Tăng mức tiền thưởng cho học sinh giỏi quốc gia và quốc tế
Nghị định 110/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mới về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, chính thức có hiệu lực từ 1/11, kéo theo mức khen thưởng cho học sinh giỏi quốc gia và quốc tế cũng có nhiều thay đổi.
Cụ thể, những học sinh tham dự trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được khen thưởng như sau: Giải nhất: 4 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với quy định hiện hành); giải nhì: 2 triệu đồng (tăng 1.3 triệu đồng so với quy định hiện hành); giải ba: 1 triệu đồng (tăng 600 nghìn đồng so với quy định hiện hành).
Cùng với đó, Nghị định 110/2020 cũng quy định học sinh, sinh viên đoạt HCV Olympic quốc tế các môn học hoặc giải nhất trong kỳ thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế được nhận Huân chương Lao Động hạng Nhì cùng tiền thưởng 55 triệu đồng. HCB hoặc giải nhì: 35 triệu đồng; HCĐ hoặc giải ba: 25 triệu đồng; Khuyến khích: 10 triệu đồng. Trường hợp hai lần liên tục đoạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học hoặc hai lần liên tục đoạt giải nhất trong kỳ thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế sẽ nhận Huân chương Lao Động hạng Nhất.
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng
Từ 15/11 tới đây, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, chính thức có hiệu lực.
Theo đó, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;
Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Sinh viên đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Trường hợp chuyển sang ngành đào tạo khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình đào tạo cũng phải bồi hoàn.
Nếu bồi hoàn chậm, sinh viên phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn. Trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì cơ quan thu hồi kinh phí bồi hoàn có quyền khởi kiện tại tòa án.
Bảng lương giảng viên cao đẳng sư phạm
Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Giáo viên mầm non dạy hợp đồng hưởng chế độ như viên chức đến hết 2021
Từ ngày 1/11, Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực thi hành và thay thế Nghị định 06/2018/NĐ-CP.
Riêng chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 06/2018/NĐ-CP được thực hiện đến hết năm 2021.
Do đó, chính sách đối với giáo viên mầm non dạy hợp đồng hưởng chế độ, chính sách như viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được thực hiện đến hết năm 2021.
Áp dụng điều kiện mới về việc bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó trường cấp II, III
Từ ngày 1/11, người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đối với trường công lập hoặc công nhận làm hiệu trưởng đối với trường tư thục, người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm phó hiệu trưởng phải đạt các tiêu chuẩn tại Khoản 3 Điều 11 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của bộ GD&ĐT quy định mới về điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học bao gồm:
Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học; Đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học;
Đã dạy học được ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học theo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng bộ GD&ĐT ban hành.