Ngày 24/1 (giờ địa phương), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi sự tài trợ của Đức với tổ chức. Theo dữ liệu từ cơ quan Liên hợp quốc, Berlin có vẻ sẽ vượt qua nhà tài trựo hàng đầu của WHO là Washington trong kỳ tài trợ gần đây nhất.
Nhận xét được đưa ra khi ban điều hành của WHO bắt đầu cuộc họp kéo dài 1 tuần. Tại cuộc họp này, đề xuất tài trợ thêm kinh phí để cơ quan y tế Liên hợp quốc độc lập hơn đã bị Mỹ phản đối. Động thái này của Washington làm dấy lên nghi ngờ về sự hỗ trợ lâu dài của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với cơ quan.
Theo đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng với Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze cho biết: "Như các bạn đã biết, Đức là một người bạn quan trọng và là đối tác lâu đời của WHO và trên thực tế, nước này hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO".
Trong năm nay, Đức sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch nhóm bảy nền kinh tế lớn G-7. Bà Schulze cho biết ưu tiên hàng đầu của Berlin là chấm dứt đại dịch COVID-19. Do đó, bà kêu gọi thế giới tăng tốc một "chiến dịch tiêm chủng toàn cầu"
Ông Tedros đã ca ngợi cam kết của Đức trong việc chia sẻ vaccine, cũng như "cách tiếp cận có tầm nhìn xa, bắt nguồn từ quan hệ đối tác, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương".
Berlin cũng là một trong 28 quốc gia đang ủng hộ việc Tedros tranh cử nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, dự kiến sẽ được quyết định vào tháng 5 tới.
Dữ liệu của WHO đến cuối tháng 1/ 2021 cho thấy Đức đứng đầu bảng về tổng số các khoản đóng góp bắt buộc và tự nguyện của các quốc gia thành viên cho chu kỳ tài trợ hai năm 2020-2021, xếp dưới Đức là 2 nước Mỹ và Anh.
Dữ liệu về đóng góp của các thành viên cho thấy Đức đã tài trợ tổng cộng 1,235 tỷ USD cho WHO. Trong khi đó, khoản tài trợ của Mỹ trong cùng kỳ là 660.000 USD. Để so sánh, Mỹ từng là quốc gia đóng góp nhiều nhất trong giai đoạn 2018-2019 khi tài trợ 853 triệu USD cho WHO.
Một quan chức WHO biết dữ liệu hoàn thiện của vấn đề này sẽ được đưa ra trong tuần tới. Hiện nay, đối với các quản đóng góp bắt buộc, Mỹ vẫn đang là nước đóng nhiều nhất. Tuy nhiên, m ột nguồn tin thạo tin giải thích rằng các khoản đóng góp tự nguyện cao trong 2 năm qua đã đưa Đức dần dần lên vị trí nhà tài trợ lớn nhất của WHO.
Một đề xuất được công bố bởi nhóm công tác của WHO về tài chính bền vững đã kêu gọi các quốc gia thành viên tăng dần khoản đóng góp bắt buộc, với mục tiêu đạt được một nửa ngân sách cốt lõi 2 tỷ USD của cơ quan vào năm 2028, tăng từ mức dưới 20% so với hiện nay.
Ý tưởng này sẽ được thảo luận bởi các quốc gia thành viên của WHO vào ngày 26/1. Một lá thư được gửi tới ban giám đốc WHO thay mặt cho 52 nhóm xã hội dân sự gọi đây là "cơ hội lịch sử" để điều chỉnh mô hình tài chính nhằm chấm dứt đại dịch và ngăn chặn đại dịch mới.
Trong bài phát biểu trước hội đồng quản trị, ông Tedros cũng đã kêu gọi "thay đổi mô hình" trong tài trợ của WHO. Ông nhấn mạnh: "Để nói một cách dễ hiểu, nếu mô hình tài trợ như hiện nay tiếp tục, WHO sẽ thất bại".