Mắc COVID-19 có được coi là tiêm một mũi vắc xin? Cảnh báo mối nguy khi nhiều người thờ ơ tiêm mũi 4

CTV
Rất nhiều chuyên gia y tế cho rằng, việc tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 (mũi thứ 4) là rất quan trọng, nó không chỉ đảm bảo miễn dịch cộng đồng, mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm, cũng như tỉ lệ tử vong.

Mắc COVID-19 không được coi là đã tiêm một mũi vắc xin

Chiều 27/6, Bộ Y tế tổ chức cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí liên quan đến việc tăng cường tiêm chủng vắc xin COVID-19 tới người dân trong thời gian tới. Tại sự kiện này, bà Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương cho biết, báo cáo từ cơ sở cho thấy, có một bộ phận không nhỏ người dân thờ ơ không đi tiêm mũi vắc xin COVID-19 nhắc lại, vì chủ quan nghĩ đã mắc COVID-19 sau khi tiêm mũi thứ 3 là an toàn.

Theo bà Hồng, tâm lý chủ quan này rất nguy hiểm, sẽ làm giảm miễn dịch cộng đồng và dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. “Việc đã tiêm mũi 3, sau đó mắc COVID-19 không được coi như đã tiêm thêm một mũi vắc xin. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi mắc COVID-19, cơ thể có sinh ra kháng thể, nhưng nó sẽ giảm dần sau 3-4 tháng. Do vậy, dù đã tiêm 3 mũi, đồng thời mắc COVID-19 thì vẫn cần tiêm mũi nhắc lại (mũi 4)”, bà Hồng cho hay.

Bà Hồng cho biết, mắc COVID-19 không được coi là đã tiêm một mũi vắc xin.

Sử dụng hiệu quả nguồn vắc xin sẵn có, vắc xin hết hạn sẽ bị hủy bỏ

Với lo ngại của người dân về lô vắc xin có hạn sử dụng đến ngày 30/6, bà Hồng cho biết không phải bây giờ Bộ Y tế mới phân bổ, mà đã đưa về các địa phương từ trung tuần tháng 5. Các tỉnh rất nỗ lực để cung cấp, tiêm chủng cho người dân, thậm chí còn tiêm lưu động tại nhà hay lập các điểm tiêm chủng 24/7 để phục vụ. Tuy nhiên, số lượng người dân đến tiêm rất hạn chế, thậm chí có người còn ghi vào phiếu mời tiêm với nội dung: "Tôi không đồng ý tiêm vắc xin. Xin đừng gọi".

“Với vắc xin có hạn đến ngày 30/6, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp cùng với địa phương để huy động các đối tượng đến tiêm vắc xin theo đúng quy định. Tới đây, chúng ta còn những lô vắc xin đến tháng 8, tháng 9 hết hạn và sẽ phải tiếp tục vận động để người dân đến tiêm, sử dụng hiệu quả nguồn vắc xin sẵn có, nhằm tạo được độ bao phủ cao nhất.

Khi chúng ta cố gắng hết sức, nhưng không đạt hiệu quả, vắc xin hết hạn thì phải chấp nhận hủy bỏ vắc xin. Việc hủy bỏ vắc xin hết hạn đã xảy ra ở một số quốc gia trên thế giới”, bà Hồng cho hay.

Đối với trẻ nhỏ, theo bà, việc nhiều nơi tỷ lệ tiêm cho nhóm trẻ 5-11 tuổi chưa đạt 50% là không đạt mục tiêu đề ra. Do vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, để trước khi bước vào năm học mới, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 đạt tỷ lệ 90%.

Ông Phan Trọng Lân (đứng) cho rằng, nếu không tiêm vắc xin khi xuất hiện biến thể mới sẽ tăng nguy cơ mắc, tử vong.

Dịch bệnh vẫn hiện hữu, các biến thể biến hóa khôn lường

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng, hiện dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, vì thế việc tiêm vắc xin để tăng miễn dịch bảo vệ là vô cùng quan trọng.

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất hiện một số chủng virus mới ở một số nước khiến tình trạng mắc, nguy cơ tử vong là điều đáng cảnh báo. Trong khi, để ngăn chặn và bảo vệ khỏi các nguy cơ trên thì việc tiêm đủ mũi vắc xin theo khuyến cáo là rất cần thiết.

Đối với thông tin yêu cầu các địa phương cam kết: Nếu không tiêm hết vắc xin phân bổ, sẽ phải chịu trách nhiệm khi dịch bùng phát, ông Lân cho rằng tiêm vắc xin là vấn đề chiến lược trong thời gian tới, nhằm mục đích bảo vệ người dân khi có biến chủng mới xuất hiện. Việc yêu cầu các địa phương cam kết là để thể hiện trách nhiệm của các địa phương trong công tác phòng chống dịch.

“Các biến chủng SARS-CoV-2 biến hóa khôn lường, điều đó thể hiện rất rõ trong 2 năm qua. Thực tế, từ chủng gốc ban đầu đến nay, virus đã biến hóa ra rất nhiều chủng mới mà chúng ta không lường trước được.

Do vậy, nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp, những vùng chưa tiêm chủng sẽ có nguy cơ gia tăng nhiều ca mắc, ca nặng và tử vong. Tóm lại, các biến chủng SARS-CoV-2 dù có tốc độ lây nhiễm khác nhau, nhưng một điều chắc chắn là khi đã tiêm vắc xin thì sẽ giảm nguy cơ tăng nặng, tử vong”, ông Lân nói.