Mẹo hay chọn cua đồng nhiều thịt đẫm gạch đỏ, lựa con nào trúng con đó

Cua đồng là món ăn giản dị và mộc mạc trong ngày hè. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chọn được những con cua đồng tươi ngon.

Những lợi ích của việc ăn cua

Có tác dụng giải độc: Theo Lao Động, chất arginine có thể tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng và giải độc trong cơ thể. Ăn cua một cách điều độ có thể thúc đẩy sự cân bằng năng lượng của cơ thể và đóng vai trò tốt trong việc bài tiết chất độc trong cơ thể. Do đó, thịt cua rất tốt cho người bệnh táo bón. Tuy nhiên, vì cua là thực phẩm lạnh, ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đường tiêu hóa và dễ gây ra các triệu chứng như tiêu chảy nên cần phải chú ý.

Chống nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương: Cua có chứa một lượng lớn protein và hầu hết là protein chất lượng cao, ngoài ra các protein chất lượng cao này còn chứa các axit amin, có thể làm tăng khả năng miễn dịch của tế bào lympho, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và kháng sự nhiễm trùng.

Ngăn ngừa khối u: Thịt cua chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, trong đó vitamin A và vitamin E là cao nhất. Hai loại vitamin này có thể bảo vệ mô biểu mô niêm mạc, làm mềm mạch máu và chống lại sự lão hóa. Cua cũng chứa nhiều selen, cao tới 56,7 microgam trên 100 gam cua. Thực phẩm giàu selen có thể cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, đồng thời có thể đóng vai trò ngăn ngừa khối u và chống ung thư.

Giảm cân hiệu quả: Thịt cua có hàm lượng calo thấp, chứa khoảng 1,5 g chất béo, phần còn lại protein. Do đó, cua là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người thừa cân, béo phì hoặc đang cố gắng giữ vóc dáng chuẩn đẹp.

Tốt cho tim mạch: Cua chứa nhiều axit béo omega 3, selen và đồng, giảm cholesterol xấu cho cơ thể. Cholesterol xấu làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Bí quyết chọn cua đồng ngon, nhiều thịt

Đời sống - Mẹo hay chọn cua đồng nhiều thịt đẫm gạch đỏ, lựa con nào trúng con đó

Cua là loại thực phẩm phổ biến, giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Nhận biết cua đực và cua cái: Thông tin trên VTC News, cách phân biệt đơn giản nhất là bạn quan sát phần yếm cua. Nếu thấy cua có yếm nhỏ là cua đực, còn yếm lớn hơn thì đó là cua cái. Nếu muốn nấu nhiều gạch thì nên chọn cua cái và muốn nhiều thịt thì chọn cua đực.

Kiểm tra cua chắc thịt: Bạn lật ngửa con cua và ấn vào phần yếm nếu thấy không bị lún tức là cua chắc thịt. Nếu thấy lún thì đó cua ốp, ít thịt, cua thường bị khai và ăn không ngon.

Thời điểm cua ngon: Cua béo, chắc thịt và ngọt thơm nhất là vào đầu tháng và cuối tháng. Giữa tháng thường là thời điểm cua lột vỏ nên cua gầy ốm và ít thịt.

Màu sắc cua: Cua đồng thường có màu xám đục, phần mai cua màu sáng hơn.

Cua khỏe, tươi: Bạn nên chọn những con cua di chuyển nhanh, càng khỏe luôn chĩa lên trên, mình mập và còn đủ chân. Lấy tay ấn vào vỏ yếm cua thấy nổi bọt khí là cua còn tươi.

Mẹo sơ chế cua:

- Để việc xé cua trở nên dễ dàng hơn, ngoài việc bẻ càng cua hoặc đeo găng, có một cách khá hay là bạn cho cua vào trong nước đá lạnh. Khi gặp nước lạnh cua nằm im và bạn không còn sợ càng cua kẹp tay nữa.

- Để cua khi chế biến không có mùi tanh, bạn nên chưng gạch thơm trước khi nấu nhé.

Trúc Chi (t/h)