Loại nấm được ví như “vàng đen”, là kho collagen cực tốt cho sức khỏe nhưng khi dùng phải cẩn trọng

CTV
Dù là một trong những loại nấm lành tính, tốt cho sức khỏe nhưng quá trình sử dụng phải cẩn thận vì nguy cơ nhiễm nấm, ngộ độc là rất cao.

Tại Việt Nam, mộc nhĩ là loại nấm thông dụng, thậm chí chỉ cần ra vườn, lên rừng cũng có thể hái được và rất dễ phân biệt với các loại nấm độc khác. Mộc nhĩ còn được ví như “vàng đen” của núi rừng vì chúng có rất nhiều công dụng bảo vệ sức khỏe.

Tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết mộc nhĩ ngoài là thực phẩm giúp tăng kết cấu cho món ăn, chúng còn được biết đến là loại nấm có nhiều dinh dưỡng tốt với sức khỏe vì giàu khoáng chất, vitamin, nhất là những chất chống oxy hóa.

Mộc nhĩ là loại nấm dễ tìm và có muôn vàn lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là nguồn collagen. Ảnh minh họa.

Tiến sĩ Tuấn Giang cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mộc nhĩ hay nấm mèo là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng. Theo đó, mộc nhĩ chứa nhiều khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt, kali, natri, magiê, lưu huỳnh, trong đó hàm lượng canxi và sắt rất cao.

Trong 100g mộc nhĩ chứa 643mg canxi, 30,4mg sắt. Ngoài ra, mộc nhĩ cũng chứa các glycogen như trehalose, pentasol, mannitol, có giá trị dinh dưỡng rất cao, là loại thực phẩm bổ dưỡng cao cấp.

Các nghiên cứu của khoa học hiện đại cũng cho biết mộc nhĩ ít calo và rất giàu collagen thực vật, giúp làm da bóng sáng, loại bỏ nám và tàn nhang, giúp bôi trơn các khớp rất hiệu quả.

Ngoài có nhiều dưỡng chất, mộc nhĩ còn kết hợp tạo nên nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng. Ảnh minh họa. 

Dưới đây là một số lợi ích với sức khỏe của mộc nhĩ theo tư vấn của tiến sĩ Phùng Tuấn Giang:

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mộc nhĩ có đặc tính hạ đường huyết mạnh mẽ, có thể giúp kiểm soát mức cholesterol và chống lại bệnh tim mạch. Theo một mô hình động vật (in vivo) được công bố trên tạp chí Mycobiology, việc sử dụng chiết xuất mộc nhĩ cho chuột đã làm giảm đáng kể mức chất béo trung tính, cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (cholesterol xấu). Nó cũng làm giảm chỉ số xơ vữa động mạch xuống 40%, đây là thước đo dùng để dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim và tích tụ mảng bám trong động mạch.

Chứa chất chống oxy hóa

Nghiên cứu cho thấy mộc nhĩ chứa nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol. Điều đó có thể có tác động rất lớn đến sức khỏe tổng thể. Chất chống oxy hóa là những hợp chất giúp chống lại sự hình thành gốc tự do và bảo vệ tế bào chống lại tổn thương oxy hóa.

Chất chống oxy hóa cũng đóng vai trò trung tâm đối với sức khỏe và bệnh tật. Nghiên cứu chỉ ra rằng chúng có thể hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim và viêm khớp dạng thấp.

Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn

Ngoài việc là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và vi chất dinh dưỡng tuyệt vời, mộc nhĩ còn có đặc tính kháng khuẩn mạnh có thể giúp xua đuổi một số chủng vi khuẩn. Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Quốc tế về Nấm dược liệu cho thấy, mộc nhĩ có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của Escherichia coli và Staphylococcus aureus, hai loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng ở người.

Mọi người phải cẩn trọng khi dùng mộc nhĩ mọc dại vì dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn, nấm ký sinh. Ảnh minh họa. 

Cách tìm và sử dụng mộc nhĩ

TS Phùng Tuấn Giang cho biết, mộc nhĩ mọc khắp nơi và có thể tìm thấy trên gỗ ở nhiệt độ mát mẻ, thường vào khoảng đầu mùa xuân hoặc cuối mùa thu. Mặc dù đôi khi chúng bị nhầm lẫn với các loài khác nhưng hầu hết các loài mộc nhĩ trông giống nhau đều thực sự có thể ăn được.

Mộc nhĩ được sấy khô phổ biến hơn so với mộc nhĩ tươi, với loại mộc nhĩ này có thể ngâm trong nước trước khi sử dụng. Thực tế cho thấy, có nhiều cách nấu mộc nhĩ và nó có thể được sử dụng để tạo thêm kết cấu giòn cho bất kỳ món ăn nào như thêm vào các món xào với thịt, trộn vào súp, xào với rau hoặc thưởng thức như một phần của món salad ngon miệng.

Rủi ro và tác dụng phụ của mộc nhĩ

Đối với hầu hết mọi người, mộc nhĩ có thể là một sự bổ sung an toàn và lành mạnh cho chế độ ăn uống. Tuy nhiên, tiến sĩ Phùng Tuấn Giang cho biết điều quan trọng là phải thực hành an toàn thực phẩm phù hợp và làm sạch nấm thật kỹ trước khi sử dụng.

Ngoài ra, những người bị dị ứng không nên ăn mộc nhĩ để tránh các triệu chứng dị ứng thực phẩm như buồn nôn, ngứa, sưng phù và nổi mề đay. Đặc biệt, quá trình thu hái, sử dụng mộc nhĩ cần loại bỏ tạp chất, đặc biệt là những loại ký sinh trên nấm để tránh bị nhiễm vi sinh vật gây hại, hoặc vi khuẩn tấn công cơ thể.

Trong một số trường hợp, mộc nhĩ có thể hoạt động như chất chống đông máu và ngăn ngừa đông máu. Do đó, với những người có tiền sử bệnh hay đang dùng thuốc cần phải trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng để ngăn ngừa tương tác phụ xảy ra.