Loại quả màu đỏ ngon và cực tốt cho sức khỏe nhưng người sốt xuất huyết đừng ăn

Những người bị sốt xuất huyết nên ăn nhiều rau củ quả để tăng sức đề kháng nhưng có một số loại rau quả nên tránh để không ảnh hưởng tới việc chẩn đoán bệnh.

Thời gian gần đây số ca bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 1 đến ngày 8/9 đã ghi nhận 1.669 ca mắc sốt xuất huyết. 

Ngoài những phương pháp phòng và trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ, việc thực hiện một chế độ ăn uống giúp tăng cường sức khỏe để chống lại căn bệnh sốt xuất huyết rất quan trọng. Trong đó, chế độ ăn nhiều rau củ quả luôn được khuyến khích. Tuy nhiên có một số loại quả không nên ăn, chẳng hạn như thanh long đỏ.

Thanh long đỏ là loại quả bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin B2, B3, C, chất xơ, glucose, sắt, magie, kali... Đặc biệt, thanh long đỏ có hàm lượng betalain cao nhất, có thể giúp hạ huyết áp và chống lại quá trình oxy hóa, loại bỏ hỏa khí và cải thiện táo bón.

Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan (Trung Quốc), trong 100g thanh long ruột đỏ có:

- Calo: 50 calo

- Chất đạm: 1,1g

- Chất béo: 0,2g

- Carbohydrate: 12,3g

- Chất xơ: 1,3g

- Sắt: 0,8mg 

- Magiê: 24mg

- Vitamin C: 6,3mg

- Vitamin E: 0,27mg 

Với hàm lượng dinh dưỡng như vậy, thanh long đỏ có rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Hàm lượng anthocyanin trong thanh long đỏ tương đối cao. Anthocyanin là một chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa xơ cứng mạch máu một cách hiệu quả, từ đó ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ do hình thành cục máu đông. Nó cũng có thể chống lại các gốc tự do và chống lão hóa hiệu quả, đồng thời cũng có tác dụng tốt cho não, ngăn chặn sự thoái hóa tế bào và ức chế sự xuất hiện của bệnh mất trí nhớ.

Thanh long đỏ cũng rất giàu albumin thực vật, là chất hiếm có trong các loại trái cây và rau quả. Albumin hoạt tính này sẽ tự động kết hợp với các ion kim loại nặng trong cơ thể con người và được đào thải ra khỏi cơ thể qua hệ thống bài tiết, do đó có tác dụng giải độc. Ngoài ra, albumin còn có tác dụng bảo vệ thành dạ dày.

Vitamin C trong thanh long đỏ cũng có tác dụng làm trắng da và giàu chất xơ hòa tan trong nước nên giúp giảm cân, hạ đường huyết, dưỡng ẩm cho ruột và ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Hàm lượng sắt trong thanh long cao hơn các loại trái cây thông thường nên ăn thanh long cũng có thể ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

Tại sao người bị sốt xuất huyết không nên ăn thanh long đỏ?

Thanh long là loại quả an toàn để ăn và rất hiếm khi gây ra các phản ứng bất lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, thanh long đỏ có chứa betalain - thứ tạo nên sắc tố đỏ của loại quả này - thường được phân hủy trong dạ dày và ruột kết. Nếu bạn ăn thanh long đỏ nhiều có thể khiến nước tiểu và phân của bạn có màu đỏ. Sau khi cơ thể tiêu hóa và đào thải hết ra thì chất thải của bạn sẽ trở lại màu sắc bình thường.

Với người khỏe mạnh, điều này không phải vấn đề nghiêm trọng nhưng với bệnh nhân bị sốt xuất huyết, nó có thể gây cản trở bác sĩ phán đoán tình trạng bệnh. Bởi vì một trong các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là xuất huyết tiêu hóa.

Nếu người bệnh sử dụng nhiều những thực phẩm có màu đỏ hay sẫm màu thì khi bị nôn ói hoặc đi tiểu tiện sẽ có thấy chất thải có màu đỏ. Điều này khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với dấu hiệu xuất huyết do chảy máu bên trong nếu có. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên tránh những thực phẩm, đồ uống có màu đỏ hoặc nâu như thanh long đỏ, củ dền, đồ uống có sô cô la,...

Những thực phẩm người bị sốt xuất huyết nên tránh ăn

1. Thực phẩm có màu sẫm 

Theo nguyên tắc chung, bạn nên tránh các thực phẩm có màu sẫm, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống có màu đỏ và nâu. Đồ uống sô cô la, nước trái cây có màu đỏ hoặc tím và các thực phẩm như sô cô la, củ dền có thể tạo màu giống như máu trong chất nôn hay chất thải. 

Từ đó, có thể đánh lừa bác sĩ về tình trạng bệnh. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên tránh những thực phẩm, đồ uống có màu đỏ hoặc nâu.

2. Cà phê

Tiêu thụ đồ uống có chứa caffein khi bạn bị sốt xuất huyết không phải là lựa chọn thích hợp. Cơ thể bạn cần nhiều nước khi bị sốt xuất huyết và caffeine hoạt động giống như thuốc lợi tiểu, giúp bài tiết nước ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nên tránh các loại nước tăng lực, cà phê, trà,... có chứa caffeine vì chúng có thể gây mất nước và suy nhược cơ.

3. Đồ ăn cay

Bạn nên ăn đồ mềm, nhạt và tránh gia vị khi bị sốt xuất huyết . Các loại gia vị trong thực phẩm bạn đang tiêu thụ sẽ kích thích dạ dày sản sinh ra nhiều axit hơn. Axit này có thể gây kích ứng thành dạ dày và có thể gây chảy máu. Vì vậy, bạn nên tránh ăn đồ cay để tránh nguy cơ xuất huyết dạ dày, ruột.

4. Thực phẩm giàu chất béo

Sốt xuất huyết làm giảm khả năng tiêu hóa, khiến dạ dày khó tiêu hóa thức ăn giàu chất béo. Vì vậy, tránh các thực phẩm như phô mai, thịt mỡ, bơ, thực phẩm chiên giòn sẽ là lựa chọn sáng suốt để giảm tải cho dạ dày và tiết kiệm năng lượng để bạn lấy lại sức.

MINH THÙY