Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được bày trong tủ kính sang trọng?
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng thường lựa chọn những siêu thị lớn để mua hàng, bởi họ tin rằng các sản phẩm ở đây thường chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, chính vì "niềm tin" mà người tiêu dùng đặt vào đây, mà một số chủ cửa hàng tại Big C Thăng Long đã lời dụng tâm lý này và bằng nhiều cách khác nhau để "tuồn" mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường vào Big C để tiêu thụ.
Dạo một vòng quanh Big C, có thể thấy những mỹ phẩm tại đây được bày bán trong những tủ kính sang trọng, bắt mắt và đa dạng về chủng loại, chủ yếu là sữa rửa mặt, son...
Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm những loại mỹ phẩm được bày bán tại đây lại không có những thông tin như tem phụ đề tiếng Việt, tên cơ quan công bố sản phẩm, tên đơn vị xuất nhập khẩu… theo như quy định của pháp luật mà chỉ có những dòng chữ in tiếng nước ngoài. Dù vậy, nhân viên tư vấn không cần “liếc” qua sản phẩm nhưng vẫn có thể tư vấn một cách trôi chảy về công dụng, thành phần… như thể được “lập trình” sẵn.
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường đang được bày bán công khai tại siêu thị Big C .
Điều này khiến người tiêu dùng đặt ra nghi vấn về chất lượng sản phẩm và cho rằng, phải chăng đây là chiêu các gian hàng này lợi dụng uy tín của Big C để lấy lòng tin, trà trộn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc để kinh doanh kiếm lời?
Theo quy định của pháp luật, những sản phẩm mỹ phẩm nếu muốn đưa ra thị trường kinh doanh, được nhập từ nước ngoài bắt buộc phải có tem phụ đề tiếng việt để người tiêu dùng nhận biết những thành phần và hướng dẫn cách sử dụng.
Ngoài ra, tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm lưu thông khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Lợi dụng "bóng lớn" Big C để kiếm lời?
Tuy nhiên, sự việc này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng phía siêu thị Big C dường như không có phương án xử lý, chấm dứt hợp đồng với những chủ cửa hàng bày bán, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc trên.
Thay vào đó, những chủ cửa hàng này vẫn “núp” dưới cái “bóng lớn” Big C để kiếm lời từ những mặt hàng thiếu thông tin về sản phẩm và chất lượng. Trường hợp nếu có sự cố xảy ra, khách hàng lại là người chịu thiệt, không biết khiếu nại ai để giải quyết.
Phải chăng Big C đã quá coi thường sức khỏe người tiêu dùng mà để cho những sản phẩm kém chất lượng được đẩy vào hệ thống?
Người tiêu dùng nên làm gì để bảo vệ mình?
Thống kê cho thấy, những năm gần đây, số ca nhập viện vì dị ứng mỹ phẩm ngày càng gia tăng. Đối với mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc nhẹ thì người bị kích ứng phải điều trị trong một thời gian dài và phải tốn rất nhiều tiền mới có thể hết được. Còn trong trường hợp nặng thì có thể sẽ để lại hậu quả vĩnh viễn trên da, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.
Mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc thường không có biểu hiện gây hại ngay lập tức mà ngấm từ từ vào cơ thể, vì vậy người sử dụng không thấy có biểu hiện xấu là yên tâm dùng tiếp.
Trước thực trạng trên, đã đến lúc người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng phải cùng bắt tay hợp tác để đẩy lùi vấn nạn này, nhằm tạo một môi trường xã hội an toàn hơn, lành mạnh hơn.
Người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ không nên lạm dụng mỹ phẩm. Nên chọn mua những loại mỹ phẩm quen dùng, có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đáng tin cậy.
Theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại thì hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, thương nhân kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của siêu thị, Trung tâm thương mại. |
Thu Hằng (T/h)