Loai hạt nhiều protein hơn cả thịt bò và sữa, giúp giải độc gan tốt nhưng thêm đường lại mất hết tác dụng

CTV
Dù có giá rất rẻ nhưng loại thực phẩm này lại được ví là "vàng đen" cho sức khỏe, đặc biệt tốt khi sử dụng vào mùa hè vì có tác dụng thanh nhiệt, giải độc tốt.

Đậu đen là thực phẩm tốt cho sức khỏe, được khuyến cáo sử dụng nhiều trong mùa hè vì có nhiều tác dụng với sức khỏe. Loại hạt này không chỉ dùng làm thực phẩm để chế biến món ăn, mà còn có thể nấu thành nước uống, giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc mùa hè.

Không chỉ vậy, đậu đen còn là vị thuốc phổ biến trong đông y, ngoài giúp chữa bệnh thì còn tăng sức đề kháng cho cơ thể. Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, đậu đen có vị ngọt, tính mát có tác dụng trừ phong nhiệt, giải độc, hạ khí, lợi niệu, phụ nữ dùng lâu sẽ hồng hào và làn da sáng mịn hơn. Loại đậu này có thể kết hợp với một số vị thuốc khác để trị đau bụng, chữa phong thấp, tê thấp, chân tay co rút, chữa liệt dương...

Nghiên cứu từ y học hiện đại cũng cho thấy, trong các loại hạt họ đậu, đậu đen có nhiều chất đạm, thậm chí nếu so sánh cùng trọng lượng, protein trong đậu đen còn cao gấp đôi thịt bò, gấp 3 so với trứng, và gấp 16 lần so sữa.

Đậu đen được ví như vàng đen với sức khỏe vì nhiều tác dụng khi dùng. Ảnh minh họa. 

Ngoài ra, đậu đen còn chứa các axit nicotinic, vitamin B1, vitamin B2, carotene và nguyên tố vi lượng đồng, sắt trong đậu đen cũng rất cao. Dù chứa nhiều đạm và dưỡng chất, nhưng khi sử dụng lại không gây béo vì lượng chất béo trong loại hạt này gần như bằng 0, nên tốt cho cả người muốn giảm cân, giảm mỡ.

Ông Sáng còn cho biết, với đậu đen phần vỏ cũng có giá trị rất lớn với cơ thể. Chính vỏ đậu đen là bộ phận có tác dụng giải (thải) độc rất tốt, nhất là với gan. Vì thế, nếu sử dụng mà bào bỏ phần vỏ hạt đậu đen đi thì sẽ mất hết giá trị thải độc.

Đậu đen có thể phát huy khả năng giải độc cơ thể bằng cách, nấu đỗ đen thành nước uống với lượng từ 20-40g mỗi ngày, hoặc có thể nấu cháo, chè, súp… Tuy nhiên, với người thể hàn thì nên thêm vài lát gừng khi nấu hoặc khi uống nước đậu đen. Vì đậu đen có tính hàn, gừng có tính ấm sẽ giúp cân bằng và tốt cho sức khỏe hơn. Ngoài ra, khi chế biến đậu đen cần phải nấu chín kỹ để hoạt chất trong vỏ tiết ra ngoài và dễ tiêu hóa và hấp thu hơn.

Cho quá nhiều đường để tạo vị ngọt là sai lầm thường gặp nhất khi dùng đậu đen. Ảnh minh họa. 

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, đậu đen cũng như các loại hạt họ đậu cung cấp nguồn dưỡng chất rất tốt với sức khỏe. Với đậu đen, mọi người thường dùng trong mùa hè để nấu chè, nấu nước đậu đen uống với mục đích giải nhiệt. Khi sử dụng, đa số mọi người có thói quen cho thêm đường để tạo vị ngọt khi ăn hoặc uống. Đây là một sai lầm cần tránh, vì như vậy sẽ mất tác dụng giải nhiệt và dùng nhiều không tốt cho sức khỏe.

Đường tạo vị ngọt, cung cấp nhiều năng lượng vì thế dùng đường sẽ khiến cơ thể sinh nhiệt nhiều hơn. Khi cho đường vào chè hoặc nước đậu đen thường không kiểm soát được số lượng, vì thế dễ bị dư thừa đường, nếu dùng một thời gian dài sẽ không tốt cho sức khỏe”, bác sĩ Hưng cho biết.

Để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, nên rang đậu đen trước khi chế biến thành đồ ăn, thức uống để làm giảm tính hàn của loại nước này. Mỗi ngày, chỉ nên uống 1-2 cốc nước đậu đen với khoảng 200-300ml, tuyệt đối không dùng loại nước này thay nước lọc vì dễ gây lạnh bụng, tiêu chảy.