Nghề thiết kế – những ảo tưởng và thực tế

Ngành nghề thiết kế nói chung cũng như các chuyên ngành Animation Designer, Interior Designer, Graphic Designer... nói riêng hiện nay đang được thống kê sẽ là cần đến hàng trăm nghìn ứng viên mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Với sức hút cực kỳ lớn như trên, nhiều bạn trẻ không ngần ngại lựa chọn theo học và làm công việc được cho là có tính “thời thượng” này. Tuy nhiên, có phải thực sự Designer là nghề nghiệp hấp dẫn và dễ dàng hay không?

Hãy cùng tìm hiểu thêm về ngành nghề này qua câu chuyện của bạn Bảo Duy, cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa của trường Đại học Văn Lang nhé.

Design là thiết kế, nhưng công việc không đơn giản chỉ là thiết kế!

nhung-ao-tuong-ve-nganh-thiet-ke-do-hoa3-580x386-1672798481.jpg

Ảnh minh họa

“Theo từ điển mà chúng ta đều biết thì từ design có nghĩa là thiết kế, nhưng để trở thành một designer thì bạn cần nhiều hơn như thế” – Bảo Duy chia sẻ “Bạn phải hình dung được rằng trong design dù là chuyên ngành nào thì nó vẫn có rất nhiều mảng khác nhau. Ví dụ, một người làm việc có thể kiêm nhiệm cả phần concept và layout thì được gọi là designer. Trường hợp khác, một người chỉ làm phần Layout dưới một concept của một Art Director nhất định thì chỉ được gọi là Layout Artist. Bên cạnh đó là các vị trí việc làm Autocad, Graphic designer… Bạn cần phân biệt rõ những danh xưng này vì nó ảnh hưởng khá nhiều đến nhiệm vụ bạn cần hoàn thành, yêu cầu liên quan và thậm chí là lương thưởng”.

Duy cũng khá thoải mái khi đề cập đến công việc hiện tại: “Mình làm Graphic Designer từ khi tốt nghiệp đến nay đã được hơn 3 năm, và ban đầu mình khá là sốc vì khối lượng công việc tương đối lớn. Dù đã được học qua các môn ở trường đại học nhưng để thực chiến thành công, mình phải trải qua rất nhiều công đoạn, chẳng hạn như bắt đầu từ việc ý tưởng, sau đó đến là chọn ảnh rồi đến dựng trang. Mọi thứ đều phải cẩn thận và chỉn chu mới có thể tạo ra sản phẩm cuối cùng ưng ý, phù hợp với mục tiêu.”

Thoải mái sáng tạo nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ

Tuy nghe có vẻ lạ lùng nhưng Bảo Duy chia sẻ rằng, nếu bạn đã lựa chọn làm việc trong ngành sáng tạo thì chắc chắn bạn phải chấp nhận những điều nghịch lý như thế này. “Điểm hấp dẫn nhất ở nghề thiết kế đồ họa nói riêng cũng như ngành thiết kế nói chung là không bị gò bó về cách suy nghĩ cũng như có “đất” để mọi người thể hiện bản thân, sáng tạo không giới hạn. Những thiết kế của bạn chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người xem tiếp nhận thông tin cần được truyền tải. Tuy nhiên, sự sáng tạo này vẫn phải nằm trong khuôn khổ của mục tiêu đề ra theo kế hoạch, trong khuôn khổ ngân sách cho phép, trong khuôn khổ của thời gian thực hiện và đôi khi bạn còn phải sáng tạo theo ý muốn của đối tác. Tất cả những vấn đề này, vô hình trung sẽ tạo nên áp lực cho bạn, khiến sự sáng tạo của bạn không thể tự do bay cao bay xa”, Duy cho biết.

Thị trường làm việc luôn mở rộng nhưng mức đào thải cũng không thấp

Điều này chính là một thực tế mà các bạn có ý định theo nghề thiết kế nói chung cần phải hiểu rõ và không nên quá ảo tưởng về nghề “hot trend” này. Dù là thị trường làm việc thực sự rất hấp dẫn nhưng ứng viên vẫn cần phải có đầy đủ những tố chất của một nhà thiết kế thực thụ thì mới có khả năng trụ lại với ngành lâu dài.

hoc-autocad-co-kho-khong-8jpg-1672798576.jpg

Ảnh minh họa

“Để trở thành Designer nói chung, mình nghĩ quan trọng hơn hết chính là khả năng sáng tạo. Thực tế cho thấy để cho ra đời sản phẩm, từ ý tưởng nghệ thuật đến việc thể hiện luôn đòi hỏi người thiết kế phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi, và thậm chí họ phải chọn từ vài tới vài chục mẫu hàng trong các mẫu phác thảo của mình. Nên nếu như bạn là một người khuôn mẫu, làm việc mọi thứ theo quy trình định sẵn và không thích sự thay đổi nhanh thì có lẽ bạn không nên chọn nghề này.

Đó là còn chưa kể đến những nhà thiết kế cũng cần có nhãn quan về mỹ thuật và vốn hiểu biết sâu rộng, bao quát vấn đề để tìm ra điểm mấu chốt cần nhấn mạnh trong tổng thể của một tác phẩm. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải liên tục trau dồi thêm các kỹ năng sử dụng các ứng dụng thiết kế để bắt kịp thời đại như Photoshop, QuarkXPress, Illustrator,... để cho ra đời một sản phẩm ấn tượng. Nghề thiết kế nói chung chắc chắn sẽ ngày càng phát triển theo quỹ đạo của nó, vì thế nếu như bạn không nỗ lực học tập hàng ngày thì việc bị bỏ lại phía sau, thậm chí là bị đào thải là hoàn toàn có khả năng” – Bảo Duy nhận xét.

Pha Lê