Tại một sự kiện hôm 22/12 vừa qua, phát biểu trước đám đông các nhà hoạt động chính trị bảo thủ trẻ, Phó tổng thống Mike Pence tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu "cho tới khi mọi lá phiếu không hợp lệ bị loại bỏ".
Nhưng chỉ chưa đầy hai tuần tới, chính ông Pence sẽ là người có trách nhiệm tuyên bố cuộc chiến đã kết thúc, và phần thua dành cho Tổng thống Donald Trump, Washington Post cho biết
Phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ diễn ra ngày 6/1/2021 để xem xét kết quả bỏ phiếu đại cử tri, chính thức hợp pháp hóa chiến thắng của ứng viên Dân chủ Joe Biden. Trên cương vị Chủ tịch Thượng viện, Phó tổng thống Pence sẽ chủ trì phiên họp chung
Thế khó cho ông Mike Pence
Một số người ủng hộ trung thành với Tổng thống Trump tuyên bố ông Pence sẽ là kẻ phản bội nếu không tìm cách cản trở quá trình xác nhận kết quả bầu cử. Nhưng đối với ông Pence, dù muốn hay không, không có cách thức khả dĩ nào giúp ông thực hiện yêu cầu nói trên.
Phó tổng thống Pence nhiều khả năng không thể thoát khỏi cơn thịnh nộ của ông Trump, cũng như cử tri ủng hộ, sau phiên họp của lưỡng viện.
"Tổng thống Trump rất có thể sẽ nói với ông Pence, 'chỉ cần tuyên bố chúng ta tái đắc cử'. Một phần nghĩa vụ hiến định của ông ấy là phải hành động có trách nhiệm. Ông ấy là phó tổng thống không có nghĩa ông ấy phải tham gia vào hành vi đe dọa nền tảng dân chủ của đất nước", giáo sư Joel Goldstein của Đại học Saint Louis nói.
Các trợ lý tiết lộ Phó tổng thống Pence không định tạo ra những ồn ào không cần thiết, ông hy vọng sẽ chỉ phải đóng vai trò chiếu lệ vào ngày 6/1 năm tới. Ngay sau cuộc họp của lưỡng viện, ông Pence sẽ có chuyến đi nước ngoài.
Gần đây, Tổng thống Trump đã nhận ra cấp phó của mình sẽ đóng vai trò đáng chú ý vào ngày 6/1/2021. Ông Trump tham khảo ý kiến các cộng sự, bao gồm chính Phó tổng thống Pence, cách thức có thể ngăn cản chiến thắng của đối thủ Joe Biden.
Mới đây, một nhóm có tên Lincoln Project đăng tải quảng cáo trên truyền hình kêu gọi ông Pence bỏ rơi Tổng thống Trump. Các trợ lý tiết lộ điều này khiến ông Trump nổi giận.
Quyền lực hạn chế của phó tổng thống
Phó tổng thống Pence tới nay vẫn tránh tạo cảm giác đang rời bỏ ông Trump, nhưng đồng thời không lặp lại những phát ngôn hung hăng, cáo buộc gian lận bầu cử đến từ ông Trump.
Văn phòng phó tổng thống cũng tham gia tiến trình chuyển giao quyền lực cho đội ngũ của ông Biden.
Tuy vậy, ông Pence tham gia các nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử. Hôm 21/12, ông Pence dự cuộc họp với các hạ nghị sĩ Cộng hòa có ý định thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn.
Tại cuộc họp, ông Pence nói nhiệm vụ của phó tổng thống là mở bì thư và đếm số phiếu, không phải quyết định tính hợp pháp của lá phiếu.
Thế nhưng, các tin đồn trên mạng xã hội đang phóng đại quá mức thẩm quyền của ông Pence tại phiên họp lưỡng viện.
Một số người ủng hộ Tổng thống Trump khẳng định ông Pence có thể sử dụng vai trò chủ trì để vô hiệu hóa kết quả bỏ phiếu đại cử tri của các bang. Những người này kêu gọi phe ông Trump sử dụng "lá bài Pence" để lật ngược kết quả bầu cử.
Những tin tức phóng đại thực chất là cách giải thích sai lầm về thẩm quyền của phó tổng thống. Luật pháp Mỹ quy định trong trường hợp tiểu bang không gửi kết quả bỏ phiếu đại cử tri vào ngày 23/12, phó tổng thống sẽ thúc giục tiểu bang gửi kết quả sớm nhất có thể.
Dù phó tổng thống không hề có thẩm quyền đối với lá phiếu của đại cử tri, một số người ủng hộ Tổng thống Trump mù quáng vẫn nổi giận với ông Pence vì đã không hành động trong ngày 23/12 vừa qua.
"Hành động của ông Pence vào hôm nay và 2 tuần tới sẽ quyết định liệu ông ấy sẽ trở thành ứng viên tổng thống vào năm 2024 hay là kẻ phản bội những người yêu nước", Rogan O'Handley, một nhà hoạt động bảo thủ, viết trên Twitter có 440.000 người theo dõi của ông.
Một số nghị sĩ Cộng hòa cho biết sẽ thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ở một số bang ông Biden chiến thắng.
Nếu có ít nhất một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ cùng ký tên vào đơn thách thức kết quả, thủ tục tranh luận và sau đó là bỏ phiếu ở Thượng viện và Hạ viện sẽ được kích hoạt.
Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell không muốn đẩy các nghị sĩ Cộng hòa vào cuộc bỏ phiếu đầy rủi ro, đặc biệt là với những người sẽ đối mặt cuộc bầu cử giữa kỳ hứa hẹn nhiều chông gai vào năm 2022.
Ngày 6/1/2021 sẽ đầy thách thức với các nghị sĩ Cộng hòa. Nếu chấp nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri, họ có thể bị khối cử tri trung thành với ông Trump xa lánh. Nếu thách thức kết quả, họ có thể bị coi là phá hoại nền dân chủ.
"Nhưng ông Trump muốn chứng kiến rắc rối ấy", New York Times bình luận.
Cơ hội hàn gắn đất nước?
Một quan chức cấp cao tiết lộ Tổng thống Trump "giận giữ với tất cả", không chỉ với ông Pence, bởi đương kim tổng thống muốn tất cả đội ngũ của ông tiếp tục chiến đấu.
"Tại cuộc họp hôm nay ở Florida, mọi người đều đặt câu hỏi vì sao đảng Cộng hòa chưa đứng dậy đấu tranh với thực tế phe Dân chủ đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống? Đặc biệt ở Thượng viện, đó là nơi tổng thống đã giúp 8 thượng nghị sĩ đắc cử. Họ quả là quên đi rất nhanh", ông Trump viết trên Twitter hôm 24/12.
Newt Gingrich - cựu Chủ tịch Hạ viện dưới thời Bill Clinton - là một đồng minh của ông Trump. Dù cho biết chưa trao đổi với Phó tổng thống Pence, ông Gingrich khẳng định Thượng nghị sĩ McConnell cũng như bất cứ ai trong đảng Cộng hòa sẽ mắc sai lầm lớn nếu muốn ngăn cản đưa kết quả bầu cử ra thảo luận.
"Nếu có một thành viên Hạ viện và Thượng viện đủ mạnh mẽ, vậy thì sau đó nên có một đánh giá bài bản, mạnh mẽ để dẫn tới cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Nếu là một trong số 74 triệu người bỏ phiếu cho ông Trump, bạn sẽ cảm thấy mình không được lắng nghe công bằng. Sẽ là thảm họa nếu ai đó định loại bỏ tranh luận", ông Gingrich nói.
Tuy nhiên, giáo sư luật Edward Foley của Đại học bang Ohio cho rằng vai trò của Quốc hội chỉ là xác nhận kết quả nhận được từ các tiểu bang, không phải quyết định cuộc bỏ phiếu có gian lận hay không.
Mike Pence không phải phó tổng thống đầu tiên rơi vào thế bí khi đảm nhiệm trọng trách xác nhận tổng thống mới. Một số người thậm chí phải tuyên bố bản thân thua cuộc và trao chiến thắng cho đối thủ.
Sau cuộc bỏ phiếu gay cấn đến phút chót năm 2000, Phó tổng thống Al Gore đã có mặt tại Capitol Hill trong phiên họp lưỡng viện và xác nhận chiến thắng của đối thủ Cộng hòa George W. Bush, bất chấp kêu gọi từ một số đảng viên Dân chủ cho rằng kết quả bỏ phiếu ở Florida bị kiểm đếm sai lệch.
Hành động của ông Al Gore được xem như một nỗ lực nhằm hàn gắn đất nước và tái khẳng định quá trình chuyển giao quyền lực dân chủ, hòa bình.
"Tôi nghĩ những gì phó tổng thống có thể làm thực sự rất hạn chế. Nhưng một trong những điều trong tầm tay của phó tổng thống là giúp đoàn kết đất nước, nhấn mạnh thực tế chúng ta cam kết với nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong nền dân chủ, và khi thua cuộc, chúng ta chấp nhận và sống tiếp", giáo sư Goldstein nói.