Li hôn – sự giải thoát khỏi những khổ hình hay cuộc trầm mình vào những đớn đau?

Suốt vài tháng qua, vụ li hôn nghìn tỉ giữa “qua” và người chắc chắn đã từng là “cô nhỏ thương” mà ông yêu thương nhất ắt hẳn đã thu hút được rất nhiều sự chú ý.

"Không sai thì cũng coi như mình sai đi" – lời khuyên của chủ tọa và những lần nuốt nước mắt ngược vào trong của bà Thảo

Chủ tọa, người ngồi ở nơi rất cao, rất quyền lực, người luôn nhướn mày giương mục kỉnh lắng nghe những đối chất của hai vợ chồng đã đưa ra lời khuyên như vậy đấy. Vì sao lại bảo bà Thảo là "không sai thì cũng coi như mình sai đi"? 

Là bởi vì "Một người đàn ông hùng hục đi lao động ở ngoài, kiếm tiền về cho vợ con, như con đại bàng đực chỉ có tha mồi về cho đại bàng cái nuôi con. Sướng quá đi chứ. Tại sao chị lại tự nhiên ôm khổ vào thân. Tôi nghĩ như thế là hợp tình hợp lý, hợp với đạo lý và hợp với phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam mình".

Vâng, đạo lí của Việt Nam mình cũng giống như những gì ông Vũ nói, là nhà phải có trên có dưới, phải có trước có sau. Đàn ông phải ở trên ở trước, phụ nữ phải ở dưới ở sau. Vậy là sau những đớn đau, hi sinh, thì thành công của tổ chức, của một thương hiệu lớn sẽ chỉ có công đàn ông là phần nhiều. Phụ nữ khi ấy, sẽ lại phải oằn mình chứng minh rằng mình-cũng-làm-được-cái-gì-đó, cũng có đóng góp cho sự phát triển hưng thịnh ấy. 

Thật cay đắng biết bao. Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ, nhưng đằng sau một người phụ nữ thành công chắc hẳn chỉ có cái bóng của cô ta và rất nhiều giọt nước mắt còn chưa kịp lau khô. Ấy thế mà chủ tọa vẫn khuyên người phụ nữ ấy phải nhận sai đi, dù không sai cũng coi như sai đi. 

Li hôn – sự giải thoát khỏi những khổ hình hay cuộc trầm mình vào những đớn đau? - Ảnh 1.

Vì vốn dĩ cuộc sống của chị đang sướng như bà hoàng rồi mà! Bà hoàng cơ đấy! Nhưng có bà hoàng nào cảm thấy viên mãn thực sự khi vợ không được thấy mặt chồng, con không được thấy gặp bố không suốt đằng đẵng từng ấy thời gian? Chắc chắn là không.

Nhưng, bà Thảo đã không dưới một lần trong phiên tòa chấp nhận rút đơn li hôn, muốn quay lại hàn gắn với ông Vũ. Người phụ nữ ấy chắc chắn đã trày vi tróc vảy quá nhiều rồi, vậy mà vẫn chấp nhận nuốt nước mắt vào trong, dù biết tương lai sau này còn mù mịt hơn cả sương mù trên đỉnh núi.

"Đừng mẹ ơi, mẹ chịu đựng vậy đủ rồi!" – có định mức nào cho nỗi đau của người vợ khi đứng trước tòa li hôn?

Người phụ nữ đã tận hiến, đã hi sinh, thì thêm một lần trầm mình đau đớn cũng chẳng sao. Nhưng những người yêu thương, lo lắng cho phụ nữ thật lòng sẽ thấy tim mình rỉ máu khi chứng kiến cuộc trầm mình ấy. Không ai khác, đó chính là những đứa con của bà Thảo và ông Vũ. Phải chứng kiến bố mẹ mình đấu khẩu giữa tòa, lớn tiếng với nhau hẳn đã là một nỗi đau không dễ chịu; nhưng đứa con trai lớn của bà Thảo từ nước ngoài vẫn kiên quyết nhắn tin về cho mẹ, nhắn mẹ giữ vững lập trường và tiếp tục li hôn với bố đẻ của mình, chỉ vì "Mẹ đã chịu đựng đủ rồi!"

Li hôn đến nước này, đúng là không phải để phân định thắng thua, mà thực sự là một sự giải thoát. Giải thoát cho tất cả mọi người khỏi những đau đớn và dằn vặt trong suốt nhiều năm qua. Gương vỡ lại lành, ấy là nếu nó chỉ vỡ đôi, vỡ ba miếng. 

Li hôn – sự giải thoát khỏi những khổ hình hay cuộc trầm mình vào những đớn đau? - Ảnh 2.

Nhưng nếu chiếc gương hôn nhân ấy đã vỡ vụn thành ngàn mảnh, nếu như hai cái tôi của hai người đã trở thành hai miếng ghép vĩnh viễn không vừa khít với nhau được nữa, thì việc ngồi dán lại từng mảnh vỡ khi ấy chẳng khác nào một việc làm ngu ngốc và thừa thãi. Tất cả những gì nhận về sẽ chỉ là những vết thương rỉ máu. Người con của bà Thảo chắc chắn đã nhìn thấu điều đó, và không muốn người mẹ của mình phải chịu đựng thêm một giây một phút nào nữa.

Đến cả việc tự giải thoát chính mình, phụ nữ cũng cần phải trải qua đủ những cực hình đau đớn

 

Nhưng giải thoát mình đâu có dễ như thế, khi bà Thảo phải một mình "khiêu vũ giữa bầy sói", một thân một mình đấu chọi với đủ những "thế lực thù địch". Cay đắng nhất đó lại là những người đã từng thân thiết nhất với bà, thậm chí đã từng đầu ấp tay gối, là những người quyền cao chức trọng ngồi ở nơi cao và nắm trong tay quyền phán quyết. Ai cũng khuyên bà nhìn lại, lùi lại, chịu về sau một bước mà nhìn lưng chồng, cho cửa nhà êm ấm. Ai cũng nghĩ người phụ nữ này đang muốn li hôn lắm, muốn tung hê mọi thứ lắm.

Li hôn – sự giải thoát khỏi những khổ hình hay cuộc trầm mình vào những đớn đau? - Ảnh 3.

Khi đàn ông phũ là lúc phụ nữ cũng phải lật mặt.

Nhưng không ai hiểu phụ nữ mới là người sợ li hôn nhất trên đời. Đàn ông một đời vợ vẫn chẳng khác gì trai tân phơi phới, nhưng phụ nữ một đời chồng, lại có thêm "file đính kèm" là vài đứa con thì coi như đã xong một đời hoa. Mọi sự bắt đầu lại đều khó khăn hơn rất nhiều. Sức lực, thời gian, thanh xuân, tất cả đã mang ra dùng gần hết rồi. Còn đâu những cơ hội để vui vẻ lại, để được sống cho mình?

Đàn ông chỉ vũ phu khi đàn bà phũ miệng. Nhưng khi đàn ông đã phũ tâm phũ cả tấm lòng của phụ nữ, thì khi ấy chắc chắn trong tim người phụ nữ ấy sẽ chỉ còn rặt những đớn đau và uất hận mà thôi.

Khi ấy, đừng trách đàn bà độc ác.

Li hôn – sự giải thoát khỏi những khổ hình hay cuộc trầm mình vào những đớn đau? - Ảnh 4.
 
MS, THEO TRÍ THỨC TRẺ