Ôi cứ đến dịp lễ Tết ai nấy vui vẻ, hào hứng khi chuẩn bị được về quê còn tôi thì sợ phát khiếp. Mỗi lần về quê chồng là làm hùng hục cỗ bàn từ sáng đến tối mịt chẳng được bữa no. Nhất là năm nay, lại có con thơ càng không muốn về quê chút nào mà e rằng chắc không được. Hai vợ chồng tôi vẫn đang còn cãi nhau.
Chẳng là tôi lấy chồng cũng khá muộn nên năm nay mới có con đầu lòng được 20 ngày tuổi nhưng đã 37 tuổi, chồng tôi cũng 38 tuổi. Chúng tôi sống ở Hà Nội cách gia đình nhà chồng gần 300 cây số. Bình thường chúng tôi cũng ít khi về quê, chỉ mỗi dịp lễ Tết hai vợ chồng phải sắp xếp công việc từ nhiều ngày trước rồi bắt chuyến xe đêm để về quê chồng thăm gia đình. Bố mẹ chồng tôi năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi, chồng tôi là con trai trưởng nhưng út trong nhà, trên đó còn có 2 chị gái. Biết được trọng trách của mình nên là dịp lễ Tết nào dù đi lại có vất vả, về nhà có luôn chân luôn tay nhưng tôi và chồng cũng cố gắng khăn gói về cho ông bà đỡ buồn.
Ảnh minh họa
Năm nay dịp Tết Dương Lịch được nghỉ 3 ngày nhưng tôi mới sinh em bé được 20 ngày tuổi. Thương con mà bản thân sức khỏe tôi cũng còn yếu nên chưa muốn về quê vội. Tôi bàn với chồng:
- Con còn non quá anh ạ, đi đường xa em không yên tâm. Với cả em mới sinh còn mệt lắm đi tàu xe sợ say. Về nhà điều kiện sinh hoạt cũng không được như ở trên này, trời lạnh em sợ con ốm mà bố mẹ chăm con chăm cháu cũng vất vả. Hay là mình để đến Tết âm, khi con đã được hơn tháng rồi về cũng không lo nữa.
- Làm sao thế được em. Bố mẹ già cả rồi mới có cháu nội lần đầu tiên nhưng ông bà không ra đây thăm cháu được thì nhớ cháu lắm. Vậy nên ông bà chờ đúng dịp Tết Dương này để mình đưa con về quê cho ông bà nhìn mặt, được tự tay ẵm cháu. Ông bà khoe với cả làng là Tết Dương này vợ chồng đưa con về thăm nhà rồi. Bàn cả thế rồi mà em cứ nấn ná mãi là thế nào.
- Anh thấy đấy, mọi dịp lễ em cũng đều hào hứng về thăm bố mẹ chứ có phải em bất hiếu đâu. Thế nhưng lần này em lo nhất là con nên mới bàn với anh thế. Con còn nhỏ quá mà đã ẵm đi 300 cây số em không yên tâm. Vả lại nghỉ được có 3 ngày là đã phải bế con đi rồi, vậy chẳng phải đứa nhỏ đi 600 cây số sao.
- Thế thì mang con về quê ở hẳn hết cữ rồi ra, không phải lăn tăn gì nữa.
- Không được, em không ở cữ ở quê được. Anh cũng biết đấy, bố mẹ già rồi mà tính tình thì thích được con cháu chiều. Lần nào em về quê cũng đều đặn ngày 3 bữa cơm cho ông bà, chưa kể còn bao nhiêu việc khác nữa. Giờ em có con rồi, em chỉ có thể chăm con em thôi chứ, không chăm ông bà như trước kia được nữa thì lại mang tiếng. Ông bà thích cháu nhưng có đồng ý giúp em chăm cháu đâu.
- Không nói nhiều nữa, chuẩn bị đồ đạc đi 8h tối có xe rồi về.
Ảnh minh họa
Vợ chồng tôi cãi nhau mấy hôm nay về chuyện cho con 20 ngày tuổi đi 300 cây số về quê nội. Về cũng không đành mà không về thì cũng không phải phép như chồng tôi nói. Thế nhưng đúng là con còn non quá mà đi đường xa như vậy, lại còn đi xe khách chật chội, tôi thực sự không yên tâm chút nào.
Tâm sự từ độc giả vuinguyen...
Lễ Tết là dịp hiếm hoi gia đình đoàn tụ, ông bà và các cháu được gần gũi bên nhau. Đó là lý do vì sao nhiều bậc cha mẹ thường cố gắng sắp xếp thời gian đưa các con về thăm ông bà. Tuy nhiên tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người để quyết định có nên cho con về quê đúng dịp lễ Tết hay không.
Đặc biệt, nếu nhà có trẻ nhỏ, mẹ có thể sẽ gặp khó khăn khi đưa các bé đi đường dài lần đầu. Làm sao để đảm bảo mọi thứ được chuẩn bị kĩ càng và bé được an toàn tuyệt đối trong suốt hành trình là cả một vấn đề lớn. Chuyến đi của mẹ có thể sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều nếu mẹ tham khảo bản danh sách những gì mẹ nên và không nên làm khi đưa bé đi nghỉ cùng gia đình.
NÊN: Mẹ nên sắm một chiếc ghế ngồi ô tô vừa vặn với bé của mình và nắm rõ cách sử dụng khi cho bé ngồi trên ô tô, tàu hỏa hay máy bay. Đây sẽ là một thiết bị rất cần thiết trong mỗi chuyến đi xa của cả nhà. Thay vì phải thay phiên nhau ôm và giữ bé, mẹ hãy cho bé một chỗ ngồi của riêng mình. Không chỉ vậy, loại ghế này còn đảm bảo an toàn cho bé trong suốt hành trình.
KHÔNG NÊN: Băn khoăn về giá cả khi mua ghế an toàn cho con. Mẹ sẽ phải chấp nhận một mức giá cao một chút để tìm một chiếc ghê thật sự an toàn và phù hợp với bé của mình. Nếu gia đình của mẹ thường xuyên đi lại, hãy tìm một chiếc ghế dễ lắp đặt và gọn nhẹ để tiện di chuyển.
NÊN: Chuẩn bị sữa bột để pha trong bình sữa cho bé để mẹ không phải loay hoay trên máy bay, trên tàu hay ô tô để tìm sữa trong túi xách. Mẹ cũng nên đặt câu hỏi trước với hãng hàng không mà cả nhà sẽ đi rằng liệu họ có thể cung cấp nước ấm và sạch để pha sữa hay bột cho bé trong chuyến đi không vì thông thường mẹ sẽ không được mang nước lên máy bay.
KHÔNG NÊN: Mẹ không cần thiết phải cho tất cả mọi thứ vào trong vali để mang theo mình trong chuyến đi. Nếu cảm thấy quá cần thiết, mẹ hãy đóng sẵn các đồ mẹ muốn như bỉm, sữa, quần áo, giày dép và các đồ dùng cồng kềnh khác vào thùng và gửi trước đến khách sạn hay khu nghỉ dưỡng mà cả nhà sẽ đến, không quên dặn trước nhân viên ở đó. Như vậy mẹ chỉ cần mang theo một chiếc ba lô nhỏ để những vật dụng thật cần thiết và bế bé đi là xong. Khi đến nơi, mẹ sẽ có toàn bộ những đồ dùng quen thuộc của bé mà không phải lo rằng ở đó không bán thứ mẹ cần.
NÊN: Mang theo một món đồ chơi yêu thích bé hay ôm đi ngủ mỗi ngày như gấu bông, chăn… Việc này sẽ đảm bảo bé cảm thấy quen thuộc và không bị lạ nhà trong những ngày ở địa điểm du lịch.
KHÔNG NÊN: Quên mang theo túi cứu thương và các loại thuốc chữa bệnh thông dụng, bao gồm cả những loại thuốc hay vitamin bổ sung bé vẫn dùng hàng ngày như vitamin D v.v. Nhiệt kế, thuốc giảm đau và miếng dán hạ sốt cũng là những vật dụng bắt buộc phải có trong túi cứu thương của mẹ. Ngoài ra, mẹ cũng nên chuẩn bị kem chống nắng, kem dưỡng da, băng dính vết thương để phòng bị cho bé và cả gia đình trong thời gian du lịch.
NÊN: Theo dõi sát sao nhiệt độ của bé trong suốt chuyến đi. Thông thường thân nhiệt của các bé sẽ cao hơn người lớn một chút. Vì vậy mẹ hãy lưu ý luôn giữ nước cho bé và mặc cho bé các bộ quần áo nhẹ và mỏng.
KHÔNG NÊN: Quên không cho bé thư giãn tay chân trong suốt chuyến đi nếu bé nhà mẹ đã lớn một chút. Nếu cả nhà có một chuyến đi dài bằng ô tô, hãy cố gắng tạo thật nhiều điểm dừng chân để bé có thể xuống xe đi lại.