Nghỉ lễ đi chợ nếu thấy loại củ này nên mua ngay, đó là “nhân sâm" của người nghèo, ăn vặt không lo bị béo

CTV
Loại củ có ngoại hình xấu xí nhưng phía trong lại chứa cả “kho dưỡng chất”, nhiều nghiên cứu đã chứng minh củ này còn có tác dụng phòng ung thư.

Vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu bước vào vụ thu hoạch ấu (ấu sừng trâu). Thực tế ở nhiều nơi loại củ này được chất đống bán đầy đường hoặc ở các chợ dân sinh với giá rất rẻ.

Củ ấu có ngoại hình xấu xí, vỏ màu đen nhưng phần lõi lại có màu trắng, ăn rất bùi và ngậy. Đây là món quà quê được nhiều người yêu thích, chúng không chỉ dùng làm món ăn vặt, mà còn chứa nhiều dinh dưỡng, giúp hỗ trợ phòng nhiều bệnh và được coi là “nhân sâm của người nghèo”. Đáng chú ý, củ ấu chứa ít calo và chất béo, nhưng lại giàu chất xơ hòa tan và các vitamin vì thế khi ăn vặt không lo bị tăng cân.

Củ ấu được bán ở nhiều địa phương, không chỉ là món ăn vặt mà còn là vị thuốc trong đông y. Ảnh minh họa.

Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, củ ấu là vị thuốc chữa bệnh trong đông y, có vị ngọt, tính mát, tác dụng ích khí kiện tỳ (ăn chín), giải nhiệt lương huyết, trừ phiền chỉ khát (ăn sống). Trong dân gian, củ ấu non khi ăn sống còn là bài thuốc chống say nắng, giải độc sau uống rượu, trừ rôm sảy… Còn củ ấu già có thác dụng kiện tỳ bổ khí, dùng cho trường hợp tỳ hư tiết tả, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết, chống suy nhược.

Một số nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, trong 100g củ ấu chín có 4,5g albumin, 0,1g chất béo, 19,7g chất đường các loại, 0,19g vitamin B1, 0,06g B2, 1,5mg PP, 13mg C, 7mg Ca, 0,7mg sắt, 19mg Mn, 93mg P. Ngoài ra, chiết xuất từ củ ấu còn giúp phòng chống một số loại ung thư.

Từ những tác dụng của củ ấu mang lại cho sức khỏe, lương y Bùi Đắc Sáng khuyên mọi người nên sử dụng củ ấu khi vào mùa và tùy vào sở thích, khẩu vị có thể dùng để ăn vặt, làm thuốc, thậm chí chế biến thành món ăn như một loại thực phẩm hàng ngày.

Một số món ăn, bài thuốc tham khảo từ củ ấu:

- Củ ấu luộc: Dùng cho các trường hợp tỳ hư, tiêu chảy, mệt mỏi, mất sức.

- Cháo củ ấu: Dùng củ ấu tươi bỏ vỏ 30g, gạo nếp 30g, đường vừa đủ. Nấu thành cháo, ăn 2 lần/ngày. Cách ăn này chữa tỳ vị hư suy ở người cao tuổi, ăn uống khó tiêu, viêm ruột.

Không chỉ là món ăn vặt, củ ấu còn giống một loại thực phẩm, chế biến được nhiều món ăn ngon và bắt mắt. Ảnh minh họa. 

- Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày: Thịt củ ấu 30g, củ mài 15g, bạch cập10g, hồng táo 15g, gạo nếp 100g, mật ong 20g. Cho tất cả vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ để nấu cháo nhừ. Khi ăn cho 20g mật ong trộn đều. Đây cũng là món ăn từ củ ấu tốt cho những người bị ung thư dạ dày.

- Giảm cân, đẹp da: Do củ ấu chứa ít chất béo, vì vậy mọi người không sợ việc ăn nhiều sẽ tăng cân. Ngoài ra, trong củ ấu có rất nhiều vitamin C, B1, B2… giúp làm đẹp da.

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, khi mua cần phân biệt củ ấu ta với củ ấu tầu, vì củ ấu tầu có độc, ăn vào có nguy cơ tử vong. Khi ăn ấu không nên ăn quá nhiều trong một thời điểm, vì dễ bị đầy hơi, trướng bụng và đau bụng. Chỉ nên ăn khoảng 100g/ngày, tốt nhất nên làm chín trước khi ăn.

Khi ăn ấu, mọi người nên dùng dụng cụ tách vỏ rồi mới ăn nhân phía trong, không nên dùng miệng cắn vỏ vì nguy cơ nhiễm giun sán hoặc tạp chất khi ăn. Với những người bị tỳ vị hư nhược, đại tiện tiêu lỏng không nên dùng dạng sống.