Tỉnh táo trước bẫy tín dụng đen khi vay tiền qua app 

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, một bộ phận người dân không có việc làm và cần tiền chi tiêu hàng ngày, các đối tượng hoạt động tín dụng đen đã sử dụng ứng dụng hỗ trợ tài chính online để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo về các thủ đoạn tội phạm, nhưng vẫn không ít người mắc bẫy và mất số tiền khá lớn.

Theo cơ quan chức năng, đối tượng mà tín dụng đen hướng tới thường là những người đang cần tiền gấp, có tâm lý muốn được vay số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn. Sau khi tiếp cận được “con mồi”, các đối tượng sử dụng sim, tài khoản thuộc các trang mạng xã hội như Zalo, Messenger để hướng dẫn thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online.

Bằng thủ đoạn hứa hẹn sẽ cho vay số tiền lớn, nhưng để đảm bảo việc vay nhanh chóng, thuận lợi, các đối tượng luôn yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản mà chúng cung cấp để chiếm đoạt tài sản.

Lý do các đối tượng đưa ra như chuyển tiền để đảm bảo hồ sơ vay; tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin, số tiền vay vượt quá định mức vay… Sau khi nạn nhân đã chuyển tiền, các đối tượng nhanh chóng khóa sim, tài khoản đã liên lạc với nạn nhân trước đó, rút tiền khỏi tài khoản nhằm phi tang chứng cứ.

App vay tiền bị bắt

Anh L.V.L. ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) là một nạn nhân của app vay tiền trực tuyến. Khi có nhu cầu vay tiền, anh L. tải một ứng dụng về điện thoại di động. Sau khi cài đặt, anh được một tài khoản Zalo tên “Lù Pệt” xưng là nhân viên thẩm định vay của ứng dụng trên liên hệ và thông báo cho anh được vay 150 triệu đồng.

Nghĩ đã vay được tiền, anh L. đi rút tiền nhưng không thành công. Lúc này nhân viên thẩm định vay yêu cầu anh L. chuyển 90 triệu đồng. Biết mình bị lừa nên anh L. đã đến cơ quan công an tố giác.

Anh L. chia sẻ: “Sau khi chuyển thành công rồi thì vô app thấy tiền vẫn nhảy nhưng rút thì nó báo tài khoản không hợp lệ. Thấy nghi ngờ nên tôi lên cơ quan công an trình báo”.

Trung úy Nguyễn Ngọc Tỉnh, Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, khi người dân truy cập vào đường link thì sẽ có một bộ phận hỗ trợ và yêu cầu làm những thao tác để nhận tiền. Nhưng trước khi nhận tiền thì phải thế chấp và người dân không biết sẽ bị mất tài sản. Do đó, người dân cần tỉnh táo để tránh bị mất tiền oan.

Theo Thượng tá Cao Xuân Hoa, Phó Trưởng Công an huyện Xuân Lộc thì đây là một loại tội phạm rất phức tạp, lợi dụng mạng xã hội để hoạt động.

Không chỉ riêng địa bàn huyện Xuân Lộc hay ở tỉnh Đồng Nai mà nhiều người dân ở các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước cũng đã bị “mắc bẫy” khi vay tiền qua ứng dụng online.

Vì vậy, Công an tỉnh Đồng Nai đã đưa ra cảnh báo người dân cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, hứa hẹn cho vay tiền qua các ứng dụng hỗ trợ tài chính trực tuyến; tuyệt đối không tin, làm theo hướng dẫn của các đối tượng.

Nếu thực sự có nhu cầu về tài chính, người dân nên trực tiếp liên hệ, làm thủ tục hồ sơ vay tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính thống hoặc thông qua các mô hình vay vốn ưu đãi ở địa phương như hội phụ nữ, hội nông dân… để tránh “tiền mất, tật mang”. Khi phát hiện các hình thức vay núp bóng tín dụng đen cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, triệt phá.

Theo Người Đưa Tin