Không nhường đường cho xe cứu thương khi lưu thông trên đường bị xử lý ra sao?

Độc giả Trần Đức Anh (Hà Nội) hỏi: Tôi xem nhiều clip trên MXH thấy có nhiều người đi đường không có ý thức khi không nhường đường cho xe cứu thương đang làm nhiệm vụ. Vậy hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng xin được trả lời bạn Trần Đức Anh như sau:

Căn cứ theo Điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cứu thương khi đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là một trong những xe ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào.

Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

khong-nhuong-duong-cho-xe-cuu-thuong-xu-ly-nhu-the-nao-1710230220.jpg

Xe cứu thương là một trong những loại xe được ưu tiên theo quy định.

Do đó, theo quy định của pháp luật, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe được quyền ưu tiên. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường và không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

   Xem thêm: Rải đinh ra đường sẽ bị xử lý thế nào?

 

Hành vi “Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ” có thể bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Tùy theo phương tiện vi phạm mà mức phạt cụ thể như sau:

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Theo điểm b Khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đối với trường hợp gây tai nạn giao thông (mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Theo điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đối với trường hợp gây tai nạn giao thông mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng (Theo điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Như vậy, đối với trường hợp mà bạn độc giả Trần Đức Anh hỏi, sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể để áp dụng mức phạt và xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: 8 trường hợp phải đổi giấy đăng ký xe, cố giữ lại sẽ bị xử phạt