Không khí Hà Nội ô nhiễm top đầu thế giới: Vì sao đeo khẩu trang, tập thể dục sáng sớm vẫn “dính chưởng”?

CTV
Việc không khí ô nhiễm nặng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, và điều đáng lo là những biện pháp người dân thực hiện để phòng tránh hiện nay dường như không có tác dụng.

Những ngày vừa qua, chỉ số chất lượng không khí quan trắc được ở Hà Nội luôn ở mức “báo động đỏ”, trong đó ngày 28/11, Hà Nội là thành phố có không khí ô nhiễm thứ 4 trên thế giới. Đáng nói, chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội cao gấp 8,5 lần chỉ số chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trước tình trạng này, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, thực tế mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những ngày vừa qua cũng không bất thường, bởi hàng năm vào thời gian này chất lượng không khí đo được vẫn luôn ở mức ô nhiễm cao. Theo đó, mức độ ô nhiễm thường tập trung từ tháng 10-11 đến tháng 3-4 năm sau. Trong điều kiện thời tiết gió lặng, mù, ẩm thấp, ít nắng, độ ẩm không khí cao khiến các chất không khuếch tán được gây ô nhiễm kéo dài.

Ngày 28/11 Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 4 thế giới. Ảnh minh họa. 

Khẩu trang không có tác dụng với bụi mịn

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung của mọi người. Trong đó, 4 nhóm người có nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất đó là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai và người có bệnh lý mãn tính.

Bác sĩ Thành cho biết, ô nhiễm không khí mà có chỉ số bụi mịn PM2.5 cao thì mức độ nguy hiểm tới sức khỏe sẽ cao hơn nhiều, nó ảnh hưởng không chỉ đường hô hấp trên, mà còn tác động sâu vào phế quản, phế nang và các bộ phận khác. Nếu sống trong môi trường có không khí bị ô nhiễm lâu dài, các chất độc hại có từ bụi trong không khí sau thời gian tích tụ sẽ gây ra các bệnh mạn mãn tính về đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thậm chí còn là yếu tố gây nên ung thư...

Bác sĩ Vũ Văn Thành cho biết, bụi mịn có kích thước PM nhỏ hơn 2.5 micromet sẽ lọt vào phế nang, tích tụ dần gây bệnh nguy hiểm. Ảnh: Lê Phương.

Bụi mịn PM2.5 có 2 loại, đó là hạt bụi có kích thước PM 2.5 micromet và hạt bụi có kích thước PM dưới 2.5 micromet. Trong đó, loại có kích thước PM dưới 2.5 micromet đặc biệt nguy hiểm, vì khi con người hít phải thì lớp nhầy nhung mao ở niêm mạc không thể ngăn chặn được và chúng sẽ lọt vào phế nang. Sau khi lọt vào phế nang, các hạt bụi mịn này sẽ tích lũy dần dần đến khi đủ lượng nhất định có thể gây nên các bệnh lý về đường hô hấp như đã nói trên”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Một vấn đề bác sĩ Thành khuyến cáo người dân là khi ô nhiễm không khí, mọi người thường sẽ có thói quen đeo khẩu trang y tế, khẩu trang vải lúc ra đường nhưng cách này không có tác dụng đối với bụi mịn PM2.5. Nguyên nhân là hạt bụi mịn này rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy được, vì thế khẩu trang cũng không thể ngăn được chúng. “Chỉ có khẩu trang N95, một số khẩu trang chuyên dụng khác có kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi mịn này. Tuy nhiên, người dân lại rất ít dùng những loại khẩu trang này vì không quen hoặc do giá thành đắt đỏ”, bác sĩ Thành cho hay.

Việc đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải không ngăn được bụi mịn. Ảnh minh họa. 

Để hạn chế ảnh hưởng trong những ngày không khí ô nhiễm, bác sĩ Thành khuyến cáo, mọi người nên hạn chế ra ngoài, trường hợp cần thiết phải ra ngoài thì nên chuẩn bị khẩu trang chuyên dụng. Ngoài ra, ở gia đình, văn phòng nếu có điều kiện nên trang bị thiết bị lọc không khí. Về lâu dài, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, quản lý và ban ngành đoàn thể để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không khí.

Tập thể dục sáng sớm không thoát được ô nhiễm không khí

Thông tin không khí Hà Nội bị ô nhiễm ở mức độ cao đã khiến cho nhiều người lo lắng và không ít người chọn cách tập thể dục vào buổi sáng sớm trước khi có các phương tiện giao thông ra ngoài nhiều, nhằm tránh bị ô nhiễm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc này vẫn khó tránh các ảnh hưởng đến sức khỏe.

BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3) cho biết, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tập thể dục ở các độ thị vào sáng sớm, nhất là ngày không khí bị ô nhiễm nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính liên quan đến phổi... Nguyên nhân do hiện tượng nghịch nhiệt do bức xạ về đêm có thể khiến các chất ô nhiễm ở thời điểm này cao hơn ban ngày đến 2 - 3 lần. Hiện tượng này có thể kéo dài đến sáng sớm và bụi ô nhiễm bay lơ lửng dưới mặt đất, nên người tập thể dục quá sớm sẽ dễ hít phải những hạt bụi này.

Tập thể dục sáng sớm vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là khi không khí bị ô nhiễm. Ảnh minh họa. 

Ngoài ra, bác sĩ Vũ còn khuyến cáo, tập thể dục quá sớm kể cả khi không khí không bị ô nhiễm cũng không tốt cho hệ hô hấp do cây cối xung quanh vẫn hấp thụ oxy thải CO2. Vì vậy, bác sĩ khuyên mọi người chỉ ra ngoài trời tập thể dục khi đã có ánh nắng mặt trời. Với những ngày không khi ô nhiễm, nên lựa chọn vận động, tập nhẹ trong nhà hơn là đi ra môi trường, tốt nhất nên trang bị máy lọc không khí tại gia đình.

Để bảo vệ đường hô hấp, sau khi tập thể dục về nên vệ sinh mũi họng đúng cách để đẩy bụi hoặc tác nhân gây bệnh ra ngoài. Đồng thời, cần chăm sóc dinh dưỡng tốt giúp cơ thể tăng đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật, nhất là các tác nhân gây bệnh từ vi khuẩn, virus.