Chiều 13/4, bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm, 37 tuổi, quê ở Vĩnh Long, người đã có 11 năm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy do bệnh chảy máu di truyền được làm thủ tục xuất viện. Đây là một bệnh nhân rất đặc biệt khi trải qua 26 lần phẫu thuật để giữ lại tính mạng, được bảo hiểm y tế chi trả với số tiền lớn 38,3 tỷ đồng.
Bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm, sinh năm 1984 nhập viện Chợ Rẫy với tình trạng bệnh máu khó đông hemophilia A thể nặng. Trước đó, trong một lần tắm sông, Nghiêm ngã đập bụng vào mạn xuồng. Các cơn đau âm ỷ không dứt nhiều năm nhưng kinh tế khó khăn nên anh cố gắng chịu đựng. Đến năm 2010, bụng phình to, các cơn đau quá sức chịu đựng nên bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám và được nhập viện.
Để giữ lại tính mạng cho bệnh nhân, ngay từ cuộc phẫu thuật đầu tiên, các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa trong bệnh viện hơn 10 lần để đưa ra quyết định mổ khẩn cấp. Sau đó, liên tục bệnh nhân được thực hiện tổng cộng 26 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, để giải quyết khối u, cắt lọc da hoại tử, mổ dẫn lưu, tái tạo da vì nhiễm khuẩn vết thương...
Tiến sĩ – Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa phỏng và phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Cái khó là mình làm cái gì trong một cuộc phẫu thuật mà mình không biết trước thế nhưng mình biết là cần phải mổ, phải lấy phần hoại tử. Thế nhưng lấy như thế nào khi đang bị chảy máu, lấy nhiều thì chảy máu, lấy ít thì coi như không lấy. Ngoài yếu tố truyền yếu tố VIII để cầm máu thì thực ra đây là vùng xương xốp trên một vùng hoại tử, không đơn giản là truyền yếu tố VIII vào".
Trải qua 11 năm điều trị, đến nay tình trạng bệnh nhân đã hồi phục khoảng 99%. Tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân Nghiêm là 40,8 tỷ đồng, trong đó quỹ BHYT chi trả 38,3 tỷ đồng, mức chi trả cao nhất từ trước đến nay ở TP.HCM.
Trước giờ xuất viện, anh Nghiêm chia sẻ thời gian nằm viện lâu khiến anh nhiều lần tuyệt vọng, bi quan và chỉ mong giải thoát bằng cái chết. “Hôm nay được xuất viện, tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Sau 11 năm, lần đầu tiên tôi được nghe các bác sĩ nói đến chữ xuất viện chứ những lần trước là hồ sơ của tôi dày quá rồi, phải xuất viện để làm lại thôi”, anh Nghiêm cười tươi nói.
Anh chia sẻ thời gian qua anh nằm viện còn nhiều hơn ở nhà, cứ tưởng vào bệnh viện để phẫu thuật rồi trở về nhà, không ngờ thời gian kéo dài đằng đẳng 11 năm.
“Năm 2014, sau khi được phẫu thuật, tôi được cho xe về nhà, thì khi vừa về đến nhà, vết thương chảy máu lại xối xả nên chưa kịp vào nhà phải đi xe lên gấp lại bệnh viện. Lần đầu tiên mổ, bác sĩ nói vết thương dự kiến một năm mới lành, mình nghe rất sợ nhưng bác sĩ động viên ráng lên, nhưng sau 2 năm cũng vậy, cứ chờ hoài nên mình tuyệt vọng không còn hỏi nữa...”, anh Nghiêm nhớ lại chuỗi ngày u tối.
Sau này, mỗi năm anh chỉ về được vài ngày Tết nhưng luôn trong tâm trạng canh cánh lo sợ vết thương gặp sự cố do chưa lành thương sẽ lại tuôn máu. Lần này về nhà, vết thương đã liền da nên anh không còn lo chảy máu như trước nữa.
“Lần này, về nhà tâm lý rất là vui. Mấy lần trước, dù được về nhà nhưng cũng như nằm viện, cứ phải đem thuốc về tiêm, giờ vết thương đã lành, không còn lo chảy máu nữa”, anh Nghiêm chia sẻ.