Ngải cứu (hay ngải diệp) là cây thường được trồng trong các gia đình để làm món ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng, tính ấm, mùi thơm, đi vào kinh tỳ, can, thận. Ngải cứu có tác dụng ôn kinh chỉ huyết, tán hàn chỉ thống, lý huyết an thai. Dùng trong các trường hợp nôn ra huyết, ho đờm lẫn huyết, chảy máu cam, đại tiểu tiện xuất huyết, tăng cường sức khỏe sau sinh.
Ngoài ra ngải cứu còn có các công dụng hữu ích khác như: Trị mụn, mẩn ngứa; chữa đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt; trị suy nhược cơ thể, kém ăn; trị cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh; ngải cứu khi kết hợp với muối còn có tác dụng giảm mỡ bụng.
Tuy nhiên, vì có tính dược liệu cao nên nó cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn, do đó không phải ai cũng sử dụng được. Cụ thể những trường hợp dưới đây được khuyến cáo không nên ăn rau ngải cứu để tránh nguy hại cho sức khoẻ.
Người bị rối loạn đường ruột cấp tính
Ngải cứu là vị thuốc giúp lợi tiểu và nhuận tràng nhưng chính tác dụng này lại gây bất lợi cho người mắc bệnh rối loạn đường ruột, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn. Ngoài ra những người bị xơ vữa động mạch cũng được khuyên không nên ăn ngải cứu.
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu
Trên thực tế cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một kết luận nào cho rằng ăn ngải cứu sẽ gây sảy thai, đặc biệt là 3 tháng đầu. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ phụ nữ nên tránh dùng ngải cứu bởi có thể dẫn đến ra máu nhiều, co tử cung và sảy thai. Nếu bà bầu có ý định ăn rau ngải cứu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Người mắc bệnh viêm gan
Trong ngải cứu có loại tinh dầu dễ bay hơi. Loại tinh dầu này có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng có độc tính. Chất này sẽ đi vào gan và làm rối loạn chuyển hoá tế bào gan, gây viêm gan cấp tính do trúng độc, viêm gan vàng da, làm gan to, nước tiểu đục… Nếu bệnh nhân viêm gan thường xuyên ăn ngải cứu có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người mắc bệnh thận
Một số nghiên cứu đã chỉ ra, lá ngải cứu có một mức độ độc nhất định đối với thận. Nếu lạm dụng ngải cứu có thể dẫn đến cơ thể mất năng lượng, chóng mặt, ù tai, và thậm chí là tổn thương thận.
Các chuyên gia khuyến cáo không chỉ 4 nhóm người kể trên mà người bình thường cũng không nên ăn rau ngải cứu quá nhiều, chỉ nên ăn từ 1-2 lần/ tuần với số lượng phù hợp. Nếu dùng ngải cứu quá nhiều có thể gây ngộ độc, thậm chí gây ảnh hưởng cho hệ thần kinh, dẫn đến co giật, tê liệt… Đối với người khỏe mạnh, không nên sử dụng nước sắc ngải cứu như một thứ nước uống thường xuyên giống như nước trà. Còn với những người dùng ngải cứu để chữa bệnh thì khi khỏi bệnh nên dừng, tránh sử dụng liên tục trong thời gian dài.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật