Mẹ trăng trối "sắp có một bất ngờ" rồi tắt thở, 11 năm sau các con choáng váng khi nhìn thi thể mẹ

Dù đã qua đời 30 năm nhưng sự ra đi của cụ bà này vẫn khiến con cháu và giới khoa học không thể giải thích nổi.

Đêm 24/11/1992, tại thị trấn Thúc Dương, thuộc huyện Hương Hà, thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, một cụ bà Zhou Fengchen đang hấp hối, cố gắng trăng trối những lời cuối cùng với con cháu trước lúc ra đi. Cụ bà Zhou Fengchen nói với con cháu rằng "sắp có một điều đặc biệt xảy ra" và cụ bà "sẽ làm được một chuyện lớn". Khi ấy, con cháu không quá để tâm đến những lời này bởi cụ bà đã gần đất xa trời, cả đời cũng không đi xa hay làm nên chuyện lớn gì.

Tới 22h45 đêm hôm đó, cụ bà Zhou Fengchen trút hơi thở cuối cùng. Đó cũng là khởi đầu cho những điều kỳ diệu, kỳ tích đến nỗi không thể tin nổi.

Tối ngày 25/11, tức là gần 24h sau khi cụ bà Zhou Fengchen qua đời, thân nhiệt của cụ bà vẫn không giảm, sờ vào thấy ấm áp như người bình thường. Đây là điều hết sức khó tin và phi lý.

Tới tối ngày 26/11, thân nhiệt của cụ bà Zhou Fengchen dần dần hạ xuống nhưng thi thể vẫn mềm mại như người còn sống.

Tới ngày 29/11, bắt đầu xuất hiện những dịch đỏ ở lớp biểu bì của thi thể.

Ngày 1/12/1992, thi thể cụ bà Zhou Fengchen bắt đầu phồng lên, dần dần phình to như một cái túi.

Tối ngày 2/12, trên thi thể có một vung da nhỏ bị tổn thương, ở chỗ đó chảy ra một lượng lớn chất lỏng màu đỏ nhưng không có mùi, sau đó thi thể cũng xẹp lại.

Đến ngày 25/12, chất lỏng màu đỏ gần như ngừng chảy ra, thi thể cũng quay về trạng thái bình thường.

Tháng 1/1993, thi thể cụ bà Zhou Fengchen bắt đầu bài tiết ra một số chất nhờn. Sau nửa năm, thi thể dần trở nên cứng lại như sáp, cuối cùng biến thành một xác ướp nguyên vẹn.

Năm 2003, tức là sau 11 năm, thi thể cụ bà Zhou Fengchen chính thức được giới khoa học công nhận là kỳ tích của thời đại.

Vậy rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra với cụ bà Zhou Fengchen? Làm thế nào thi thể cụ bà biến thành xác ướp được khi không hề sử dụng chất ướp xác, không hề bị phân hủy khi đặt trong môi trường tự nhiên suốt 11 năm trời?

Cụ bà Zhou Fengchen sinh năm 1905 trong một gia đình đông con và nghèo khó. Sau đó, gia đình cụ bà chuyển đến Bắc Kinh nhưng cụ bà không muốn nên quyết định ở lại quê hương với một người cô. Zhou Fengchen ốm yếu từ nhỏ, người cô thường dẫn đến chùa để cầu nguyện nên cụ bà được tiếp xúc với Phật giáo từ khi còn nhỏ.

Khi lớn lên, Zhou Fengchen được gả đến nhà họ Yang, sống yên bình trong hơn 60 năm. Thời trẻ, cụ bà cũng học được một số kỹ năng y học, còn khám chữa bệnh cho những người trong làng. Mọi người kể lại rằng cụ bà thường sử dụng chu sa để chữa bệnh cho trẻ em. Các chuyên gia suy đoán rằng chu sa có thể là một chất quan trọng giúp thi thể cụ bà Zhou Fengchen giữ được nguyên vẹn như vậy.

Con cháu của cụ bà Zhou Fengchen kể lại rằng cụ bà có những dấu hiệu bất thường kể từ ngày 6/11/1992. Cụ bà đột nhiên cảm thấy không khỏe và bỏ ăn, tới bệnh viện khám thì được chẩn đoán là viêm phổi cấp, cần nằm viện điều trị.

Trong thời gian nằm viện, cụ bà Zhou Fengchen không chịu ăn, chỉ uống một ít nước, còn thường xuyên nôn ra những hạt cứng to bằng hạt vừng. Đến ngày 10/11, cụ bà đột nhiên khỏe lại rồi đòi xuất viện về nhà.

Ngày 15/11, khẩu vị ăn uống của cụ bà thay đổi chóng mặt, trước chỉ thích ăn nóng nhưng nay chỉ đòi ăn lạnh, ăn cơm nguội, uống nước lạnh. 

Ngày 16/11, cụ bà ho dữ dội, trận ho kéo dài hơn 3 tiếng, đi vệ sinh cũng bất thường, khiến con cháu vô cùng lo lắng.

Ngày 19/11, cụ bà yêu cầu con cháu lau toàn thân cho mình bằng nước lạnh, sau đó bôi dầu lên các huyệt đạo. Tới đêm 24/11, cụ bà Zhou Fengchen trút hơi thở cuối cùng.

Xác ướp của cụ bà Zhou Fengchen đã trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Không ai giải thích được rõ ràng tại sao chuyện này có thể xảy ra? Điều kỳ lạ hơn là những lời trăng trối của cụ bà Zhou Fengchen dường như cho thấy cụ bà đã dự đoán trước được toàn bộ chuyện này.

Nhà nghiên cứu Joanne Cruz từng nghiên cứu về những xác chết bất thường và đưa ra kết luận về những thi thể được bảo quản tốt: Một là được cố ý bảo quản nhờ yếu tố con người; 2 là có tác động của một số điều kiện tự nhiên cụ thể; cuối cùng là được bảo tồn một cách tình cờ, có thể coi là tạo hóa ban tặng.

Trong trường hợp của cụ bà Zhou Fengchen, không có bất kỳ chất ướp xác nào hay tác động từ bên ngoài, môi trường tự nhiên cũng không phù hợp để ướp xác.

Sở dĩ cơ thể con người không bị thối rữa trong quá trình tồn tại là do bên trong cơ thể có một hệ thống miễn dịch mạnh có thể kiểm soát và ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Khi qua đời, hệ thống miễn dịch mất đi, cơ thể không thể chống lại sự ăn mòn của các vi sinh vật khác nhau trong tự nhiên, từ đó gây ra sự phân hủy. Vì vậy, mấu chốt của việc thi thể không phân hủy nằm ở việc kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật.

Từ đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng ướp xác của cụ bà Zhou Fengchen:

- Chu sa: Đây là một chất phổ biến ở thời cổ đại, đặc biệt là Trung Quốc. Chu sa có thành phần chủ yếu là thủy ngân sulfua (HgS), và hàm lượng nguyên tố thủy ngân cao tới 86%. Đồng thời, chu sa là một dược liệu cổ truyền có từ lâu đời của Trung Quốc, có tác dụng an thần, làm dịu và diệt khuẩn. Thời trẻ, cụ bà Zhou Fengchen thường xuyên sử dụng chu sa nên chắc chắn chất này đã có tác động đến cơ thể.

- Sự mất nước: Trong những ngày cuối đời, cụ bà Zhou Fengchen gần như không ăn, chỉ uống nước, nhưng lại bị tiêu chảy, dẫn đến mất nước cực độ. Sự mất nước dẫn đến thiếu độ ẩm, ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật.

- Da sáp: Không lâu sau khi cụ bà Zhou Fengchen qua đời, thi thể bắt đầu tiết ra chất nhờn giống như sáp. Sau nửa năm, chất nhờn này bám vào cơ thể, dần dần biến thành một xác ướp với lớp sáp hoàn hảo bảo quản bên ngoài.

- Nhiệt độ thấp và môi trường khô ráo: Huyện Hương Hà nằm ở phía đông tỉnh Hà Bắc, có khí hậu gió mùa lục địa. Thời điểm cụ bà Zhou Fengchen mất là giữa mùa đông, trời rất lạnh và khô, ít mưa, nắng gián đoạn, nhiều gió tây bắc. Đó cũng là điều kiện thích hợp để chống lại sự phát triển của vi sinh vật.

Ngày nay, con cháu của cụ bà Zhou Fengchen đã xây dựng một nơi đặc biệt để đặt thi hài cụ bà, được niêm phong và bảo quản cẩn thận, cho phép người khác đến thăm. Cho đến nay, vẫn có nhiều suy đoán khác nhau liên quan đến cái chết kỳ tích và nhiều ẩn khuất của cụ bà.

DOÃN KỲ