Người cao tuổi cần làm gì để phòng bệnh trong ngày rét?

Sự thay đổi thời tiết đột ngột là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt những trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi. Các chuyên gia hướng dẫn người cao tuổi các biện pháp phòng bệnh trong những ngày rét.

Những ngày sau Tết Nguyên đán, nhiệt độ các tỉnh miền Bắc lạnh sâu, có thời điểm còn 12-13 độ C. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì thời tiết đêm buốt giá, ngày nắng hanh với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 20-23 độ C, nhiệt độ thấp nhất từ 11-14 độ C, vùng núi cao dưới 11 độ C. 

Theo các chuyên gia, sự thay đổi thời tiết đột ngột là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp. Đặc biệt, là đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như: người cao tuổi, người có bệnh nền. Bởi lẽ, không khí đi vào cơ thể thường được các cơ quan hô hấp mũi, miệng sưởi ấm. Nếu không khí bị lạnh, việc sưởi ấm khó hiệu quả hơn dẫn đến dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn.

Ngoài ra, thời tiết lạnh, thay đổi môi trường khiến khả năng bảo vệ tại chỗ của cơ thể bị giảm sút, đặc biệt đối với người có bệnh nền. Bên cạnh đó, môi trường sống có chứa rất nhiều chất độc hại, ô nhiễm, càng tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ phát huy tác nhân gây bệnh.

Bác sĩ Hà Quốc Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu và Quốc tế (Bệnh viện Lão Khoa Trung ương), cho biết, trên cơ địa người già, các chức năng cơ quan, hệ miễn dịch đều suy giảm. Nhiều người có bệnh nền, đặc biệt là các bệnh lý về cơ xương khớp dễ tiến triển bệnh nặng hơn như viêm thấp khớp, thoái hóa khớp... gây đau đớn và giảm chất lượng sống của bệnh nhân. Do đó, tùy vào cơ địa từng người cũng như thể trạng, người bệnh cần có hướng phòng và điều trị phù hợp.

Cụ thể, với những bệnh nhân đang được điều trị về cơ xương khớp, loãng xương thì cần uống thuốc thường xuyên và hạn chế ra ngoài khi trời lạnh, giữ đủ ấm, ngủ trong môi trường không có gió lùa. Ngoài ra, người cao tuổi nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nước ấm, uống đủ nước. Trong thời tiết giá lạnh chỉ nên tập thể dục trong nhà, không đi ra ngoài trời sớm.  

Nếu trời lạnh, người cao tuổi cũng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt là những người cao tuổi hút thuốc lá, thuốc lào, sưởi ẩm bằng củi, than thì khói bụi than, củi sẽ làm cho các bệnh lý hô hấp trên nặng lên với các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, tức ngực, khó thở rát họng... Do vậy, để đề phòng các bệnh lý về đường hô hấp ở người cao tuổi trong mùa lạnh cũng cần đảm bảo dinh dưỡng, uống đủ nước và giữ ấm, vệ sinh mũi - họng, đánh răng hằng ngày, súc họng bằng nước muối ấm.

Với những bệnh nhân có bệnh nền như hen suyễn, viêm phế quản mạn tính được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị lâu dài cần tuân thủ chỉ định.

Để phòng bệnh cho người cao tuổi trong những ngày rét, các chuyên gia khuyến cáo người dân không hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc và môi trường nhiều khói bụi.

Ngoài ra, giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang trong môi trường lạnh ẩm và ô nhiễm. Điều trị sớm và triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp.

Người cao tuổi nên tập thể dục đều đặn, phù hợp với thể trạng sức khỏe. Tuy nhiên, lưu ý không đi tập ngoài trời quá sớm, quá muộn, những ngày nhiệt độ thấp thì nên tập thể dục trong nhà.

Ngoài ra, người cao tuổi cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ năng lượng; Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm khuẩn, vi khuẩn đi xuống cơ quan hô hấp gây bệnh; Cần tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong chất bảo quản thực phẩm như hoa quả khô, bia rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen. Đồng thời, thực hiện tiêm vaccine phòng các bệnh đường hô hấp. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả.


Theo Linh Trần/ Phụ nữ Việt Nam