Mỹ thực hiện thành công ca ghép tim lợn cho người đầu tiên thế giới

Các bác sĩ Mỹ đã cấy ghép thành công quả tim từ một con lợn đã được chỉnh sửa gene cho một người đàn ông 57 tuổi.  Điều này mang lại hy vọng cho hàng trăm nghìn bệnh nhân suy tạng.

Ngày 10/1, ông David Bennett, bệnh nhân 57 tuổi tại bang Maryland, Mỹ đã có thể tự thở trong lúc vẫn được nối với một máy tim phổi nhân tạo để trợ giúp quả tim mới.

my thuc hien thanh cong ca ghep tim lon cho nguoi dau tien the gioi dspl

Bệnh nhân David Bennett (bên phải) được theo dõi chặt chẽ sau ca phẫu thuật. Ảnh: Trung tâm y tế Đại học Maryland

Cuộc phẫu thuật kéo dài 8 giờ diễn ra tại thành phố Baltimore (bang Maryland, Mỹ) ngày 7/1. Đến ngày 10/1, tình trạng của bệnh nhân là ông David Bennett (người Maryland) vẫn ổn định, Hãng tin AFP dẫn lời đội ngũ bác sĩ phẫu thuật của Trung tâm Y khoa Đại học Maryland.

Đây là lần đầu tiên một ca ghép tạng loại này được thực hiện thành công nên các chuyên gia y tế hy vọng một ngày không xa, biện pháp này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu tạng ghép hiện nay, khi hơn nửa triệu người Mỹ đang chờ ghép thận và các cơ quan khác.

"Quả tim tạo ra nhịp đập, tạo ra áp lực; nó đã là quả tim của ông ấy”, bác sĩ Bartley Griffith, Giám đốc chương trình ghép tim của trung tâm và là người mổ chính cho biết. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để có thể kết luận được điều gì, vì chưa từng có trường hợp nào tương tự.

Bệnh nhân Bennett quyết định đánh cược vào phương pháp mới bởi không còn lựa chọn điều trị nào khác. Nếu không được ghép tim, ông có thể tử vong. Thể trạng người bệnh cũng quá yếu để ghép tim từ người hiến chết não.

Từ lâu, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và biến đổi gene lợn để phù hợp ghép tạng cho người, để không xảy ra tình trạng bị cơ thể đào thải sau khi ghép. Nghiên cứu được đẩy nhanh trong thập kỷ qua nhờ vào công nghệ nhân bản và chỉnh sửa gene mới.

Ca ghép của bệnh nhân Bennett diễn ra chỉ vài tháng sau khi các bác sỹ ở New York (Mỹ) ghép thành công quả thận của một con lợn biến đổi gene vào cơ thể của một người chết não.

Trái tim được ghép cho ông Bennett là của một con lợn đã được chỉnh sửa gene tới 10 lần. Quá trình chỉnh sửa gene được kiểm soát rất nghiêm ngặt và do Revivicor - một công ty con của tập đoàn công nghệ sinh học United Therapeutics - thực hiện.

Các nhà khoa học đã loại bỏ 3 gene có thể gây phản ứng đào thải tạng ghép ở người, đồng thời bất hoạt một gene tăng trưởng nhằm ngăn tim lợn tiếp tục phát triển sau khi cấy ghép.

Các chuyên gia cũng đưa 6 gene người vào bộ gene của lợn (hiến tặng) và chỉnh sửa để chúng có khả năng chống chịu tốt hơn với hệ miễn dịch của con người.

Nhóm nghiên cứu cũng đã sử dụng một loại thuốc mới do tiến sĩ Mohiuddin và Kiniksa Pharmaceuticals phát triển, giúp ức chế hệ thống miễn dịch, ngăn chặn sự đào thải.

Trên thực tế, phẫu thuật ghép tạng từ động vật sang người - có tên khoa học là "xenotransplantation - là phương pháp đã có từ lâu. Hàng trăm năm trước, nhiều bác sỹ đã thử nghiệm bơm máu và ghép da của động vật cho các bệnh nhân.

Việc thiếu nguồn hiến tạng khiến các nhà khoa học phải tìm kiếm cách sử dụng nội tạng động vật để thay thế. Năm 2021, có hơn 3.800 ca cấy ghép tim ở Mỹ và đây là con số kỷ lục, theo United Network for Organ Sharing, tổ chức giám sát hệ thống cấy ghép quốc gia.