Lừa đảo nhưng lại chuyển hết tiền cho các đầu mối nhập hàng?

Ông Trịnh Quang Hưng (bố bị cáo Trịnh Thu Trang) cho rằng, bị cáo Trịnh Thu Trang không có mục đích chiếm đoạt tiền và hàng của đối tác; trên thực tế không chiếm đoạt tiền của khách hàng vì khi nhận được tiền đặt hàng, Trang đã chuyển đi cho các đầu mối nhập hàng.
lua-dao-chiem-doat-tai-san-1732523379.jpg
Bị cáo Trịnh Thu Trang trình bày tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Công Phương.

Ngày 20/6/2024, TAND tỉnh Bắc Giang đã ra Bản án số 51/2024/HS-ST tuyên bị cáo Trịnh Thu Trang án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Thùy Anh 1 năm 3 tháng tù, Lương Thị Thu Thảo 1 năm tù, cùng cho hưởng án treo, cùng về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”.

Bị cáo Trang sau đó kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 26/9/2024, TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm nhưng có đơn xin hoãn của gia đình bị cáo. Sắp tới, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 8/2020, bị cáo Trang (trú tại 138, đường Đào Sư Tích, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bắt đầu buôn bán mỹ phẩm trên mạng xã hội. Đến tháng 7/2021, Trang buôn bán túi xách đắt tiền của nhiều thương hiệu khác nhau như: Hermes, Chanel, Dior, LV,…

Trang không có cửa hàng kinh doanh, không tạo gian hàng kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội. Trang kinh doanh trên cơ sở sự phối hợp, hợp tác với L.T.T.N; Trang tìm nguồn hàng cung ứng cho N và 7 đầu mối thân quen với N (là D.H.H.Y, L.T.T.D, V.T.H, Đ.D.P, N.T.T.G, N.T.T.H, V.N.L.C) và bán hàng cho một số đầu mối khác là T.T.H, N.T.T, N.H.A, N.N.B.H, P.H.T, Đ.H.L...).

Trong quá trình mua bán hàng hóa, Trang chuyển tiền đặt mua hàng chủ yếu từ các đầu mối T.B.L, D.L, H.N, H.N, B.A.T,… và đồng thời, Trang cũng nhập mua từ L.T.T.N và chính những người nêu trên (là người vừa mua, vừa bán hàng). Theo đó, việc mua bán của Trang và N chỉ diễn ra xung quanh các đầu mối kinh doanh, mua bán hàng hiệu với nhau (khoảng 20 người); số lượng bán ra khách lẻ bên ngoài rất ít. Những người giao dịch với Trang chủ yếu ở TP Hà Nội, còn lại một số ít ở TP Hồ Chí Minh và nước ngoài.

Trang ở Bắc Giang, nên việc giao dịch chủ yếu bằng điện thoại, mạng xã hội Zalo, Facebook và tài khoản ngân hàng. Việc vận chuyển hàng Trang có thuê shipper vận chuyển. Trên 90% số hàng hoá Trang không giao nhận trực tiếp mà bên bán giao trực tiếp cho bên mua qua shipper giao hàng.

Để kinh doanh, Trang đầu tư hơn 6 tỷ đồng tiền vốn bản thân vào (trong đó có 3,5 tỷ đồng vay được từ ngân hàng tháng 4/2022 do thế chấp nhà); còn lại phần lớn số tiền để kinh doanh là Trang sử dụng (tiền, hàng) của N để cùng kinh doanh thông qua dạng hợp tác và vay (vay bằng tiền và hàng) của một số bên đối tác mua bán cùng.Trong suốt quá trình kinh doanh hơn 1 năm, tổng số tiền luân chuyển qua tài khoản của Trang là gần 200 tỷ đồng.

Là người bỏ nhiều công sức để thu thập tài liệu, bằng chứng liên quan trong vụ án, ông Trịnh Quang Hưng (bố bị cáo Trang) cho rằng, từ tháng 10/2022 lúc trước khi bị bắt, Trang đã gửi bản sao kê ngân hàng và tổng hợp dòng tiền của mình với từng người, từng tháng đến cơ quan chức năng.

"Tôi rất mong HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xem xét đơn của tôi cũng như tài liệu có trong vụ án để có đánh giá khách quan, đúng bản chất của vụ án, đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm", ông Trịnh Quang Hưng nhấn mạnh.

Theo Công Phương/ PLXH