Phẫn nộ hành vi tính lãi từ 180 đến 365%
Trao đổi với Phóng viên Đời sống & pháp luật, cơ quan công an tỉnh Quảng Bình cho biết vừa phá thành công chuyên án tín dụng đen với lãi suất lên tới 365%/năm khiến dư luận nức lòng. Theo tài liệu điều tra, hai đối tượng chủ mưu bị bắt giữ là Lương Minh Ngọc, 25 tuổi (thường trú xã Hương Hóa, Tuyên Hóa) và Nguyễn Thái Quý, 28 tuổi (trú phường Đồng Hải, Đồng Hới) về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Hành vi của hai đối tượng này hết sức manh động và đê hèn khiến nhiều nạn nhân và bà con bức xúc cầu cứu lên cơ quan chức năng.
Theo như tài liệu thu thập của Ban chuyên án, có hàng chục người rơi vào hoàn cảnh lao đao, khốn khổ khi chấp nhận vay tiền lãi cao của nhóm này. Thủ đoạn cho vay tín dụng được thực hiện từ các gói nhỏ từ 5 triệu đến gói lớn 150 triệu đồng. Thế nhưng hình thức tính lãi suất quá cao, từ 180 đến 365% mỗi năm khiến nhiều nạn nhân tán gia bại sản, rơi vào bước đường cùng. Theo lời khai của Ngọc và Quý thì để thực hiện hành vi phạm tội, chúng đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ làm bình phong, nhưng thực chất cho vay nặng lãi. Để thu hút con mồi, chúng đã quảng cáo trên mạng xã hội là thủ tục nhanh gọn để mời gọi người vay, trong thời buổi dịch Covid 19 kéo dài, rất nhiều người cần tài chỉnh để sinh hoạt, kinh doanh nên rơi vào bẫy một cách dễ dàng.
Cụ thể nạn nhân là trường hợp chị V., khi trình báo với nhà chức trách đã vay của 2 thanh niên này 100 triệu đồng để giải quyết việc riêng, thế chấp bằng Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất. Sau khi hoàn tất các thủ tục nhưng chị V. chỉ nhận được 75 triệu đồng, còn 25 triệu đồng bị trừ là tiền trả lãi trước. Số tiền này được tính lãi từ 180 đến 365% mỗi năm khiến chị vô cùng bức xúc. Đỉnh điểm là khi đến thời gian trả nợ nhưng chưa kịp lo tiền, chị V. liền bị 2 người này ép buộc làm thủ tục sang tên quyền sử dụng thửa đất mà chị đã cầm cố trước đó. Lo sợ, chị V. đành phải làm theo sự ép buộc của 2 đối tượng này. Quá thời hạn trả nợ 8 ngày, chị V. mang tiền xin chuộc lại thửa đất nhưng nhóm này kiên quyết bắt phải sang tên đổi chủ. Nữ nạn nhân nói rất lo lắng, bồn chồn vì bị tước đoạt mất tài sản trị giá gấp nhiều lần số tiền vay nợ.
Quay video quan hệ tình dục để coi như tài sản thế chấp
Theo tài liệu của cơ quan điều tra tỉnh Quảng Bình, đa số người vay bị hai đối tượng Ngọc và Quý buộc thế chấp bằng tài sản có giá trị hoặc giấy tờ tuỳ thân như căn cước công dân, bằng lái xe…. Đê tiện hơn, đối với những cô gái trẻ không có tài sản để thế chấp, Ngọc và Quý yêu cầu người vay chụp ảnh nhạy cảm, hoặc quay video quan hệ tình dục để "làm tin" và coi như tài sản thế chấp thì mới được vay tiền. Với kiểu tín dụng đen “biến tướng” đê hèn này, nhiều cô gái trẻ sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này và xấu hổ với xã hội mà không dám trình báo với cơ quan chức năng.
Theo trình báo của các nạn nhân, sau khi đã "sập bẫy", lúc đến hạn trả nợ, người vay chưa có tiền để trả lãi, trả gốc thì nhóm đối tượng trên dọa dẫm người vay và gửi những hình ảnh nhạy cảm của họ đến người thân, bạn bè… khiến nạn nhân không dám tiếp xúc với ai. Phẫn nộ hơn, nhóm đối tượng đe dọa là công khai hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng xã hội để buộc người vay trả tiền với lãi suất "cắt cổ", từ 180 đến 365%/năm khiến nhiều người ngậm đắng nuốt cay.
Theo tìm hiểu của Phóng viên Đời sống & pháp luật, rất nhiều nạn nhân sập bẫy tín dụng đen biến tướng này bị đe doạ, rơi vào cảnh bị khủng hoảng tinh thần, đường cùng. Từ đó, các nạn nhân lấy can đảm, bỏ qua sĩ diện để trình báo cơ quan công an và sự việc được từng bước sáng tỏ. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ năm 2018 đến nay, Ngọc và Quý đã cho rất nhiều người dân trên địa bàn vay với số tiền lên đến hàng tỷ đồng và con số này sẽ tăng lên khi cơ quan công an mở rộng truy xét.
Trao đổi với báo chí, Đại úy Phạm Xuân Thắng, Phòng Cảnh sát hình sự Quảng Bình cho biết tội phạm tín dụng đen trên địa bàn không mới, song phương thức thủ đoạn luôn thay đổi và ngày càng tinh vi xảo quyệt, nhất là trong dịch Covid 19. Trước đây, tội phạm tín dụng đen chỉ cho vay qua dịch vụ cầm đồ, cầm cố tài sản, hoặc in tờ rơi dán cột điện, rải khắp nơi... thì nay dùng mạng xã hội để quảng cáo, và chỉ cần hình ảnh nhạy cảm là có thể giải ngân. Tuy thủ tục đơn giản nhưng hậu quả khôn lường, khi không thể trả được nợ, người vay là "con mồi" để các nghi can chiếm đoạt tài sản một cách tinh vi.
Từ chuyên án này, Đại úy Thắng khuyến cáo những người trẻ cần tỉnh táo, cảnh giác với các khoản vay nhưng với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không thế chấp, cần làm chủ bản thân và nói không với "tín dụng đen" để tránh những hệ luỵ không đáng có. Đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, tố cáo ngay cơ quan công an khi có dấu hiệu dính bẫy tín dụng đên. Bên cạnh đó tuyên truyền người thân, bạn bè tránh xa tín dụng đen. Nếu có nhu cầu vay vốn cần tìm những nguồn vốn chính thống như ngân hàng, hoặc tổ chức công ty tài chính có phép.
Theo Người Đưa Tin