Lô vải không hạt đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản và Anh: Thêm những cơ hội mới

Hơn 1 tấn vải không hạt đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Anh.

Lô vải không hạt trồng tại Thanh Hóa được xuất khẩu sang Nhật Bản và Anh

Theo báo Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, chiều ngày 13/6, hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trồng tại Thanh Hóa đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Đây là lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản với khối lượng 500 kg và Vương quốc Anh là 600 kg. Đây là giống vải không hạt được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn tạo, trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ngọc Lặc với diện tích khoảng 30 ha tại xã Nguyệt Ấn, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm cho biết, 2023 là năm đầu tiên công ty thu hoạch vải để bán ra thị trường. Ước tính sản lượng thu hoạch khoảng 20 tấn, với giá bán buôn khoảng 170.000 đồng/kg. Hiện nay vải không hạt của công ty đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh…

Việc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm xuất khẩu hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh đã đánh dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, khi cây ăn quả được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, mở ra cơ hội cho trong việc xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

Tiêu dùng & Dư luận - Lô vải không hạt đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản và Anh: Thêm những cơ hội mới

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thăm vườn vải không hạt của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm hôm 10/6 vừa qua. Ảnh: Báo Người Lao Động

Vải không hạt gây ấn tượng mạnh, đặc biệt giá cao

Giống vải không hạt được trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa với diện tích khoảng 30ha. Khi vải chín có màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà.

Theo VTV, một kg vải không hạt được bán với giá 250.000 đồng tại thị trường Việt Nam. Đây là mức giá bán cho quả vải không hạt mới được trồng thử nghiệm thành công tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa và sẽ được bán ra thị trường vào cuối tháng 6 này. Đây được coi là hướng đi mới để nâng cao giá trị cho quả vải Việt Nam. Khoa học đang giúp gia tăng giá trị cho trái vải Việt.

Được biết sau 4 năm canh tác thử nghiệm, đây là vụ đầu tiên lứa vải không hạt 1.200 cây cho thu hoạch. Với năng suất thu hoạch 60 kg quả/cây, con số này thậm chí còn hơn các cây vải 8 - 10 năm tuổi thông thường. Nhìn thành quả sau hàng chục năm nghiên cứu, cha đẻ của giống vải này kỳ vọng về một tương lai mới cho bà con nông dân.

"Trước hết là phải chọn một bộ giống chuẩn, cây đầu dòng, sau đó ngoài phát triển tại Thanh Hóa, thì cần phát triển ở các vùng trọng điểm như Hải Dương, Bắc Giang...", ông Nguyễn Văn Hội, Giám đốc Viện di truyền Nông Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Tiêu dùng & Dư luận - Lô vải không hạt đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản và Anh: Thêm những cơ hội mới (Hình 2).

Qủa vải không hạt.

Không có hạt đồng nghĩa vải sẽ không bị sâu cuống, nên thời gian bảo quản cũng lâu hơn vải thường. Việc canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, nên ngay vụ đầu tiên, doanh nghiệp chủ sở hữu của vườn vải này đã xuất được 1,5 tấn đi hai thị trường Nhật và châu Âu.

Vụ đầu tiên 30 ha vải không hạt đã thu về hơn 20 tấn để bán ra thị trường, dự kiến sẽ được phân phối về các siêu thị lớn tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Để tiếp tục nhân rộng vùng trồng, công ty đã ươm hơn 50.000 cây vải không hạt để chuẩn bị canh tác cho mùa vụ năm sau. Dự kiến đến năm 2030, sản lượng vải thu về sẽ đạt 800 - 1.000 tấn mỗi năm.

Ngoài ra, để cho ra tỉ lệ hạt dưới 5% khối lượng, giống vải này đã được viện di truyền nông nghiệp cải tiến rất nhiều so với các giống khác đã từng thử nghiệm ở nhiều địa phương. Đặc biệt độ đường của vải không hạt chỉ ở mức 50, ít hơn so với vải thông thường là 57 nên cũng là lợi thế khi xuất khẩu.

Vải không hạt được doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Khi vải chín có màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà. Vỏ vải không bị cháy rám quả khi gặp nắng và dễ bảo quản. Ưu điểm của giống vải này là tốn ít công chăm sóc, không sâu cuống và đem lại giá trị kinh tế cao. Vải có thời gian thu hoạch 1 lần/năm đối với các cây từ 4 năm tuổi trở lên.

Nhằm phát triển quả vải không hạt trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đã dành hơn 1.000 ha để quy hoạch vùng trồng loại quả này. Việc nhân rộng sẽ phải tiến hành ở khu vực cách xa các vùng vải thông thường để tránh thụ phấn chéo là một trong những yếu tố bắt buộc khi nhân rộng mô hình.

Trúc Chi (t/h)