Kịch bản khai giảng và bắt đầu năm học mới đặc biệt

Ngày học sinh toàn quốc hân hoan dự lễ khai giảng hằng năm (5/9) đang đến thật gần. Song, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, kế hoạch bắt đầu năm học mới tại các địa phương được chuẩn bị ra sao?

Tận dụng “thời gian vàng” để dạy học trực tiếp

Trong lúc tình hình dịch tại một số địa phương đang diễn biến phức tạp, một số tỉnh thành lại may mắn kiểm soát tốt các nguy cơ trong cộng đồng, tận dụng khoảng thời gian bắt đầu năm học mới, cho học sinh tựu trường.

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, ông Đỗ Văn Thắng (Chánh Văn phòng sở GD&ĐT Vĩnh Phúc) thông tin, học sinh đã bắt đầu quay trở lại trường từ ngày 23/8. 

Cụ thể, theo kế hoạch thực hiện khung thời gian năm học 2021-2022, UBND tỉnh đã quyết định, cho học sinh tựu trường từ ngày 1/9, riêng đối với học sinh lớp 1 là ngày 23/8.

Theo Chánh văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời điểm này, địa phương may mắn vẫn có thể cho học sinh học tập trung tại trường: “Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục tranh thủ “khoảng thời gian vàng” này để dạy học trực tiếp. Các con được đi học là niềm vui của cả thầy cô lẫn phụ huynh, bởi trẻ nhỏ học online là cả nhà học cùng. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 1, phải học trực tiếp những tuần đầu để cô giáo còn hướng dẫn cách cầm bút, đánh vần chữ. Nếu phải học trực tuyến, làm sao cô có thể uốn nắn cho từng học sinh được...”.

hoc-online-1630407668.jpg
Học sinh lớp 1 tại Lào Cai trong buổi gặp mặt sau ngày tựu trường 23/8.

“Do tình hình dịch bệnh phức tạp, Sở yêu cầu Hiệu trưởng các trường chỉ đạo học sinh, phụ huynh tuyệt đối không tụ tập bên ngoài lớp học (lưu ý nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên giám sát giờ giải lao không để học sinh ra chơi ở hành lang hoặc sân trường hoặc sang lớp khác, chỉ giải lao tại lớp học với phương châm lớp giãn cách lớp và lớp tự bảo vệ lớp để phòng chống dịch)”, ông Đỗ Văn Thắng nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh đó, sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cũng truyên truyền để phụ huynh học sinh phổ thông quan tâm mua sắm trang thiết bị đáp ứng việc học trực tuyến của học sinh trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

Sở đề nghị các cơ sở giáo dục hướng dẫn học sinh mua đủ hoặc tận dụng sách giáo khoa, tài liệu cũ còn sử dụng được tránh lãng phí (riêng học sinh lớp 2, lớp 6 và một số môn của lớp 1 thực hiện theo danh mục đã được tỉnh phê duyệt); phối hợp với các đơn vị cung cấp đảm bảo cung ứng đủ cho 100% học sinh có sách giáo khoa trước khi vào năm học mới; quan tâm, hỗ trợ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, có cha mẹ đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, hoặc trong khu cách ly để tạo điều kiện cho tất cả các em được học tập.

le-khai-giang-1630408317.jpg
Lễ khai giảng sẽ được các trường lựa chọn hình thức trực tiếp hay trực tuyến tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.

Về khai giảng, các trường phổ thông có thể chọn một trong hai hình thức: Khai giảng trực tiếp (học sinh ngồi tại lớp), thực hiện các nội dung khai giảng chung tại phòng họp của nhà trường do Ban giám hiệu điều hành được truyền tới các lớp qua hệ thống âm thanh, hình ảnh (nếu có) để học sinh theo dõi dưới sự điều hành của giáo viên chủ nhiệm tại mỗi lớp học (nếu trường học không đảm bảo hệ thống âm thanh để phát tới các lớp thì tổ chức riêng từng lớp do giáo viên chủ nhiệm thực hiện). Hoặc khai giảng trực tuyến (học sinh theo dõi ở nhà). 

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, không tổ chức khai giảng ngày 5/9 và tổ chức hoạt động chào đón năm học mới vào đầu giờ sáng ngày 6/9 tại lớp học

Linh động nhiều phương án khai giảng vào ngày 5/9

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố điều chỉnh các mốc thời gian trong kế hoạch năm học và chủ động hướng dẫn triển khai hình thức tổ chức khai giảng năm học mới cũng như hình thức, nội dung, thời lượng, tiến độ dạy học, giáo dục phù hợp với thực tiễn.

Hiện tại, thành phố đang gặp một số khó khăn trước thềm năm học mới: Nhiều trường học đang trưng dụng làm cơ sở cách ly y tế; nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh là F0, F1; một số học sinh chưa đủ sách giáo khoa, dụng cụ học tập… 

Theo đó, Sở phối hợp với đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, tổ chức khai giảng năm học 2021-2022 vào 7h sáng ngày 5/9.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận (Giám đốc sở GD&ĐT Đà Nẵng), Sở cũng nhận thức dạy - học trực tuyến là một hình thức hỗ trợ chứ không phải là hình thức chủ đạo, do còn gặp nhiều khó khăn: Điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh khác nhau (nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn) nên khó áp dụng đồng bộ; khó khăn cho phụ huynh trong việc quản lý, hỗ trợ, đồng hành cùng con cái, đặc biệt là với học sinh nhỏ tuổi; cũng như hiệu quả và tác động của việc dạy - học trực tuyến đối với tâm lý học sinh.

Chính vì vậy, Sở xác định thời gian đầu sau khai giảng (khoảng 2 tuần), việc dạy - học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ; sau đó, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy - học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ.

Đặc biệt, Giám đốc sở GD&ĐT Đà Nẵng nhấn mạnh, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều học sinh hiện nay vẫn chưa được trang bị sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Theo khảo sát của Sở và thông tin từ các công ty sách, hiện nay có khoảng 60% học sinh đã mua sách giáo khoa mới và 50% học sinh đã mua đồ dùng học tập. Sau thời gian ôn tập, khi giáo viên giới thiệu chương trình mới để học sinh làm quen thì học sinh có thể bước đầu tiếp cận sách điện tử trên website của phía nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã chỉ đạo các trường khảo sát tình hình học sinh (về sách giáo khoa, đồ dùng học tập, trang phục, điều kiện học trực tuyến…) để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trong việc học trực tuyến. Đối với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến (điều kiện về máy móc, đường truyền, là F0 đang điều trị, F1 đang cách ly tập trung…), các trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình.

Đồng thời, hướng dẫn giáo viên (đặc biệt là giáo viên lớp 1, lớp 2) gửi bài giảng, bài tập đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email… để phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh. Giáo viên cũng có thể gửi tài liệu giấy để hướng dẫn học sinh học tập (khi điều kiện cho phép). Những học sinh này khi đi học lại sẽ được khảo sát, đánh giá kỹ để có hình thức hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các em theo kịp chương trình.

Sở cũng đã đề nghị thành phố quan tâm, ưu tiên tiêm vắc-xin cho đội ngũ giáo viên và nghiên cứu việc tiêm vắc-xin cho học sinh đủ điều kiện nhằm đảm bảo an toàn cho cả giáo viên và học sinh khi việc dạy - học được tổ chức trực tiếp tại trường.

Tại Bắc Giang, đại diện sở GD&ĐT cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, các cơ sở giáo dục tiến hành rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ đào tạo; đặc biệt quan tâm bố trí đủ giáo viên dạy lớp 1, 2, lớp 6 đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Đồng thời, bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian học sinh tựu trường ngày 1/9, căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị, các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học phù hợp, bảo đảm an toàn và phòng, chống dịch Covid-19. Sau ngày khai giảng, các cấp học, bậc học sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch dạy học từ ngày 6/9.

Về lễ khai giảng, toàn tỉnh thống nhất tổ chức vào 7h30, ngày 5/9. Một số trường mầm non được trưng dụng cơ sở vật chất làm khu cách ly có thể tạm lùi thời gian đưa trẻ đến trường. 

mam-non-1630408503.jpg
Đối với mầm non, có thể tiếp tục lùi ngày tựu trường, không dạy trực tuyến. (Ảnh minh họa, trẻ mầm non tại Hà Nội, chụp trước ngày 27/4).

Sở cũng đã xây dựng các phương án để mỗi cơ sở giáo dục căn cứ vào thực tiễn của địa phương, đơn vị để áp dụng cho phù hợp với tình hình phòng, chống dịch và phải được ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương chấp thuận:

Phương án 1: Dịch Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát tốt, các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng truyền thống, song phải bảo đảm các quy định phòng, chống dịch và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, trường học.

Phương án 2: Nếu dịch diễn biến phức tạp tại một số địa phương, sẽ tổ chức khai giảng trực tiếp kết hợp với trực tuyến, giảm quy mô và số cán bộ giáo viên, học sinh (30% giáo viên, học sinh dự trực tiếp, 70% giáo viên, học sinh dự trực tuyến tại nhà).

Phương án 3: Nếu dịch tiếp tục bùng phát mạnh mẽ, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, tổ chức khai giảng trực tuyến sau đó tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác để bảo đảm nội dung, chương trình năm học.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn (Chánh Văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An) cho biết: Sở đã thống nhất, để tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An không tổ chức tựu trường vào ngày 1/9.

Bên cạnh đó, năm học này, các trường học không tổ chức khai giảng riêng từng trường vào sáng ngày 5/9, mà tỉnh chỉ tổ chức lễ khai giảng tại một điểm duy nhất ở trường THPT chuyên Phan Bội Châu và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An. Ngay sau ngày khai giảng, bắt đầu từ ngày 6/9, tất cả các trường học trên toàn tỉnh sẽ triển khai dạy học trực tuyến.

Lùi ngày khai giảng, tựu trường

Ngày 30/8, sở GD&ĐT Bình Dương đã đề xuất ngày khai giảng năm học 2021-2022 được tổ chức vào ngày 15/9bằng hình thức trực tuyến (thay vì khai giảng ngày 5/9như kế hoạch trước đó).

Đồng thời, thực hiện dạy học trực tuyến từ ngày 16/9 đến ngày 30/10. Cụ thể, học sinh tiểu học, THCS, THPT ổn định nền nếp lớp học từ ngày 16-18/9; thực hiện chương trình học kỳ I từ 20/9.

Riêng đối với mầm non, do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi nên không triển khai hình thức học trực tuyến giống như giáo dục phổ thông. Với cấp học này, cơ sở giáo dục mầm non soạn thảo các nội dung tuyên truyền và xây dựng các video clip tuyên truyền, hướng dẫn cha, mẹ tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Việc sở GD&ĐT xin chủ trương dời ngày khai giảng năm học xuất phát từ tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và tình hình tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục (khoảng 682 người). Đồng thời, do hiện nay, tỉnh đang thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 đến ngày 15/9/2021, đã ảnh hưởng đến việc tựu trường, khai giảng năm học và việc dạy, học của giáo viên, học sinh.

Nhằm tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian chuẩn bị bài giảng trực tuyến, Sở cũng trình UBND tỉnh chấp thuận việc thay thế dần lực lượng giáo viên tham gia tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi có nhân lực hỗ trợ.

240494116-362538168670055-3965127872452385776-n-1630406927.jpg
Một số cơ sở giáo dục tại các địa phương đang được trưng dụng phục vụ tuyến đầu chống dịch.

Đối với các điểm trường làm điểm cách ly tập trung từng bước đưa các ca F0 về các bệnh viện dã chiến để trường sửa chữa, vệ sinh, khử khuẩn nhằm chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học từ 1/11. Tiêm vắc-xin cho tất cả công chức, viên chức, giáo viên, người lao động toàn ngành giáo dục.

Tại Ninh Bình, sở GD&ĐT cũng điều chỉnh kế hoạch tổ chức khai giảng và thời gian tựu trường. Cụ thể, đối với các trường phổ thông; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thành phố; trung tâm giáo dục thường xuyên-Tin học, Ngoại ngữ tỉnh tổ chức lễ khai giảng năm học mới nội bộ, cử đại diện tham dự tối đa 30 học sinh; bắt đầu tựu trường, đồng thời học chính khóa từ ngày 6/9. Đối với các trường mầm non, lùi thời gian tựu trường đến ngày 13/9. Các cơ sở giáo dục chưa tổ chức hoạt động tập thể, hoạt động tập trung đông người, không tổ chức dạy thêm, học thêm; đối với học sinh tiểu học chỉ học một buổi/ngày. Riêng đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Kim Sơn, lùi thời gian tựu trường đến ngày 13/9.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Hoàng (Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La) cũng cho biết, Sở quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường từ ngày 18/8, do huyện Phù Yên ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây. Hiện tại, thời gian cho học sinh đến trường trở lại tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Sở GD&ĐT Sơn La cũng lên các phương án cho các tình huống cụ thể. 

Trước đó, Sơn La quyết định cho học sinh tựu trường sớm nhất từ 16/8 nhằm có quỹ thời gian, phòng cho tình huống dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày, đã phải tạm dừng đến trường vì có F0.

Theo đại diện sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai, do hiện tại, rất nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19 nên học sinh toàn tỉnh sẽ tựu trường bằng hình thức trực tuyến cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể trở lại trường. Sở đề xuất ngày tựu trường trực tuyến là 13/9.

Tuệ Linh