giá sàn 8.160 đồng/cổ phiếu trong phiên 29/3 với tổng cộng hơn 58 triệu đơn vị dư bán sàn.
Mã ART của Chứng khoán BOS giảm 5,8% về 9.700 đồng/cổ phiếu. Chỉ có GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC chưa có giao dịch.
Như vậy, căn cứ theo thị giá cuối phiên ngày 29/3, tổng số cổ phần của ông Quyết nắm giữ tại các doanh nghiệp này có giá trị hơn 4.400 tỷ đồng, giảm 260 tỷ đồng so sau chỉ sau một phiên giao dịch (so với giá trị 4.660 tỷ đồng phiên 28/3).
Tuy nhiên, trị giá tài sản này cũng chỉ là một phần nhỏ so với trị giá cổ phiếu ông Quyết từng nắm giữ thời kỳ đỉnh cao của doanh nghiệp. Tháng 3/2017, ông Quyết từng nắm giữ lượng cổ phiếu trên sàn chứng khoán có quy mô trên 58.850 tỷ đồng (2 tỷ USD) nhờ sở hữu hơn 318,5 triệu cổ phiếu ROS; hơn 135 triệu cổ phiếu FLC; và hơn 2,63 triệu cổ phiếu ART. Dù vậy, ông không được Forbes ghi nhận danh hiệu tỷ phú USD mà chỉ theo dõi, đánh giá tài sản. Con số này giúp Chủ tịch FLC giành được vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, từ năm 2018, tài sản vị đại gia này rơi liên tục do giá cổ phiếu lao dốc và bán để giảm tỉ lệ sở hữu.
Đây chỉ là tài sản cổ phiếu trên sàn chứng khoán có thể lượng hoá, bởi ông Quyết còn được biết nắm giữ cổ phần tại một số công ty đại chúng khác chưa niêm yết cũng như hàng loạt bất động sản lớn. Ông Quyết sở hữu 56,5% vốn hãng hàng không Bamboo Airways tại ngày 1/6/2021, 52,49% vốn của FLC Homes tại cuối năm 2020 cùng nhiều bất động sản gia đình...
FLC kinh doanh "kém sáng"năm 2021
Tập đoàn FLC được thành lập năm 2010. Năm 2011, mã chứng khoán FLC chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. FLC nhanh chóng phát triển thành tập đoàn đa ngành đa nghề gồm 16 công ty con và 2 công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó ngành nghề cốt lõi bao gồm: kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, hàng không và bất động sản.
Năm 2013, FLC trở thành một trong những cái tên nóng nhất trong giới bất động sản lẫn giới đầu tư chứng khoán. Công ty này cùng với FLC Faros đã có lúc đưa Chủ tịch Trịnh Văn Quyết lên nhóm người giàu nhất Việt Nam (tính theo giá trị cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán) năm 2017.
Về kết quả kinh doanh, trung bình giai đoạn từ 2013-2020, khi chưa bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng nhanh. Đến năm 2021, doanh thu doanh nghiệp giảm 67% so với cùng kỳ năm 2020 xuống chỉ còn 1.188,3 tỷ đồng. Tập đoàn cho biết, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh và FLC không còn hợp nhất báo cáo tài chính với CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) nên ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu mảng dịch vụ của Tập đoàn.
Giá vốn cũng giảm 79% xuống 857,2 tỷ đồng (giảm ở cả 3 mảng: hàng hóa đã bán, thành phẩm; bất động sản và dịch vụ đã cung cấp) nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 309,92 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gộp 595,67 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Tập đoàn phải chịu thêm lỗ của công ty liên kết 319,8 tỷ đồng. Kết quả, FLC báo lãi sau thuế 14,51 tỷ đồng, giảm 99% so với quý IV/2020. Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 6.771,89 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 83,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 50% và 73% so với năm 2020.
So với kế hoạch kinh doanh 15.250 tỷ đồng doanh thu và 880 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, FLC mới thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và vỏn vẹn 9,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Dù vậy, bước sang năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu là gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Con số này chưa tính thêm hàng không và đầu tư thi công - hai lĩnh vực liên quan mật thiết tới hệ sinh thái FLC. Nếu bổ sung hai mảng này, kế hoạch doanh thu của Tập đoàn FLC cho toàn bộ hệ thống sẽ là 42.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu.
Trong thông cáo phát đi tối 29/3, sau thông tin ông Quyết bị tạm giam, ban lãnh đạo FLC vẫn nhấn mạnh, với khoảng 300 dự án đang được nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý trên cả nước, FLC sẽ tiếp tục hoàn thành pháp lý để triển khai hàng loạt dự án trong năm nay.
Hãng hàng không Bamboo Airways tối cùng ngày cũng đã ra thông cáo khẳng định, sự việc của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết không liên quan và ảnh hưởng đến hoạt động của FLC Group nói chung, Bamboo Airways nói riêng. Vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của Bamboo Airways trong hoạt động khai thác vận hành hàng ngày, cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới.