Lợi nhuận doanh nghiệp ngành dược phân hoá trong quý đầu năm

Quý I/2023, nhiều doanh nghiệp ngành dược trở lại “đường đua” tăng trưởng sau khi Bộ Y tế ban hành chính sách mới, riêng Ladophar ngược chiều báo lỗ.

Loạt doanh nghiệp ăn nên làm ra

Theo thống kê từ Người Đưa Tin, trong quý I/2023, doanh nghiệp tiếp tục giữ vị trí quán quân lợi nhuận ngành dược là Dược Hậu Giang (HoSE: DHG).

Quý đầu năm, công ty ghi nhận 1.229 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn tăng chậm hơn mức tăng doanh thu, nên biên lãi gộp của doanh nghiệp cải thiện từ 47% lên 50%. Doanh thu tài chính tăng 76% lên 53 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm 14% xuống còn 19 tỷ đồng.

Kết quả, Dược Hậu Giang báo lãi sau thuế đạt 361 tỷ đồng, 41% so với cùng kỳ - là mức lãi quý kỷ lục của Dược Hậu Giang từ năm 2006.

Để đạt được kết quả này, phía công ty cho biết đã tập trung bán các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là kháng sinh, giảm đau hạ sốt như Hapacol, Klamentin, Hagina. Đồng thời, công ty cũng chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như chủ động hệ thống phân phối để kết nối với khách hàng.

Là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận 3 chữ số, Tổng Công ty Dược Việt Nam (UPCoM: DVN) báo lãi sau thuế kỷ lục ở mức hơn 111 tỷ đồng, tăng 147% so với cùng kỳ.

Kết quả này đạt được nhờ doanh thu tăng 16% lên 1.230 tỷ đồng, doanh thu tài chính cũng tăng mạnh 84% lên gần 47 tỷ đồng cùng với việc tiết giảm các chi phí của doanh nghiệp.

Đứng đầu tăng trưởng ngành dược là Dược phẩm Trung ương CPC1 Hà Nội (UPCoM: DTP) khi ghi nhận 234 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 95% so với cùng kỳ. Lãi gộp của doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng 99% lên 119 tỷ đồng. Dù các chi phí tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn báo lãi sau thuế tăng 576% so với cùng kỳ lên 39 tỷ đồng.

Phía doanh nghiệp cho biết, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao do nhiều sản phẩm mới được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường cùng với việc dịch Covid-19 được đẩy lùi.

Bức tranh trái chiều

Trái lại với bức tranh tích cực của ngành, quý I/2023 CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar, HNX: LDP) ghi nhận kết quả kém sáng khi báo lỗ quý thứ 4 liên tiếp. 

Trong kỳ, Ladophar ghi nhận doanh thu thuần giảm 14% xuống 42,8 tỷ đồng. Doanh thu tài chính ghi nhận vỏn vẹn 145 triệu đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận gần 1,5 tỷ đồng.

Các chi phí đều ghi nhận tăng khiến Ladophar báo lỗ sau thuế gần 6,4 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh thua lỗ bắt đầu từ tháng 4/2022 sau khi vụ việc ông Đỗ Thành Nhân bị bắt. Cả năm 2022, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế gần 39 tỷ đồng.

Mặc dù mạnh tay hơn trong việc chi tiền cho quảng cáo, quý I/2023 Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) vẫn ghi nhận tăng trưởng âm.

3 tháng đầu năm, Traphaco ghi nhận hơn 619 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong kỳ doanh nghiệp đã chi 31 tỷ đồng cho quảng cáo, tăng 15% so với cùng kỳ nhưng các chi phí đều gia tăng khiến doanh nghiệp báo báo lãi sau thuế giảm 11% so với cùng kỳ xuống 79,4 tỷ đồng.

Theo chuyên gia cả SSI Research, nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Trong khi đó, khoảng 65% API được sử dụng trong sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung Quốc, tuy nhiên mối lo tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra.

Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Nga-Ukraine vẫn diễn ra, các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt.

Thị phần kênh OTC bị thu hẹp

Theo báo cáo cập nhật triển vọng ngành Dược được công bố vào cuối tháng 3/2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định doanh thu kênh OTC (kênh bán lẻ ở tiệm thuốc) chậm lại do đã qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, thị phần kênh OTC cũng bị thu hẹp do Bộ Y tế ban hành chính sách mới tạo điều kiện cho kênh ETC (kênh đấu thầu tại cơ sở và bệnh viện) phát triển trong dài hạn khi thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất và mở rộng độ bao phủ BHYT toàn dân.

Một số nội dung nổi bật của hai văn bản pháp luật do Bộ Y tế ban hành là Luật khám bênh, chữa bệnh 15/2023/QH15 bắt đầu được thi hành từ ngày 1/1/2024, bổ sung quy định về tự chủ đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Cơ sở khám, chữa bệnh được sử dụng nguồn thu hợp pháp hoặc vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế nhằm gia tăng thúc đẩy tiêu thụ sản lượng thuốc trên kênh ETC.

Thông tư 06/2023 sửa đổi một số điều liên quan tới quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập của thông tư 15/2019/TT-BYT, thời gian thi hành từ ngày 27/4/2023. Thông tư mới sẽ tháo gỡ những bất cập về giá thuốc trúng thầu ngày càng giảm trong những năm qua khi giá trúng thầu của năm nay không được cao hơn giá trúng thầu của năm trước đó.

Trong khi đó, chi phí đầu vào nguyên liệu API đều có xu hướng tăng qua từng năm tạo áp lực lên giá vốn và biên lãi gộp cho các công ty sản xuất dược phẩm.