Mặt hàng bán chạy gấp 2-3 lần bình thường trong mùa Vu Lan báo hiếu, khách đặt hàng tới tấp

CTV
Vào mùa Vu Lan, những cửa hàng bán quần áo đi lễ chùa cho Phật tử trở nên tấp nập. Sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh này khiến chủ cửa hàng vui mừng sau 2 năm dịch bệnh.

Tháng 7 âm lịch hằng năm có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, gồm những lễ lớn như Vu lan báo hiếu, Xá tội vong nhân. Với những ai theo đạo Phật, thường sẽ đi chùa cầu bình an cho người thân trong gia đình, đền ơn báo hiếu cho bậc sinh thành dưỡng dục. Bên cạnh thị trường đồ chay, đồ cúng, quần áo Phật tử cũng được nhiều người tìm mua phục vụ cho việc đi lễ chùa.

Quần áo đi chùa hay còn gọi là pháp phục, là trang phục dành cho các Phật tử khi đến lễ chùa. Với những người thường xuyên đi chùa, chắc hẳn đều sở hữu cho mình ít nhất một bộ pháp phục. Mặc dù không có quy định việc vào chùa phải mặc đồ lễ nhưng ai nấy đều muốn khoác lên mình bộ pháp phục để thể hiện sự trang nghiêm, hoan hỉ.

Đồ pháp phục Phật giáo thường bao gồm áo và quần, được may theo kiểu cổ chéo đơn giản, kín đáo, nhã nhặn. Có màu sắc phổ biến là: xám, hồng nhạt, nâu…thêu hình hoa sen hoặc các hoạ tiết mang tính truyền thống. Cùng với nhu cầu ngày càng cao của người dân, quần áo đi lễ chùa đa dạng hơn về kiểu dáng và màu sắc hiện đại, trẻ trung nhưng vẫn đảm bảo sự kín đáo, trang trọng, phù hợp với chốn tôn nghiêm.

Nhân công tăng ca, doanh số bán tăng gấp 2-3 lần bình thường

Nằm trên đường Bà Hạt (quận 10, Tp.HCM), cửa hàng pháp phục Diệu Nhã những ngày này trở nên nhộn nhịp hơn. Chị Ngọc, chủ cửa hàng chia sẻ vào tháng 7 âm lịch và mùa Vu Lan, trang phục đi chùa luôn bán được nhiều hơn so với các tháng khác trong năm. Cửa hàng của chị kinh doanh cả hai hình thức online và khách đến mua trực tiếp. Cùng với đó có xưởng riêng chuyên sản xuất những trang phục đi chùa.

“Gia đình đã bán pháp phục đi chùa từ năm 2015, đến nay đã được 7 năm. Ngoài tháng 7 ra thì vào tháng giêng hay tháng 4 âm lịch cũng là thời điểm việc buôn bán phát triển do người dân đi lễ chùa nhiều”, chị Ngọc chia sẻ.

Pháp phục hiện nay có sự đa dạng và cách điệu về mẫu mã

Pháp phục đi chùa ở đây có sự đa dạng về mẫu mã từ truyền thống đến thời trang phù hợp với độ tuổi từ 18 - 35 tuổi. So với bình thường, doanh số bán trang phục đi chùa vào tháng 7 âm lịch tăng gấp 2-3 lần, nguồn nhân công phải tăng ca để kịp sản xuất phục vụ nhu cầu khách hàng.

Sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh đồ pháp phục vào mùa Vu lan tháng 7 khiến chị Ngọc vui mừng. Chị cho biết trong 2 năm dịch bệnh vừa qua bị ảnh hưởng nhiều khi việc kinh doanh đình trệ, sản xuất hàng không thể gửi đi vì mọi thứ đều đóng băng. Năm nay khi dịch qua, mọi thứ ổn định hơn, người dân cũng đi chùa nhiều hơn khiến việc bán đồ pháp phục được phát triển.

Chị Ngọc chia sẻ thêm đến với việc bán pháp phục lễ chùa như một cái duyên. Gia đình có mẹ, bà và nhiều thành viên khác theo đạo Phật nên được tiếp xúc với pháp phục từ nhỏ. 

“Tự nhiên mình cảm thấy thích, mặc pháp phục lên thấy đẹp và muốn chia sẻ cùng mọi người rồi thử kinh doanh. Không ngờ lại có duyên bán đến tận bây giờ, đây như một cái duyên mang đến nhiều trang phục đi chùa đẹp cho mọi người như vậy đó”, chị Ngọc bày tỏ.

Xưởng may và nhân công của chị Ngọc phải tăng ca trong thời gian tháng 7 âm lịch để sản xuất kịp hàng cho khách

Pháp phục tại cửa hàng của chị Ngọc chia làm phân khúc từ vải thường đến cao cấp, với mức giá từ 200.000 đồng trở lên tuỳ mẫu.

Pháp phục trở thành mặt hàng chủ lực trong mùa Vu Lan báo hiếu

Bên cạnh các cửa hàng chuyên về đồ đi chùa với đa dạng mẫu mã lựa chọn, trong các ngôi chùa thường đều có gian hàng bày bán pháp phục, chuỗi tràng hạt hoặc  những món đồ theo Phật giáo. Ở đây đồ pháp phục thường được may đơn giản, theo đúng những hình thức truyền thống vốn có, ít cách điệu so với cửa hàng bên ngoài.

Ngoài ra, hình thức bán online đồ đi chùa cũng nở rộ trên mạng xã hội. Nhiều cá nhân lẫn các cửa hàng kinh doanh pháp phục tận dụng sự phát triển của các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo,...để quảng cáo sản phẩm và bán hàng, tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn.

Chị Mỹ Linh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thường xuyên đi chùa chia sẻ đã chi khoảng 250.000 đồng để mua một bộ đồ đi lễ chùa. Việc mặc đồ chuyên cho Phật giáo khiến chị cảm thấy hoan hỉ, khoan khoái hơn mỗi khi đi lễ chùa vào các dịp ngày rằm, mùng 1.

Trong khi đó chị Nguyễn Hoa (quận 1, Tp.HCM) đang trong quá trình tìm mua mẫu pháp phục đi chùa phù hợp. Với độ tuổi còn khá trẻ, chị Hoa muốn mua những bộ đồ đi lễ chùa có thiết kế cách điệu một chút, vừa nhã nhặn lịch sự vừa đảm bảo tính thời trang.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ mặc đồ pháp phục mỗi khi đi lễ chùa

Không chỉ những ai theo đạo Phật mà nhiều người cũng muốn mua quần áo Phật tử để mặc vào dịp Vu Lan báo hiếu trong tháng 7 âm lịch. Thông thường trong nghi lễ Vu Lan truyền thống, những người đi lễ ở các ngôi chùa sẽ mặc pháp phục Phật giáo, trên ngực đeo một bông hồng (màu đỏ nếu còn cha mẹ, màu trắng nếu đã mất cha mẹ) để thể hiện tấm lòng báo hiếu, tri ân. Chính vì vậy trong tháng 7 âm lịch và mùa Vu Lan báo hiếu, đồ đi chùa luôn là mặt hàng bán chạy.

Lễ Vu Lan 2022 - Bông hồng cài áo là chuyên đề đặc biệt nằm trong sự kiện Ngày lễ Vu Lan 2022 do Eva.vn thực hiện, với sự tài trợ của Nhãn hàng Nguyên Xuân, dầu gội dược liệu được yêu thích nhất và được 89% người trải nghiệm đề cử sau khi sử dụng theo kết quả của Cộng đồng đánh giá lớn nhất Châu Á  - Try and Review.

Sự kiện diễn ra từ ngày 01/08 - 14/08/2022

Quý độc giả hãy cùng đón đọc những bài viết, nội dung mới trong chủ đề Lễ Vu Lan 2022 và follow các hashtag dưới đây trên Facebook & TikTok của Eva nhé.

#Eva #DauGoiDuocLieuNguyenXuan #LeVuLan2022 #BongHongCaiAo #ChomotmuaHieuNghiavaYeuThuong