Mẹ Việt lấy chồng Anh, sang xứ người thấy lạ: Trẻ tiểu học không có chuyện ngủ trưa, mỗi ngày chạy 700m

Mẹ Việt sống ở Anh chia sẻ những trải nghiệm thú vị khi cho con bước vào nền giáo dục ở đất nước Anh Quốc, nuôi dạy con theo kiểu Anh.

Một nền giáo dục tốt, sẽ là "nền móng" vững chắc để trẻ phát triển lành mạnh và toàn diện trong tương lai. Đó là lý do vì sao giáo dục đối với mỗi quốc gia trên thế giới đều luôn được chú trọng hàng đầu. Việc lựa chọn môi trường học tập, giáo dục cho con trở thành mối bận tâm lớn của các bậc bố mẹ.

Chị Đinh Hồ Thanh Thảo (32 tuổi), là mẹ Việt sống ở Anh, khá nổi tiếng trên nền tảng xã hội TikTok khi xây dựng một kênh riêng với tên Thảo ở UK - gia đình Thảo và cuộc sống ở Anh, chia sẻ những video thú vị về cuộc sống, cũng như cách giáo dục con ở đất nước Anh Quốc, và nhận được sự quan tâm của nhiều bố mẹ Việt.

Trong một lần trò chuyện thân mật, bà mẹ trẻ đã không ngại bày tỏ những quan điểm, và chia sẻ về hành trình nuôi dạy con ở đất nước này, khiến người đối diện cảm nhận được rằng lựa chọn đưa con sang một đất nước khác học tập và sinh sống cũng là một trải nghiệm tuyệt vời, nền giáo dục ở Anh cũng là nền giáo dục rất đặc biệt mà không phải đứa trẻ nào cũng có cơ hội tìm thấy ở các quốc gia khác.

Gia đình 3 người của chị Đinh Hồ Thanh Thảo ở Anh.

Chào chị, chị có thể chia sẻ về quy trình tuyển sinh vào lớp 1 ở Anh cần thực hiện những bước nào, học phí cho con vào lớp 1 là bao nhiêu?

Hệ thống cấp bậc các lớp ở Anh khác Việt Nam, lên 4 tuổi thì trẻ sẽ chính thức đi học, không giống như ở Việt Nam là 6 tuổi trẻ mới vào lớp 1.

Lớp chính thức đầu tiên thuộc nhóm Early year là Reception (Theo luật ở Anh, trẻ em phải được đến trường khi gần bước sang tuổi thứ 5. Điều đó có nghĩa khi trẻ được 3 tuổi, chuẩn bị sang 4 tuổi thì bố mẹ phải đăng kí vào lớp Reception để qua sinh nhật 4 tuổi sẽ được học chính thức). Tiêu chí để vào được lớp này là trẻ phải chính thức đủ 4 tuổi, vì hệ thống trường bên Anh chia lớp cho các bé từ 1/1-31/8 sẽ học trên 1 lớp so với bé 1/9-31/12 cùng năm.

Trẻ học lớp Reception ở các trường tại các thành phố lớn, mật độ dân số đông, để chắc suất vào 1 trường thì yêu cầu bố mẹ phải:

- Nộp hồ sơ trước 1 năm, thời gian mở hồ sơ thường từ tháng 9 cho đến hết tháng 1 năm sau.

- Yêu cầu chỉ được chọn trường gần trong khu vực nhà nhất có thể, không khuyến khích học xa nhà.

- Giấy tờ đơn giản, chỉ cần tới trường, kiểm tra chỗ trống, xin form, kèm giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh của bé, giấy tờ nhà.

Tuy nhiên nếu học ở các trường tỉnh thì thủ tục sẽ dễ hơn, nhưng nhà mình quan trọng việc lựa chọn môi trường học tập tốt nhất cho con, nên khi vừa qua tới Anh, bố của Harry đã lên danh sách các trường có đánh giá cao, tới thăm từng trường xem văn hóa có hợp với nhu cầu của gia đình hay không?

Ví dụ trường nhận được đánh giá cao hàng đầu của các phụ huynh khu vực gia đình mình sinh sống khá “hot”, chồng mình đến trải nghiệm thì rất hài lòng, nhưng số lượng học sinh năm học 2022-2023 của lớp Reception đã đủ, nên họ tạm không nhận, mà chỉ lưu hồ sơ lại, nếu có học sinh chuyển ra thì sẽ gọi Harry nhập học.

Sau đó, gia đình mình chuyển sang chọn trường có đánh giá cao thứ 2, tuy nhiên khi đến đăng ký vào tháng 4 thì họ chưa mở đăng ký, phải quay lại vào tháng 6, nhưng lúc này trường đã xác nhận là còn chỗ trống và sẽ giữ cho Harry. Vậy là để chắc suất cho con học trường này, thì vào tháng 6, gia đình mình đã bắt đầu công việc tìm nhà ở khu vực xung quanh trường.

Ở Anh, bố mẹ sẽ không tốn tiền học phí cho con. Tuy miễn phí đóng học phí, nhưng các trường ở Anh vẫn rất quan tâm đến từng trường hợp, hỗ trợ liên tục và chào đón từng phụ huynh đến tham quan trường, giống như cách các trường quốc tế ở Việt Nam đã từng săn đón mình ở Việt Nam trong giai đoạn “chọn mặt gửi vàng” này. 

Năm học mới ở Anh bắt đầu, kết thúc khi nào và mô hình lớp học ở Anh có khác gì so với Việt Nam không (số lượng, độ tuổi, môn học chú trọng)?

Năm học bên Anh sẽ bắt đầu vào tháng 9, kết thúc giữa tháng 7 năm sau. Các cấp học bao gồm:

- Early years group: lớp mầm non không bắt buộc (3 tuổi chỉ được học 15 tiếng/ tuần) – Receptions 4 tuổi học toàn thời gian.

- Cấp 1 từ 5-10 tuổi: lớp 1 - lớp 6

- Cấp 2 từ 11-16 tuổi: lớp 7- lớp 11

- Cấp 3 từ 17-18 tuổi: lớp 12 và lớp 13

Với giáo dục ở Anh, các bé sẽ có khá nhiều ngày nghỉ lễ trong năm, có khi lên tới 3 tuần. Điều này khiến không ít bố mẹ mệt mỏi, vì phải liên tục gửi con tới các câu lạc bộ như hát, đàn, múa, vẽ… cho bé tham gia để bố mẹ làm việc.

Trường tiểu học ở Anh có sỉ số tầm 20 bé 1 lớp, có 2 giáo viên dạy, các môn học lớp nhỏ đa phần là chơi, khám phá thiên nhiên. Tập trung vào việc trau dồi thể lực, tinh thần trẻ bằng các hoạt động ngoài trời, đọc, viết và làm các bài tập toán đơn giản.

Ở Anh, trẻ vào lớp 1 từ 4 tuổi, khác với Việt Nam 6 tuổi mới vào tiểu học.

Theo chị, có những khác biệt lớn nào giữa trường học ở Việt Nam và trường học ở Anh?

Con mình mới học năm thứ 2, nên thực sự mình chưa trải nghiệm toàn bộ, nhưng mình thấy điều quan trọng bên này là tinh thần của trẻ được đề cao hàng đầu. Khi 1 bé quá chậm trong lớp hay có vấn đề, giáo viên sẽ không chỉ trích bố mẹ, họ luôn nhẹ nhàng đồng hành cùng gia đình. Trong trường của con trai Harry nhà mình còn có cả chuyên gia tâm lý hỗ trợ.

Nên mình thấy trẻ con thoải mái khi học, bài tập ít, chúng có 1 tuổi thơ trọn vẹn. Bố mẹ và nhà trường không có khái niệm “thành tích”, để con mình phải hơn bạn bè.

Một điều thú vị ở trường học Anh khác với Việt Nam, là ở Anh trẻ sẽ học liên tục mà không ngủ trưa, từ 9 giờ sáng cho đến 3h30 chiều mới tan học. Giáo dục ở Anh rất quan tâm đến tinh thần và thể chất của trẻ, trường của con trai mình bất kể thời tiết và độ tuổi như thế nào thì hàng ngày, tụi nhỏ cũng phải hoàn thành một vòng chạy quanh trường ít nhất từ 600 đến 700m.

Các trường học ở Anh luôn có báo cáo, tổng hợp thành sách về quá trình học tập của con cho phụ huynh.

Chị cảm nhận quan điểm giáo dục ở Anh có mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của con trai?

Mình chỉ hi vọng môi trường giáo dục ở Anh không những đem lại giá trị về học vấn, mà hơn hết sẽ cho con mình một tuổi thơ học và chơi đúng nghĩa. Con được chọn thứ mình thích, mà không bị ép buộc phải thi đua cùng ai để đạt các danh hiệu ảo không cần thiết. Vì với quan điểm của mình, 1 đứa trẻ thành công là 1 đứa trẻ hạnh phúc với việc học hành mà không bị ai thúc ép hay gò bó.

Chị có gặp khó khăn gì không khi dạy con kiểu Anh?

Mình không thấy khó khăn trong việc dạy con theo kiểu nào, bởi mình nghĩ điều này xuất phát từ quan điểm đúng sai của mỗi gia đình. Vợ chồng mình rất đồng lòng với nhau khoản dạy con.

Cái khó nhất là trẻ con ngày nay, và Harry là 1 trường hợp cụ thể, có chính kiến rất mạnh nên gia đình mình phải nương theo tính cách của con ở từng độ tuổi mà thay đổi chiến lược giáo dục phù hợp.

Mình thường hay đùa, “dạy con giống như đánh trận”, thua keo này bày keo khác, nhưng phải bình tĩnh, làm gương cho con, lời nói và hành động của bố mẹ phải làm sao cho nhất quán, thì giáo dục con mới thành công được.

Bà mẹ trẻ có cách nuôi dạy con hiện đại, kết hợp giữa cả kiểu giáo dục Việt Nam và Anh Quốc.

Với những trải nghiệm giáo dục con đa văn hoá, chị có thể chia sẻ quan điểm của bản thân về ưu, nhược điểm của phương pháp dạy con kiểu Việt Nam và kiểu Anh?

Kiểu Anh nói riêng hay Tây nói chung sẽ giúp cho 1 đứa trẻ có suy nghĩ rất độc lập, phản biện rất cao, thể hiện cá tính siêu mạnh mẽ. Nhưng nếu là 1 người Việt dạy con theo phương pháp này, không khéo hoặc không hiểu biết, không có đủ sự bình tĩnh thì sẽ dễ tạo nên 1 đứa trẻ cực kì lì lợm, cứng đầu.

Dạy con kiểu Việt Nam giúp trẻ biết lễ phép, kỷ luật, nề nếp, kính trên nhường dưới, nhưng nếu áp dụng cứng nhắc thì lại dễ tạo nên 1 đứa trẻ nhu nhược, yếu đuối về cảm xúc và tâm lý. 

Điều chị mong đợi ở con trai khi nuôi dạy con theo kiểu Anh là gì?

Mình kết hợp cả 2 phương pháp nuôi dạy con, nên Harry trong mắt người Tây khá nề nếp, còn trong mắt người Việt Nam thì con cực kì thông minh, cá tính. Mình không mong con trở thành ai đó thật vĩ đại, ngoài việc làm phiên bản tốt nhất của chính mình tại mỗi thời điểm.

Mong con hơn hết tự biết yêu thương bản thân, không tổn thương vì người khác và là một người đàn ông tử tế, có giá trị. Đó cũng là bài học mà gần đây mình đang dạy cho con, “thế nào là 1 người đàn ông có giá trị”, mặc dù thằng bé chỉ mới có 5 tuổi (cười), nhưng xây nhà từ móng, xây nhân cách từ thuở ấu thơ.

Chị cảm nhận con trai là người có tính cách, năng khiếu, khả năng ra sao?

Harry thích nói, thích thể hiện, thích chinh phục, khá bướng nên bố mẹ ở khoản này phải liên tục linh động để điều chỉnh con.

Năng khiếu của con chắc là nói, thích nói về các vấn đề cao siêu mà một đứa trẻ 5 tuổi bình thường mình hiếm khi thấy. Ví dụ con nói về chính trị, kinh doanh, cấu tạo con người… Vì ở nhà thì 2 bố con hay nói chuyện nghiêm túc về vấn đề này, nên mình cảm thấy con trai bị già dặn hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Harry là một cậu bé hoạt bát, năng động nhờ được bố mẹ giáo dục tốt.

Chị đã giúp con trai phát triển những thế mạnh của bản thân mình như thế nào?

Mình tránh nói những điều tiêu cực với con, hạn chế nói theo thể phủ định, khen con 1 cách vừa đủ và khuyến khích con làm tốt hơn, không chê bai con. Ở độ tuổi này, mình ít nói "không" với con mà luôn cho con 2 tình huống, cùng con phân tích lợi hại của mỗi sự lựa chọn, con tự quyết và tự chịu trách nhiệm.

Đôi khi con chọn sai be bét, không như ý bố mẹ, nhưng mình mặc kệ và chỉ hỏi “Con chắc không? Chắc thì có vấn đề gì không than vãn mà con phải tự chịu trách nhiệm nhé!” Ví dụ thay vì nói, "Làm như vậy là sai rồi!" thì mình sẽ nói theo một kiểu khác, "Harry sao con không thử thêm cách khác xem có thay đổi nào mới mẻ hơn không?"

Khi khen con, mình không bao giờ khen kiểu “Trời ơi, con giỏi quá, mẹ tự hào về con”, mà mình sẽ nói là “Làm tốt lắm Harry, mẹ cảm thấy tự hào vì con đã cố gắng rất nhiều, con nghĩ mình có thể làm tốt hơn nữa không?"

Với quan điểm nuôi dạy con của mình, tất cả những cách khen chê con không đúng cách, không phù hợp, sẽ hình thành một nhân cách sai ở trẻ như tự phụ, làm điều gì đó không phải vì con mà chỉ vì bố mẹ tự hào nên con mới làm.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

KIỀU TRANG