Kỳ lạ làng lấy nghề... "bán hơi" để kiếm sống ở Nam Định

Ngày qua ngày, không kể mùa đông hay hè, những người thợ cuối cùng còn “giữ lửa” vẫn miệt mài mưu sinh từ “hơi thở thủy tinh” và trăn trở giữ nghề truyền thống.

Vào những năm trước, làng nghề thổi thủy tinh ở thôn Xối Trì, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực (Nam Định) từng được biết đến là nghề nổi tiếng.

Đến nay, trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội, nghề thổi thuỷ tinh nơi đây đang dần bị mai một nhưng người dân Xối Trì vẫn luôn cố gắng “giữ hơi thở thủy tinh” như một nghề truyền thống vốn có của cha ông.

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định

Những người thợ cuối cùng còn giữ “lửa” làng thủy tinh Xối Trì vẫn miệt mài làm việc trong nhiệt độ từ 50 đến 60 độ C, “bán hơi” để tạo ra những chiếc cốc được sử dụng rộng rãi. Ảnh: Lệ Giang

Từ lâu, chiếc cốc thủy tinh màu xanh, kiểu dáng đơn giản xuất hiện trên thị trường tại các quán xá hay những chiếc bóng đèn, chai, lọ, ly, cốc, nắp phích đã trở nên quen thuộc với người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng ít ai biết được đằng sau những sản phẩm thủy tinh thủ công ấy là những giọt mồ hôi mặn mòi, những câu chuyện giữ nghề.

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định (Hình 2).

Theo những người thợ ở làng nghề cho biết, nguyên liệu sản xuất gồm các thủy tinh vỡ vụn được thu mua ở những cơ sở làm kính. Nguyên liệu được phân loại sạch sẽ trước khi đưa vào lò nung nóng.Ảnh: Lệ Giang

Trải qua nhiều năm tháng với những biến đổi của xã hội, sự nhộn nhịp và sầm uất nơi làng nghề thổi thuỷ tinh ở Xối Trì nay vẫn còn một vài xưởng đỏ lửa hoạt động.

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định (Hình 3).

Mỗi lò thủy tinh nấu lên sẽ làm được khoảng 1.300 chiếc cốc, cứ cách 3-4 ngày mới nấu được 1 lò. Ảnh Lệ Giang

Trong xưởng cũng chủ yếu là những lao động lớn tuổi, gắn bó với nghề thổi thủy tinh nhiều năm. Họ quyết giữ lửa làng nghề cho đến khi không còn sức khỏe để làm việc.

Là một trong những người cao tuổi ở làng Xối Trì vẫn còn gắn bó với nghề truyền thống "thổi ra tiền", ông Phạm Ngọc Hinh (tên thường gọi là ông Bê) đã 53 năm làm nghề chia sẻ: "Tôi theo nghề truyền thống từ những năm 1970. Tiếp xúc với nghề từ nhỏ, nhiều người trong làng làm nghề nên chúng tôi cũng được học hỏi. Khi lớn thành thạo, tôi làm thợ. Ngày trước, công việc này mang lại mức lương khá ổn định nhưng lại rất vất vả, giờ chẳng còn mấy ai theo nghề nữa".

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định (Hình 4).

Ông Phạm Ngọc Hinh (phía bên trái, đeo kính) hơn 50 năm làm nghề thổi thủy tinh. Ảnh: Lương Hà

Để thổi được cốc thủy tinh hoàn chỉnh người thợ phải trải qua nhiều công đoạn vất vả ngày đêm. Trước hết, người thợ phải làm được nồi, đắp được lò nấu. Mảnh thủy tinh sau khi đập nhỏ, loại bỏ bụi bẩn sẽ được cho vào lò nung để nấu. Công đoạn này đòi hỏi phải chế biến từ từ để không làm ảnh hưởng tới sức chứa của nồi, thủy tinh được đổ vào nung nấu khoảng 5 tạ/lần, theo Lao động.

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định (Hình 5).

Để sản xuất không bị gián đoạn, mỗi dây chuyền sản xuất cốc thủy tinh có 5 thợ thổi hơi tạo dáng cốc, 1 thợ cắt miệng cốc, 1 thợ ủ tro để cốc nguội từ từ. Ảnh: Lệ Giang

Trung bình một mẻ thủy tinh thường được nấu và ủ trong khoảng thời gian từ 5 - 7 tiếng đồng hồ. Khi nhiệt độ đạt tới gần 2.000 độ C thì những mảnh thủy tinh sẽ tan chảy thành thể lỏng. Thợ thổi thủy tinh lúc này cầm ống sắt lấy thủy tinh và bắt đầu thổi theo những khuôn hình có sẵn.

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định (Hình 6).

Mỗi người thợ sẽ dùng chiếc ống kim loại dài khoảng 2m, lấy thủy tinh nóng chảy từ trong lò ra, liên tục lăn khối thủy tinh đó trên bề mặt phẳng đã bôi chút mỡ để tạo độ trơn, nhẵn, bóng và tạo khối trụ cho chiếc cốc. Ảnh: Lệ Giang

Sau đó, người thợ dùng miệng thổi vào một đầu ống thổi khối thủy tinh đang nóng chảy để giãn nở theo ý muốn và nhanh chóng đưa khối thủy tinh vào khuôn.

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định (Hình 7).

Quá trình thổi đòi hỏi người thợ phải đều hơi, thổi dứt khoát. Đây là công đoạn yêu cầu người làm phải có kinh nghiệm nhất định để giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi phải tái chế. Ảnh: Lệ Giang

Sản phẩm được định hình trong khuôn lập tức được chuyển sang máy thổi giảm nhiệt rồi mới đến khâu cắt miệng. Các sản phẩm sẽ được cắt tuỳ theo mẫu mã.

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định (Hình 8).

Chiếc cốc sau khi được thổi định hình lập tức được chuyển sang máy thổi giảm nhiệt rồi mới đến khâu cắt miệng cốc. Người thợ cắt mép ngồi bên cạnh chiếc bếp ga nóng rực để thực hiện công đoạn cắt mép, làm tròn miệng cốc một cách khéo léo, kỹ càng. Ảnh: Lệ Giang

Ông Trần Văn Duyên (1 trong 3 ông chủ của lò thổi thủy tinh thủ công ở làng Xối Trì) cho hay: "Những người làm thổi thủy tinh của gia đình tôi có ông Hinh là người cao tuổi nhất vẫn còn gắn bó với nghề. Trong một ca làm, ông Hinh làm việc như một người thợ chính, thổi luân phiên dây chuyền và làm đủ hết ca thổi mới nghỉ".

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định (Hình 9).

Sau khi hoàn thành các công đoạn, một người sẽ chịu trách nghiệm mang những chiếc cốc đỏ rực vùi vào tro rơm để hạn nhiệt từ từ, tránh tình trạng nứt, vỡ. Thời gian ủ kéo dài khoảng 12 - 15 tiếng. Ảnh: Lệ Giang

Vang bóng một thời là thế, nhưng những năm trở lại đây, nghề thổi thủy tinh ở Xối Trì đã bị lao đao bởi cơn bão thị trường. Máy móc hiện đại ra đời, các sản phẩm tinh xảo được sản xuất nhanh hơn, sản phẩm làng nghề tuy vẫn đáp ứng được chất lượng nhưng tốc độ sản xuất không bằng máy móc, giá thành cao nên nhiều hộ đã bỏ nghề. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh của đồ nhựa, đồ inox làm thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Đời sống - Kỳ lạ làng lấy nghề... 'bán hơi' để kiếm sống ở Nam Định (Hình 10).

Ông Hinh làm việc trong ca thổi thủy tinh. Ảnh: Lương Hà

Suốt nhiều năm trăn trở về nghề truyền thống, ông Hinh chia sẻ: "Người trẻ của làng không còn ai theo nghề bởi công việc vất vả, mất sức mà thu nhập không hơn những việc làm thuê bên ngoài. Người thợ lớn tuổi như tôi vẫn làm là vì mong muốn muốn giữ lấy cái nghề truyền thống của cha ông để lại. Tôi hy vọng làng nghề được duy trì, phát triển, ngoài giải quyết công việc cho bà con còn giữ gìn nét văn hóa làng nghề truyền thống cha ông để lại".

Dù nghề thổi thủy tinh tại làng Xối Trì đã bị mai một đáng kể, gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn còn một số những người dân nơi đây thực sự tâm huyết muốn bám trụ với nghề. Họ đều là những người còn giữ lại “hơi thở thuỷ tinh” bên ngọn lửa nghề bằng tình yêu và sự nhiệt huyết. Giá trị văn hoá của làng nghề thổi thuỷ tinh truyền thống sẽ mãi được khắc ghi khi những người thợ ấy luôn giữ lửa với công việc này, theo TTXVN.

 

Khánh Linh (t/h)/Người đưa tin