Nàng dâu gây sốt khi khoe mẹ chồng quốc dân khiến chị em ngưỡng mộ

Mới đây, trên diễn đàn tâm sự chị Thu Nga (Hà Nội) đã khiến không ít chị em trầm trồ khi khoe mẹ chồng “vàng mười” của mình. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Đúng là mẹ chồng tuyệt vời”, “Chị thật có phước”, “Mẹ chồng có một không hai”,…

Có thể nói “cuộc chiến” mẹ chồng nàng dâu từ lâu nay vẫn đang âm ỉ trong nhiều gia đình. Nhất là sự đối lập giữa quan điểm sống, chăm cháu, chăm con… Tuy nhiên, bên cạnh những bà mẹ chồng ghê gớm vẫn có không ít bà mẹ chồng quốc dân khiến người người ngưỡng mộ.

Mới đây, chị Thu Nga (31 tuổi) đã có những tâm sự khiến nhiều chị em rưng rưng nước mắt. Trên một diễn đàn tâm sự, chị Thu Nga viết: “Mọi người ạ. Em là người Hà Nội, hai vợ chồng hiện sống làm việc ở thủ đô. Còn quê chồng em ở Hà Nam. Trước khi lấy chồng em rất lo lắng về chuyện làm dâu, em luôn sợ mẹ chồng dù bà là người hiền, chu đáo với con cái. Chồng em là con trai một, thế nhưng vì sợ cảnh làm dâu nên cưới xong em liền rủ chồng ra Hà Nội làm việc. Đến Tết vợ chồng em mới về, nhưng mỗi khi thấy gia đình nhà chồng vui vẻ bên nhau em lại chạy vào khóc. Vì em nhớ gia đình, nhớ nhà”.

Mẹ chồng tôi rất tuyệt vời - Ảnh minh họa.

Đến đây, chị Thu Nga kể tiếp: “Nhưng rồi, một lần mẹ chồng thấy em khóc, bà đã hỏi han, sau khi hiểu được nỗi lòng của em, bà đã động viên và vỗ vai em rồi nói: “Mẹ hiểu rồi, con đừng buồn, sang năm, nếu con thích thì về ngoại ăn Tết được mà. Cứ năm Tết nội, năm Tết ngoại là ổn con à”.

Cũng từ hôm đó, mẹ chồng rất chăm chút cho vợ chồng em. Bà chu đáo từng tí một, có gì ngon bà đều gửi ra cho vợ chồng em. Chưa kể, mỗi tháng một lần bà lại bắt xe ra Hà Nội ở chơi vài ngày.

Em làm dâu 5 năm nhưng chưa một lần phải mua sắm Tết, về nhà cái gì cũng đầy đủ. Mẹ chồng em tân tiến nên mâm cỗ gần như bà chuẩn bị xong hết, đồ ăn nấu, chiên xào… bà đều làm sẵn và để tủ lạnh.

Bà nói: “Tết nhất nghỉ ngơi, làm được gì trước thì cứ làm thôi”. Nghe thế mà em rưng rưng nước mắt vì cảm động”.

Cũng theo chị Thu Nga, mẹ chồng chị còn tự tay đan khăn, áo cho con dâu. Tết nào chị cũng được nhận quà nào là áo, vòng cổ… từ mẹ chồng. Chuyện chăm con cái, bà không bao giờ can thiệp.

“Bà nói, việc nuôi dạy con bà tin tưởng ở em, bà không muốn tham dự bất kỳ chuyện gì. Chưa hết, mỗi lần ra chơi thấy con trai uống rượu về muộn là bà lại mắng, nhắc nhở con đừng uống nhiều rồi làm khổ vợ con”, chị Thu Nga cho hay.

Cảm động trước tấm lòng mẹ chồng, chị Nga đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội và nhận được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.

Chị Phương Hoa viết: “Cảm động quá, đúng là chị có một bà mẹ chồng tuyệt vời. Cuộc sống mẹ chồng nàng dâu cũng vì như thế này mà đỡ áp lực đi rất nhiều. Cảm thấy hôn nhân màu hồng, đáng sống. Chứ mình thấy nhiều chị em thường xuyên lên mạng xã hội than thở về mẹ chồng. Mệt mỏi ghê. Dù sao cũng chúc mừng chị Nga đã có người mẹ chồng tuyệt vời, tôi tin chị cũng là nàng dâu hiền thảo”.

Còn chị Nguyễn Hằng kể: “Tôi thấy nhiều bạn trẻ suy nghĩ tiêu cực quá. Mẹ chồng nàng dâu là chuyện của ngày xưa. Nàng dâu hiện đại, đa số đều rất thông minh khi giữ mối quan hệ hòa hảo với mẹ chồng. Mẹ chồng tôi cũng rất tuyệt vời. Lúc gần sinh, mẹ chồng liên tục gọi điện giục tôi về nhà sinh con để bà chăm sóc. Ngày tôi đi đẻ, nghe thấy điện thoại con dâu báo đau bụng mẹ chồng liền gom quần áo thuê vội tắc-xi đến đưa con dâu đi viện.

Tôi đau bụng 16 tiếng mới sinh, trong 16 tiếng đó tôi mới biết mình may mắn vì làm dâu của mẹ. Mẹ chồng đi mua cháo, đi mua nước ấm, dìu con dâu đi từng bước một, thay tã cho con dâu và thức đêm ngồi quạt để con dâu có thể ngủ được. Tôi sinh xong mẹ chồng thay quần áo, rửa vết thương, thức trông cháu không về. Nghe thấy cháu khóc một tiếng là chạy ra bế cháu, cơm nước đem tới tận nơi. Thật sự giờ tôi thương mẹ chồng như mẹ ruột”.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL về chuyện mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại, chuyên gia tâm lý Lê Thảo cho rằng, mẹ chồng nàng dâu là hai thế hệ khác biệt. Tuy nhiên, nàng dâu không nên vì thế mà định kiến, tự mình tạo khoảng cách với mẹ chồng, bởi càng suy nghĩ tiêu cực nàng dâu càng đẩy mẹ chồng xa mình.

“Cả mẹ chồng, nàng dâu hãy mở lòng đón nhân sự khác biệt về tính cách, dòng máu… để cho nhau cơ hội cùng thấu hiểu, sẻ chia. Mỗi người hãy tự đặt mình vào vị trí của nhau để có thể hiểu nhau hơn. Có như thế, cả hai mới đúng nghĩa là một gia đình”, chuyên gia Lê Thảo chia sẻ.

Thanh Bình

Thanh Bình