Trở về sau 15 năm được thờ cúng
Buổi chiều giữa tháng 6/2020, trong phòng xử án của TAND TP.Đà Nẵng, ông Phạm Văn H. (SN 1959, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), đưa mắt nhìn con trai là Phạm Văn Dương (SN 1981) đứng trước bục bị cáo đối mặt với tội Giết người. Mắt ông đỏ hoe nhưng không 1 giọt nước nào rơi. Ông kể, thuở còn trẻ, tham gia cuộc chiến biên giới Tây Nam. Hơn 200 đồng đội lần lượt ngã xuống. Ông là người hiếm hoi trở về.
Di chứng chiến tranh, trong người ông vẫn còn vết đạn. Mỗi khi trái gió trở trời, cơn đau lại ập đến. Sau đó, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị B., cùng tuổi. Vợ chồng ông sinh được 6 người con, trong đó, Dương là con trai cả. Đau đớn, ông có 2 cô con gái bị tàn tật vì chất độc màu da cam.
Ông làm thuê, giữ các vuông tôm để lấy tiền nuôi con. Người cha từng đặt rất nhiều hy vọng vào con trai cả. Thế nhưng, chỉ học hết lớp 8, Dương xin nghỉ. Không lâu sau, Dương xin theo chân người quen làm thuê ở các tàu cá trên biển. “Những tháng đầu, nó còn gọi điện, viết thư về. Sau đó, những cuộc gọi thưa dần, thư cũng không còn nữa.
Ba năm trôi qua, nó không một thông tin. Tôi và gia đình cứ ngỡ, nó đã chôn xác ở biển nên lập bàn thờ hương khói. Tôi lấy ngày nó đi để làm ngày giỗ. Mỗi năm, cứ đến ngày giỗ con, vợ tôi lại khóc. Riêng tôi, nước mắt đã rơi quá nhiều cho đồng đội, cho các con bị chất độc da cam, nỗi đau mất con trai nên không còn để khóc nữa”, ông H. nghẹn đắng chia sẻ.
15 năm trôi qua, gia đình tin chắc là Dương đã chết. Đầu 2019, Dương trở về trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Cả gia đình vui mừng, làm mâm cơm cảm ơn gia tiên và dọn bàn thờ, di ảnh của Dương xuống. Vợ nói với ông: “Nỗi canh cánh lớn nhất của tôi suốt nhiều năm qua là không thể tìm được xác của con. Bây giờ, con đã trở về. Tôi mong nó sẽ bình an đến cuối đời”.
Thế nhưng, niềm vui chưa kịp tròn môi, gia đình ông hoảng hốt vì chỉ sau đó 2 ngày, Công an xã và Công an quận Sơn Trà đến thông báo Dương phạm trọng tội, phải dẫn giải ra TP.Đà Nẵng phục vụ công tác điều tra. Vợ ông bị bệnh tim, ngất xỉu khi hay thông tin này. Ông H. hiu hắt: “Từ đó đến nay, tôi chưa một lần được gặp Dương. Tôi cũng mong vào trại tạm giam thăm nó”. Im lặng giây lát, ông nói tiếp: “Nhưng, gia đình tôi khó khăn quá! Nhà lại xa nên giờ mới có thể gặp con, tại phiên toà này”.
Chỉ mong được nhìn con trước khi nhắm mắt xuôi tay
Tại bục khai báo, Dương trình bày, làm nghề đi biển ở các tàu cá. Gần nhất, anh làm thuê cho 1 chủ tàu người Quảng Ngãi. Sau thời gian dài lênh đênh trên biển, tàu cập cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà. 23h ngày 11/1/2019 Dương cùng bạn thuyền là anh Nguyễn Quang N. và 1 người bạn ngồi nhậu. Trong lúc nhậu, giữa Dương và anh N. có đùa giỡn qua lại. Anh N. dùng tay đấm sượt qua gò má phải của Dương khiến bị cáo bực tức đứng dậy, bỏ ra phía sau đuôi tàu đi vệ sinh.
Thấy nơi đựng chén bát có con dao nên Dương nảy sinh ý định sử dụng nó để trả thù anh N.. Dương quay trở lại chỗ nhậu chém vào vùng đầu khiến anh N. gục xuống sàn tàu. Mặc dù nạn nhân không còn khả năng chống cự, bị cáo vẫn tiếp tục vung dao...
Sau khi gây án, Dương vứt dao và đôi dép của mình tại hiện trường, bỏ trốn về nhà cha mẹ. Theo bản kết luận giám định của trung tâm Pháp y TP.Đà Nẵng, anh N. bị đa chấn thương, chấn thương sọ não, vết thương vùng mặt, vùng cổ… Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 26%.
Phiên toà hôm ấy, anh N. xin xử vắng mặt. Trước đó, ông H. đã bồi thường 20 triệu đồng. Anh N. có đơn xin giảm án cho bị cáo và không yêu cầu bồi thường thêm. Riêng Dương, giọng run run thừa nhận: “Bị cáo biết mọi tội lỗi do mình gây ra. Tất cả vì cơn giận bộc phát và trong người đã có hơi men. Rất may, anh N. còn sống. Nếu anh ấy không qua khỏi thì có lẽ, suốt đời này, bị cáo sẽ hối hận, cắn rứt lương tâm mà chết thôi”.
Khi được nói lời sau cùng, Dương cho biết: “Hơn 1 năm ngồi trong trại tạm giam, bị cáo suy nghĩ rất nhiều. Tại phiên toà, cho bị cáo xin lỗi anh N. dù không có mặt ở đây. Tiếp theo, bị cáo xin lỗi cha mẹ, người thân”.
Đại diện VKSND đề nghị mức án 6 đến 7 năm tù đối với Dương. Giờ nghị án, vị kiểm sát viên đến bên Dương căn dặn: “Tôi biết hoàn cảnh của anh. Cha mẹ anh đã trải qua quá nhiều đau đớn. Mẹ anh cũng đau ốm nặng. Anh hãy cải tạo thật tốt để sớm đoàn tụ cùng cha mẹ”.
Trong khi đó, ông H. ngồi bên, xoa, nắm tay Dương: “Mẹ con lại ốm, đường xa quá không ra được. Bà ấy gửi lời hỏi thăm sức khoẻ con và nhắn nhủ ước muốn duy nhất của bà ấy là có thể nhìn thấy con trở về trước khi chết. Đây cũng là điều mong muốn của cha. Con xa cha mẹ lâu quá rồi. Đừng làm cha mẹ thất vọng nữa nhé!”. Nghe cha nói, Dương rơm rớm nước mắt: “Con xin lỗi!”…
HĐXX nhận định, hành vi của Dương là đặc biệt nghiêm trọng, phải cách ly khỏi xã hội một thời gian để có sức răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, tòa cũng xem xét các tình tiết giảm án như thành khẩn khai báo, đã bồi thường thiệt hại, gia đình có công với cách mạng, bị cáo có một phần lỗi… nên tuyên phạt Dương 7 năm tù giam về tội Giết người.
“Mẹ hãy đợi con về”
Phiên tòa khép lại, Dương theo chân công an lên xe bít bùng về trại tạm giam. Ông H. luống cuống chạy theo, xin được ôm con. Ông dặn: “Đừng trách cha mẹ vì không vào trại giam thăm con được nhé. Cha mẹ ở nhà đợi con”. Dương ôm chặt lưng còng của người cha: “Con chưa 1 ngày làm tròn đạo hiếu thì làm sao dám trách cha mẹ. Cha nhớ giữ gìn sức khoẻ. Cha nhắn lại với mẹ giúp con. Con nhớ mẹ. Và mẹ hãy đợi con trở về”.