Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 20 tuổi, trú tại Ngọc thiện, Tân yên, Bắc Giang nhập viện cấp cứu sau khi ăn ve sầu.
Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện 2 tiếng bệnh nhân có uống bia và ăn ve sầu chiên giòn cùng bạn bè. Ngay sau đó, bệnh nhân đã xuất hiện các biểu hiện bất thường và được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, khó thở, nổi ban toàn thân và nôn ói rất nhiều.
Sau khi được điều trị cấp cứu bằng thuốc vận mạch, bệnh nhân được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Tại khoa, bệnh nhân tiếp tục có những biểu hiện lơ mơ, vã mồ hôi, da tái lạnh, huyết áp giảm, rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ do ăn ve sầu, tiên lượng rất nặng.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định đặt nội khí quản, Carthete tĩnh mạch trung tâm, đặt artline động mạch và lọc máu liên tục 24 giờ.
Hiện tại, sau 2 ngày vào viện, bệnh nhân đã tỉnh táo, tự thở, thể trạng khá, các chỉ số lâm sàng bình thường.
Được biết, ngộ độc ve sầu có 3 cấp độ. Nhẹ thì nổi mày đay, ngứa ngáy. Nặng hơn thì có thể khó thở, tụt huyết áp. Sau khi ăn ve sầu, nếu có triệu chứng mệt mỏi, tức ngực, khó thở cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Theo một số người dân, vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 4, tháng 5), ấu trùng ve sầu từ dưới lòng đất chui lên khỏi mặt đất rồi lột xác lần cuối trở thành ve sầu trưởng thành. Thời điểm này, một số người dân đi bắt nhộng ve sầu, ve sầu vừa lột xác về chế biến thành các món ăn "đặc sản".
Mặc dù ve sầu không có độc tố nhưng do sống khá lâu trong lòng đất nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn hay các loài nấm độc ký sinh trên cơ thể. Đây là loại thức ăn có nhiều yếu tố dị ứng. Vì vậy, người dân nên hạn chế và dần loại bỏ thói quen ăn ve sầu để tránh nguy cơ ngộ độc, gây nguy hại đến tính mạng.
Bên cạnh đó, cần chủ động trang bị kiến thức về phòng tránh và xử lý ban đầu do ngộ độc thực phẩm gây ra.