Tôi năm 31 tuổi, là kiến trúc sư thiết kế của một công ty nội thất. Những năm trước chưa ảnh hưởng bởi dịch dã thì lương cũng tốt nhưng 1-2 năm trở lại đây mức lương cũng chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt. Toàn bộ số tiền lương mà tôi tích góp được những năm trước đều gửi về cho bố mẹ ở quê trang trải cuộc sống, xây nhà cửa nên nhìn chung ở cái tuổi này vẫn chưa có gì trong tay nhiều.
Bị bố mẹ họ hàng hai bên giục giã nhiều chuyện lấy vợ, tôi cũng cố gắng tự mình tìm hiểu, tiếp cận nhiều bạn gái nhưng đều không hợp, cuối cùng tôi rất ưng một cô gái do bác ruột tôi giới thiệu. Nghe qua về "tiểu sử" thì cô ấy hơn tôi nhiều về khả năng tài chính cũng như vấn đề tình yêu hôn nhân. Cô ấy hiện là giám đốc của một công ty mỹ phẩm, có 2 căn nhà phố và 1 mảnh đất ở quê, hơn tôi 2 tuổi lại xinh đẹp có tiếng.
Khi tôi thắc mắc tại sao người con gái có ưu điểm vượt trội về mọi mặt đó lại đồng ý gặp gỡ tôi thì bác cho biết, cô ấy từng 1 lần đò không hạnh phúc và hiện đang là mẹ đơn thân của một cậu con trai. Chính vì rào cản đã từng 1 lần đò mà cô ấy cẩn thận chuyện tái hôn. Thế nhưng với tôi chuyện làm mẹ đơn thân lại không quá quan trọng, tôi có tư tưởng khá thoáng, vì thế tôi nhanh chóng nhận lời gặp gỡ cô ấy.
Ảnh minh họa
Như duyên định mệnh, chúng tôi có cảm tình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi không chê em ở bất kì điểm gì và em cũng thổ lộ không muốn làm quen với một người đàn ông thành đạt bởi điển hình như chồng cũ của em, khi đã là người thành đạt sẽ không có nhiều thời gian dành cho em và gia đình. Chúng tôi đồng quan điểm đặt mục tiêu gia đình, con cái là ưu tiên hàng đầu nên nhanh chóng tiến sâu hơn.
Chỉ sau 1 tháng quen biết, hẹn hò chúng tôi đi đến một đám cưới rình rang mà bao người ngưỡng mộ nhưng cũng có người dè bỉu "trai tân lấy gái một đời chồng" "chuột sa chĩnh gạo" "mấy đời bố dượng lại thương con vợ"... Thế nhưng chúng tôi đều bỏ ngoài tai, hứa hẹn mang đến cho nhau một cuộc sống tương lai tốt đẹp nhất.
Thế nhưng ngay trong đêm tân hôn đầu tiên, em đã khiến cho tôi hụt hẫng.
Chẳng là trước khi tổ chức đám cưới, tôi đã dọn đồ đạc về để sống cùng hai mẹ con em trong một căn penthouse thông tầng, tuy nhiên chưa từng ở lại. Sau khi tổ chức đám cưới ở khách sạn mới chính thức "xông nhà".
Cứ nghĩ sẽ có một đêm tân hôn nồng cháy với cô vợ mới xinh đẹp, tôi bị bất ngờ khi mở cửa bước vào. Em và con trai riêng của mình đã nằm trên giường cưới của chúng tôi, hai mẹ con đang cùng nhau đọc truyện. Cứ nghĩ thằng bé chỉ nằm chơi một lúc rồi về phòng nên tôi không nói gì nhưng đợi mãi đến tận 10h đêm cũng không thấy con về phòng, tôi mới ngỏ lời:
- Thôi muộn rồi con về phòng ngủ đi, hôm nay mẹ con đã mệt lắm rồi đó.
Cả hai người nhìn tôi với ánh mắt lạ sau câu nói đấy, thằng bé đáp lại:
- Không, phòng của con là đây mà, con phải ngủ với mẹ cơ.
Khi tôi còn đang chưa hiểu chuyện gì xảy ra, vợ tôi giải thích:
- Em quên chưa nói với anh chuyện này, rằng là con sẽ ngủ cùng chúng ta hôm nay và về sau anh ạ. Từ khi nó chào đời cho đến giờ vẫn quen ngủ với mẹ rồi nên giờ em lại càng không thể để con ngủ riêng được. Em thiếu hơi của con em không ngủ được đâu.
Ảnh minh họa
Nghe em nói tôi lại càng choáng hơn. Thằng bé đã 6 tuổi rồi mà vẫn còn ngủ với mẹ, trong khi đó em và tôi còn là vợ chồng mới cưới. Ngủ 1 hôm thì không nói làm gì, đằng này em còn nói "sau này cũng vậy". Ngay lúc đó tôi đã rất choáng váng nhưng cố gắng tỏ ra bình thường. Tôi lấy lý do hôm nay mệt, sợ ảnh hưởng đến hai mẹ con nên sang phòng khác ngủ.
Ngày hôm sau, tôi lựa lúc em đang vui vẻ để trao đổi lại với em về vấn đề này:
- Em à, anh nghĩ rằng con đã lớn rồi nên để cho con ngủ riêng phòng là tốt nhất em ạ. Nhất là con lại là con trai, càng không nên ngủ cùng với bố mẹ.
- Không được, hai mẹ con em đã ngủ với nhau 6 năm nay nên em không thể xa con và con không thể xa em. Anh xác định cưới em thì anh phải yêu thương con của em nữa chứ. Chẳng phải anh đã đồng ý với em là coi con như con ruột của mình rồi đó sao.
- Không phải anh không yêu con mà ý anh muốn nói ở đây rằng con đã đến tuổi cần phải ngủ riêng, không nên ngủ cùng chúng ta nữa, đó còn là vấn đề giáo dục con nữa. Hơn hết, chúng ta còn mới cưới nhau, cũng phải có không gian riêng tư chứ.
- Chúng ta thì thiếu gì những lúc có thể riêng tư, còn em không thể xa con em được dù chỉ 1 phút. Em đã quyết rồi, anh tự suy tính đi, một là ngủ chung với em và con, hai là anh có thể ngủ ở bất cứ căn phòng nào anh muốn.
Tôi thực sự bó tay với lập luận của em và chưa biết phải làm thế nào để hai mẹ con em thay đổi suy nghĩ.
Tâm sự từ độc giả hoangnguyen...
Việc để trẻ nhỏ ngủ chung với cha mẹ đem lại rất nhiều lợi ích, khi ngủ chung, cha mẹ có thể dễ dàng quan sát tình trạng sức khỏe, giúp trẻ dễ ngủ hơn cũng như gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Tuy nhiên, khi tới một độ tuổi nhất định thì cha mẹ nên để trẻ ngủ riêng, nhằm rèn luyện tính tự lập, giúp trẻ tự tin hơn trong quá trình phát triển.
Theo các chuyên gia, cha mẹ không nhất thiết phải giữ con bên cạnh khi trẻ đã đến độ tuổi nên được ngủ riêng. Trẻ 3 tuổi nên được chia giường và trẻ 5 tuổi thì nên chia thành phòng. Đến lúc trẻ phải tách giường sẽ có lợi cho sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ, nếu cha mẹ không chủ động trong việc cho trẻ ngủ riêng thì đây không phải là tình yêu mà là chiều chuộng trẻ. Các chuyên gia đồng ý rằng ngủ trên giường riêng là tốt nhất cho trẻ.
Trẻ trước 3 tuổi cần sự đồng hành của cha mẹ, sự đồng hành này có lợi cho sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ và cho phép trẻ hình thành cảm giác an toàn. Sau 3 tuổi, cha mẹ nên cho con ngủ giường riêng, nếu lúc này trẻ vẫn ngủ cùng cha mẹ sẽ không có lợi cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ về sau.
Khi trẻ lên 3 tuổi, một số trẻ đã đi học mẫu giáo và đã có vòng tiếp xúc xã hội riêng, ý thức về bản thân được củng cố và lúc này trẻ đã có nhận thức sơ bộ về giới tính. Do đó, việc ngủ giường riêng là nhằm đáp ứng nhu cầu tâm lý và thể chất của trẻ.
Sau 5 tuổi trẻ đã bước đầu hình thành nhân cách riêng, có khả năng phán đoán và phân biệt nhất định. Lúc này cha mẹ và con cái cùng ngủ chung một phòng sẽ không có lợi cho sự phát triển của trẻ, nếu chẳng may trẻ nhìn thấy những hành động thân mật của cha mẹ, điều này dễ kích thích trí tò mò, dẫn đến việc trẻ dậy thì sớm, đặc biệt là đối với tâm lý của các bé trai.
Các chuyên gia đã đưa ra những lợi ích khi trẻ ngủ phòng riêng, cha mẹ có tham khảo để định hướng đúng đắn hơn trong việc giáo dục con.
Trẻ độc lập hơn
Sau 3 tuổi, trẻ đã có nhận thức về giới tính, biết rằng cơ thể của nam và nữ là khác nhau. Lúc này, việc xác lập vai trò giới tính là rất quan trọng.
Đặc biệt là các bé trai, nếu ngủ chung với cha mẹ thì sau này các cháu sẽ trở nên quá phụ thuộc vào cha mẹ, tính cách không đủ độc lập, có thể trở thành những người nhát gan. Do đó, khi đến độ tuổi thích hợp, cha mẹ nên tách phòng riêng để rèn tính độc lập cho con.
Đồng thời, ở giai đoạn này ý thức về cái tôi của trẻ đến một cách tự nhiên, từ khi trẻ sinh ra đã hình thành ý thức về việc đi tìm cái tôi của mình, vì thế dù còn nhỏ nhưng các con vẫn cần có phòng riêng, chăn màn riêng, gối riêng…
Điều mà những bậc cha mẹ nên làm đó là tuân theo những quy luật phát triển tự nhiên này, tạo điều kiện cho con được phát triển theo chiều hướng độc lập. Cho con được ở phòng riêng, được ngủ riêng cũng là một trong những điều kiện cần và đủ, đặc biệt là đối với các bé trai.
Hạn chế trẻ dậy thì sớm
Nếu trẻ vẫn ngủ với cha mẹ sau 5 tuổi sẽ khiến trẻ bị trưởng thành sớm trong tương lai, những động tác thân mật giữa cha mẹ sẽ được trẻ học từng cái một. Cùng với xã hội thông tin hiện nay, trẻ em dễ dậy thì sớm dưới sự “kích thích” về mọi mặt.
Vì vậy, khi cha mẹ muốn cho trẻ ngủ phòng riêng thì không được chần chừ, bởi điều này liên quan đến sự phát triển sức khỏe, thể chất và trí não của trẻ.
Đồng thời, qua quá trình ngủ một mình, trẻ dần nhận ra mình là một cá thể độc lập chứ không phụ thuộc vào sự tồn tại của cha mẹ. Với sự rèn giũa này, trẻ có thể tự mình đưa ra quyết định, dần dần có thể trải nghiệm niềm vui lớn lên, từ đó rèn luyện tính tự chủ và tự tin.
Trẻ có một phạm vi không gian độc lập, trong đó trẻ không bị quấy rầy, có thể mang lại cho trẻ cảm giác an toàn hơn.
Thúc đẩy tình cảm của cha mẹ
Sau khi có con, cha mẹ sẽ dồn một phần sức lực để đồng hành cùng con, thời gian dành cho các cặp vợ chồng cũng giảm đi rất nhiều. Mặc dù trước mắt sẽ không có ảnh hưởng gì, nếu cứ ở trạng thái này lâu thì mối quan hệ vợ chồng sẽ có thể bị ảnh hưởng. Nếu tình cảm vợ chồng giảm sút, tình cảm vợ chồng sẽ bị nới lỏng, sự bao dung của hai bên đối với nhau cũng giảm theo.
Vì vậy, để duy trì hôn nhân tốt hơn, cha mẹ không nên để trẻ ngủ chung quá lâu, con cái có thể đưa cha mẹ đến gần hơn, và cũng có thể ảnh hưởng đến khoảng cách giữa cha mẹ. Khi trẻ đến một độ tuổi thích hợp, cha mẹ nên khuyến khích, tạo một không gian riêng cho con.