Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều video review một món ăn được mệnh danh là “mỹ vị mùa hè” và đang rất “hot trend”, nhất là với giới trẻ. Món ăn có màu xanh bắt mắt, được chế biến từ con nuốc biển có xuất xứ từ Huế.
Nuốc xanh là đặc sản của vùng đất cố đô, còn được mệnh danh là "shasimi Huế". Đây là sinh vật cùng họ với sứa. Tuy nhiên, nuốc có kích thước nhỏ hơn, cả thân hình ngả sang màu xanh dương trong suốt rất hiếm gặp trong tự nhiên.
Theo chia sẻ của cư dân mạng, việc chế biến nuốc cũng rất đơn giản, chỉ cần rửa sạch, cắt nhỏ và ngâm với nước đá cho săn chắc là có thể thưởng thức nên mới được ví như món shashimi. Theo mô tả, nuốc mang trong mình vị tự nhiên, hơi lợ, ăn kèm vài cọng rau thơm (húng chanh), vài lát vả, dưa leo, chấm một ít ruốc là đủ để “hớp hồn” thực khách. “Thịt nuốc giòn, nhai sật sật, kèm vả chát và dưa leo ngọt, nó giải nhiệt cái nắng nóng đầu hè một cách dễ chịu đến lạ”, miểu tả của một thực khách khi ăn món này.
Nuốc là món ăn phổ biến ở Huế, gần đây gây hot mạng vì sự bắt mắt sau khi chế biến. Ảnh minh họa.
Theo tìm hiểu, nuốc là loại nhuyễn thể không chân phổ biến tại các vùng đầm phá nước lợ tại Huế, được tìm thấy nhiều ở đầm Cầu Hai, phá Tam Giang,… Con nuốc hay còn gọi con nuốt, có thân tròn, trong suốt hoặc màu xanh lam nhạt. Theo người dân địa phương, tuỳ vào con nước, màu sắc con nuốc sẽ có độ đậm nhạt khác nhau.
Cũng chính vì màu xanh này nên món ăn từ nuốc biển ngày càng trở nên nổi tiếng, nhất là khi các TikToker, YouTuber... chia sẻ video thưởng thức con nuốc, không ít người đã ăn thử và cho ý kiến khen, chê khác nhau. Vậy, món ăn này có thực sự ngon, an toàn và mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe?
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, trưởng khoa Khám Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nuốc là họ hàng với loài sứa nên ít calo nhưng giàu protein, cũng như các chất khoáng như canxi, photpho. Nuốc biển còn có một số vitamin khoáng chất như vitamin B1, B2, B3 và B5. Ông Hưng cũng khuyến cáo rằng, dù đây là món ăn cung cấp nhiều đạm nhưng mọi người cần lưu ý đến 3 vấn đề khi ăn: An toàn thực phẩm; Nguy cơ dị ứng; Nguy cơ dư thừa muối vào cơ thể.
Nuốc biển rất dễ bị vi khuẩn tấn công, nguy cơ gây phản vệ hoặc dị ứng khi ăn cao nên mọi người cần lưu ý. Ảnh minh họa.
Theo chia sẻ, nuốc ngon nhất phải ăn ngay trong ngày, nhất là thời điểm nuốc vừa mới được bắt lên bờ, nếu để qua đêm con nuốc sẽ mất nước, tóp lại. Do vậy, bác sĩ Hưng đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo quản. Bởi nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nuốc được xử lý không đúng cách có thể gây ra ngộ độc thực phẩm ngay sau khi ăn. Hơn nữa, mùa nuốc mỗi năm khá ngắn, lại khó bảo quản, nên món nuốc vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, trừ người dân Huế. Vì thế, với các địa phương khác nếu xuất hiện món ăn này cũng đặc biệt lưu ý khi ăn, nhất là với người lần đầu thưởng thức. Ăn món không quen rất dễ bị phản vệ, dị ứng hoàn toàn có thể xảy ra.
Một vấn đề nữa, bác sĩ Hưng cũng cảnh báo, đó là nuốc sống ở vùng nước lợ nên chứa một lượng natri cao, hơn nữa khi ăn thường được chấm với mắm nên dư lượng muối nhiều. Vì vậy những người có vấn đề về huyết áp, tim mạch, hệ miễn dịch yếu nên cân nhắc trước khi ăn.
“Nuốc là thực phẩm giàu chất đạm, không nên lạm dụng. Việc ăn lượng bao nhiêu là đủ và tốt cho sức khỏe nên tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng. Khi ăn nuốc hãy bổ sung thêm rau và các nguyên liệu khác để tạo nên phong phú hương vị và giá trị dinh dưỡng của món ăn”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.