Mẹ Hà Nội lấy chồng ngoại quốc, con gái lai mang quốc tịch Mỹ “gây sốt” TikTok với diện mạo xinh như búp bê

Mới 2 tuổi, bé Kayce đã giao tiếp đa ngôn ngữ.

Những em bé lai, mang 2 dòng máu khác nhau luôn khiến nhiều người ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, bởi các nhóc tỳ thường được thừa hưởng gen trội của cả bố và mẹ nên ngoại hình rất xinh xắn, ưa nhìn. 

Mẹ 9X Hà Nội - chị Nguyễn Ánh Ngọc (Ngọc Rooney) cũng có một nàng công chúa đáng yêu như vậy. Con gái Kayce (2 tuổi) là kết tinh tình yêu giữa chị Ngọc và ông xã người Mỹ B.N (nickname Ha Ha).

Trên trang TikTok cá nhân “kayce.day”, mẹ Hà Nội thường đăng tải nhiều video, chia sẻ những khoảnh khắc hàng ngày của con gái và gia đình. Bé Kayce nhanh chóng trở thành hot kid nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý từ cộng đồng mạng vì vẻ đẹp lai khiến ai nhìn cũng thích mê, muốn cưng nựng nhóc tỳ. Đặc biệt là đoạn video viral quay lại cảnh "cô bé đẫm lệ tiễn bà về".

Câu chuyện tình yêu giữa chị và ông xã ngoại quốc bắt đầu từ đâu?

Lần đầu gặp nhau, ấn tượng ban đầu của mình về anh không mấy tốt đẹp. Hôm đó, mình vừa trở về Hà Nội sau chuyến đi ngắn ngày, bạn mình rủ đi trà chanh cùng một nhóm, trong đó có anh ấy. Mình vừa ngồi xuống được chừng 10 phút thì anh ấy đã muốn về. Lúc đó, mình chỉ nghĩ thầm: "Sao ông này bất lịch sự thế?" Nhưng sau mới biết, hóa ra anh ấy vừa đi công tác về, mệt mỏi nên chẳng muốn ngồi lâu.

Sau đó anh ấy chủ động nhắn tin trêu chọc mình qua người bạn chung. Mình thì cũng vô tư trêu lại chứ chẳng nghĩ ngợi gì. Cả 2 vẫn không có thông tin liên lạc của nhau, mà tất cả đều thông qua người bạn, ai ngờ đấy lại là khởi đầu của một bước ngoặt định mệnh.

Một tuần sau đấy, mình lại đi chơi cùng nhóm bạn và dĩ nhiên anh ấy cũng có mặt. Tiệc tàn rồi nhưng mình với anh vẫn ngồi nói chuyện thâu đêm suốt sáng trên vỉa hè Hồ Tây, đến tận khi người ta dậy đi tập thể dục. Sau đó, chúng mình lại dắt nhau đi bộ quanh hồ, ăn trưa, café,… Không hiểu sao cả 2 đều có quá nhiều chuyện để nói, dù quen biết nhau chưa bao lâu. Lúc này mình đã cảm thấy anh ấy là “The One” (người đặc biệt) rồi. Nào ngờ 6 tháng sau, anh đã cầu hôn mình.  

Ông xã có bao giờ chia sẻ với chị về những khó khăn trong quá trình thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam?

Trước khi gặp mình thì anh đã sống ở Việt Nam gần 3 năm, tính đến hiện tại cũng được 8 năm rồi. Anh ấy thích sống ở Việt Nam lắm, nên không gặp khó khăn gì nhiều!

Hồi tưởng lại một chút về quá khứ, ngày con gái chào đời có kỷ niệm nào đáng nhớ?

Bé nhà mình sinh ở Việt Nam. Thật ra ban đầu, bọn mình đã chọn ngày mổ là 30/5 (vì bé khá to, 4.1kg), cứ nghĩ còn mấy ngày để chuẩn bị nhưng sáng sớm 26/5, 5 giờ đúng mình đang ngủ thì bỗng có cảm giác đầu con đang tụt xuống, và rồi nước ối vỡ ra. Chồng mình lúc này đang họp, mình hoảng loạn sang gọi anh, thế là khỏi họp hành gì nữa, anh cuống cuồng gom đồ, đưa mình vào viện. Nhưng trong lúc vội vàng, chồng quên luôn quần áo để vợ thay khi xuất viện, đến lúc dọn đồ ra viện mới tá hỏa, “dở khóc dở cười”.

Trong mắt chị, ông xã có phải là người chồng, người bố tuyêt vời?

Mình hay trêu chồng là “người chồng quốc dân”, mỗi lần anh nghe mình gọi như vậy thì khoái lắm! 

Hai vợ chồng chị cân bằng giữa công việc và chăm con ra sao?

Hai vợ chồng mình đều rất thoải mái việc chăm con. Khi mình đi làm vào ban ngày, thì chồng sẽ ở nhà chăm con, đến khi mình về thì anh sẽ đi ngủ để dậy làm đêm (vì làm theo giờ Mỹ), còn mình sẽ nhận nhiệm vụ chăm bé. Cuối tuần thì cả 2 vợ chồng sẽ cùng chơi với con.

Chị có gặp khó khăn gì trong quá trình nuôi dạy con khi bé được lớn lên trong gia đình đa văn hoá? 

Thật ra cũng không có khó khăn gì lắm, chỉ là sẽ có một số tình huống khiến mình “dở khóc dở cười”.

Khi con còn bé, đi ra ngoài đường mình sẽ hay chấm son lên trán cho con, nhưng văn hóa phương Tây người ta không làm vậy, nên chồng mình cứ lăn tăn “Tại sao?” Rồi lúc nhỏ con bị viêm da cơ địa, bà ngoại hay mua lá tắm cho bé theo phương thức dân gian, mình sẽ phải giải thích và thuyết phục chồng để anh đồng ý với việc đó.

Hay như việc cho con ăn cháo, chồng mình rất không thích cho con ăn cháo, vì thấy vợ tốn công nấu khá lâu. Hơn nữa, ở quốc gia của anh thì trẻ con không ăn cháo bao giờ, và các bố mẹ Tây đều không biết cháo là món gì. Thế là mình lại phải mất công thuyết phục, thỏa hiệp, chứ như ở Việt Nam mình, trẻ em ăn cháo là lẽ tự nhiên rồi.

Mình cảm thấy may mắn, vì ngoài 2 vợ chồng thì “trộm vía” cả ông bà nội và ông bà ngoại đều thích chăm cháu. Ở Việt Nam, trong tuần bà ngoại sẽ sang giúp trông cháu 2 hôm, vì chồng mình làm đêm nên ban ngày cần nghỉ ngơi. Cuối tuần hai vợ chồng luôn dành 1 ngày riêng tư cho nhau, nên con sẽ ở với ông bà ngoại. Thi thoảng hai vợ chồng trốn con đi du lịch, thì bé cũng sẽ ở nhà cho ông bà chăm. 

Nhận xét về cô công chúa nhỏ của mình, chị cảm thấy con gái có phải là một em bé dễ nuôi?

Nhà mình đều gọi con là “Happy Baby”. Em bé trộm vía rất hay cười, từ bé đã luôn tươi vui rồi. Con thích hát, đọc thơ, đọc sách. Con cũng hề hước lắm, rất thích trêu mọi người, và cũng là một em bé vô cùng hiểu chuyện.

Trộm vía chăm con khá dễ dàng, nhẹ nhàng, nên mọi người trong nhà hay nói vui rằng “thế này đẻ 10 đứa cũng được”.

Gia đình chị dạy ngôn ngữ cho con thế nào?

Chồng mình không biết Tiếng Việt, nên giao tiếp với con 100% bằng tiếng Anh. Còn mình thì nói cả 2 tiếng. Con ở nhà ngoại thì ông bà cũng sử dụng 100% tiếng Việt, nên bé cũng tự động hấp thụ cả 2 ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Chị có thể chia sẻ một số nguyên tắc thường áp dụng trong quá trình nuôi dạy con?

Mình luôn áp dụng 3 nguyên tắc này khi dạy con, từ lúc bé còn nhỏ:

1. Con luôn phải đi ngủ sớm. Từ bé con đã đi ngủ từ 6pm, lớn chút nữa thì 7pm và vẫn duy trì từ đó tới giờ.

2. No screentime (hay còn gọi là "Không thời gian màn hình"). Từ khi con chào đời đến giờ đã 2 tuổi nhưng con chưa bao giờ được xem tivi hay điện thoại (trừ 1 số lúc bố mẹ gọi video cho người nhà ở xa).

3. Tôn trọng ý kiến của con. Nếu con nhất quyết “nói không” với điều gì đó, mình sẽ thử thuyết phục con, cho con quyền lựa chọn và sẽ làm theo lựa chọn của con. Điều này cũng không đồng nghĩa với việc “thỏa hiệp” với mọi yêu cầu của con. Nếu con có yêu cầu/đòi hỏi gì đó mà không hợp lý, không đúng mực, gia đình cũng sẽ “nói không”.

Vợ chồng chị chi tiêu cho bé mỗi tháng ra sao, đặc biệt là việc chọn trường trong tương lai?

Vợ chồng mình cũng không tính toán chi tiết, nên cũng không rõ khoản này. Chi phí cho bé hiện tại chủ yếu gồm tiền bỉm, sữa, thức ăn, tiêm vaccine, sữa tắm, di chuyển, sách. Quần áo thì bà nội mua 100%, nên từ khi bé sinh ra mẹ chưa bao giờ phải sắm đồ gì cho bé.

Mình cũng muốn tìm trường cho con đi học mẫu giáo trong thời gian sắp tới, nhưng bố bé vẫn sợ con còn nhỏ nên chưa muốn cho đi. Tuy nhiên, tiêu chí thì vợ chồng mình sẽ lựa chọn trường song ngữ/trường quốc tế.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

KIỀU TRANG