Năm Giáp Thìn: Những chú rồng quyền năng trong múa rối nước

Rồng trong tâm linh người Việt là một con vật linh thiêng. Theo truyền thuyết dân gian, con rồng cháu tiên là cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Cũng chính vì đó mà màn trình diễn “Múa rồng” trong múa rối nước được coi là tiết mục đặc sắc và ngoạn mục nhất.

Đã từ lâu, rồng được mệnh danh là một linh vật với nhiều quyền năng và sức mạnh. Trong dân gian, rồng chính là con vật tượng trưng cho linh thiêng và điềm lành. Trong số 12 con giáp thì năm rồng (tức là năm Thìn ứng với các năm như Giáp Thìn, Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn và Nhâm Thìn) là năm đại cát. Dân gian cũng có câu “mả tang hàm rồng” có nghĩa chỉ một ai đó có hồng phúc.

Hình tượng về rồng muôn mình dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không chỉ xuất hiện trong thơ cả, tiểu thuyết, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc đền chùa… mà còn đi sâu vào phong tục tập quán dân gian. Đơn cử là bộ môn nghệ thuật múa rối nước.

423105970-933291725076127-8627557089337215720-n-1709018415.jpg
Trung tâm Múa rối nước Bông Sen trực thuộc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam.

Múa rối nước – Một phần của di sản văn hoá Việt Nam

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời từ nền văn hóa lúa nước và chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Từ một nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một nghệ thuật truyền thống, một sáng tạo đặc biệt của người Việt. Rối nước thường được diễn vào những ngày nông nhàn, ngày xuân, trong các lễ hội, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với những phong tục tập quán và đời sống sinh hoạt của người dân Đồng bằng Bắc Bộ.

“Chưa xem biểu diễn rối nước nghĩa là chưa tới thăm Việt Nam”. Đó là lời khuyên thiết thực xuất hiện trong nhiều cuốn sách hướng dẫn du lịch tại Việt Nam. Và điều đó hoàn toàn đúng khi phần lớn khách du lịch tới Việt Nam xem trình diễn múa rối nước ít nhất một lần. Những buổi biểu diễn múa rối nước không chỉ mang lại một sự hài lòng lớn mà còn là ánh hào quang của lịch sử văn hóa đời sống lâu năm của người Việt. Vì vậy, nhiều người nói rằng:” Để có thể  thấu hiểu hoàn toàn lịch sử, văn hóa và đời sống truyền thống của người Việt trong một giờ đồng hồ, cách tốt nhất là thưởng thức một buổi trình diễn múa rối nước”.

0acefe2814dab984e0cb-1709018956.jpg
Các nghệ nhân rối đứng trong buồng trò, thao tác bằng cây sào hoặc giật quân rối bằng hệ thống dây giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước để điều khiển quân rối.

Nên nhớ, Việt Nam là đất nước duy nhất trên thế giới có nghệ thuật múa rối nước. Rối nước Việt Nam có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành, vùng đồng bằng sông Hồng, gắn bó mật thiết với đời sống vật chất tinh thần của cư dân trồng lúa nước đồng bằng Bắc Bộ. So với múa rối thông thường, múa rối nước mang nhiều đặc điểm khác như: dùng mặt nước làm sân khấu; buồng rối nước hay còn gọi là thủy đình với cấu trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam là sân khấu biểu diễn trò rối nước. Do tính đặc sắc nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc. Như vậy, có thể nói, múa rối nước là “đặc sản văn hóa Việt”.

ad15bef55c07f159a816-1709019080.jpg
Tiết mục “Múa rồng” do các nghệ nhân điều khiển kết hợp hiệu ứng pháo hoa, nước và âm nhạc tạo nên một màn biểu diễn độc đáo thu hút mọi ánh nhìn.

Tại Trung tâm Múa rối nước Bông Sen trực thuộc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với gần 40 năm thành lập, Nhà hát đã cho ra đời rất nhiều chương trình mang ý nghĩa cả về mặt văn hóa, chính trị và xã hội. Tòa nhà “Không gian Văn hóa Việt” – 16 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhằm tạo sự đa dạng trong các loại hình nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thưởng thức nghệ thuật dân tộc, đưa văn hóa đặc sắc Việt Nam đến du khách bạn bè quốc tế và đông đảo người dân Việt Nam, “Không gian Văn hóa Việt” là nơi biểu diễn các chương trình múa rối nước đặc sắc với tên gọi chính thức “Múa rối nước Bông Sen” từ ngày 23/9/2013. Ngoài ra, ở đây còn là không gian biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật ca múa nhạc đương đại, các chương trình trưng bày, triển lãm về hội họa, thời trang, ẩm thực…

Màn trình diễn của những chú rồng quyền năng

Phần trình diễn sắc màu và ngoạn mục nhất trong múa rối nước là phần trình diễn về những con rồng: hai con rồng chơi đùa cùng nhau, rồng phun nước, rồng phun lửa... hùng dũng nhưng thân thiện. Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử, là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "Long, Ly, Quy, Phụng". Không những là biểu tượng cho xuất xứ nòi giống dân tộc Việt Nam, rồng còn là thần linh, chủ của nguồn nước, mang lại sức sống mãnh liệt, làm cho mùa màng tốt tươi. Âm nhạc trống sôi động cùng màn kết hợp tài tình giữa lửa - nước cùng vũ đạo mạnh mẽ của đôi rồng là sự cầu mong sức khỏe, bình an và sự trường tồn.

423090649-318364474556227-8894579382281123474-n-1709018415.jpg
Với sự điều khiển điêu luyện của các nghệ nhân, từ một khúc gỗ vô tri giờ đã biến thành một nhân vật mang tính cách với sự uy nghi riêng biệt.

Tất cả người Việt đều thuộc lòng sự tích Con Rồng - Cháu Tiên từ lâu đời. Câu chuyện Cha Rồng lấy Mẹ Tiên và sinh ra trăm trứng. Trăm trứng nở ra một trăm người con trai. Sau đó, 50 người con theo Cha Rồng xuống biển, 50 người con theo Mẹ Tiên lên núi. Họ trở thành tổ tiên của 54 dân tộc anh em Việt Nam. Bởi vậy người Việt gọi 2 tiếng “Đồng bào” nghĩa là anh em ruột thịt cùng chung một nguồn gốc.

Trong các phần trình diễn, thú vị nhất là những trò diễn về rồng phun nước và lửa. Đó là những kỹ thuật của múa rối nước thật sự rất hấp dẫn khán giả. Lửa phun ra từ miệng rồng không phải là lửa thật mà là đó là ánh sáng của pháo hoa - một trò chơi dân gian của Việt nam. Làm thế nào để nước có thể phun ra từ cơ thể nhiều khúc của rồng? Làm thể nào để sử dụng pháo hoa khi rồng ở trong nước? Đó là những bí quyết tuyệt vời từ hàng trăm năm kinh nghiệm của múa rối nước Việt Nam.

Ở tiết mục khép màn, sẽ có sự kết hợp của bốn con vật linh thiêng gọi là Tứ linh. Các đức tính tốt đẹp của những con vật linh thiêng được phản chiếu trong Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phượng - ca ngợi thiên nhiên đất trời, mong cho quốc thái dân an, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.

423454369-1599481440880843-1832877557145860624-n-1709018415.jpg
Nghệ thuật Hầu đồng cũng được đưa vào vô cùng hấp dẫn.

Và để hòa chung cùng xu thế phát triển du lịch đêm, cũng như những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trung tâm Múa rối nước Bông Sen  đã lên kế hoạch xây dựng một số sản phẩm mới để thu hút khán giả, du khách đến khám phá Hà Nội, đặc biệt là nhóm khán giả trẻ. Các chương trình chú trọng đến trải nghiệm của người xem như thử làm nghệ sỹ múa rối, nghệ nhân điêu khắc con rối – các khán giả sẽ được mặc quần áo bảo hộ, xuống bể nước với mức nước ngang người như các nghệ sỹ và cầm những con rối nặng từ 5 – 15kg dưới sự hướng dẫn của các nghệ sỹ để trải nghiệm, điều khiển các con rối như một buổi biểu diễn của các nghệ sỹ.

Với trải nghiệm làm nghệ nhân tạo hình con rối, các khán giả sẽ được chứng kiến tận mắt cách nghệ nhân biến một khúc gỗ vô tri vô giác thành những nhân vật mang tính cách, tình cảm.

Hoàng Giang