Mỗi đêm, 1 nhóm vài người đi kích điện đã có thể thu về 100 – 120 kg giun đất, kiếm tiền triệu mỗi ngày. Lợi nhuận từ hoạt động kích điện bắt giun đất thu về quá cao khiến nhiều người bất chấp, đổ xô đi kích điện “tận diệt” giun đất.
Vạn người đổ xô kích điện bắt giun đất vì lợi nhuận quá cao
Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn trên cả nước luôn trong tâm lý bất an, thậm chí phải cầu cứu chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan vì hoạt động kích điện bắt giun đất diễn ra rầm rộ.
Mỗi kg giun đất tươi được thu mua dao động từ 70.000 – 80.000 đồng, trong khi đó mỗi đêm, 1 nhóm vài người đi kích điện đã có thể thu về 100 – 120 kg giun, kiếm tiền triệu mỗi ngày. Lợi nhuận từ hoạt động kích điện bắt giun đất thu về quá cao khiến nhiều người bất chấp, đổ xô đi kích điện tận diệt giun đất.
VTV thông tin, đầu tư hơn 30 triệu đồng mua rào sắt quây kín vườn cam rộng gần 2 hecta nhưng sáng nào đi thăm vườn, chị Hạnh cũng phát hiện ra dấu chân của những kẻ kích trộm giun, cũng như những con giun chết nằm la liệt.
Những cây cam chưa biết khi nào sẽ chết vì đất cằn nhưng bất cứ chỗ nào bị kích giun cũng xuất hiện hiện tượng quả cam non bị rụng khi còn vài tháng nữa mới đến vụ thu hoạch. Nỗi lo mất mùa khiến chị Hạnh phải làm tấm biển treo trước vườn, không hy vọng bắt được đối tượng kích giun, chỉ mong họ nhìn thấy mà tha cho vườn cam nhà chị.
Cũng thường xuyên bị kích trộm giun như gia đình chị Hạnh, mới đầu anh Tuân thuê 2 bảo vệ để canh giữ. Thế nhưng vì lợi nhuận từ việc kích giun quá lớn khiến người đi kích mua chuộc cả 2 nhân viên bảo vệ này để được vào vườn. Cực chẳng đã, anh Tuân phải đầu tư lắp đặt gần 20 camera khắp vườn cam và tự mình theo dõi 24/24.
Khi các vườn cam được người dân bảo vệ chặt chẽ thì các đối tượng kích giun lại chuyển sang khu vực ít được canh phòng hơn như cánh đồng ngô.
Trên các trang mạng xã hội, máy kích điện giun đất cũng được rao bán la liệt, giá khá rẻ, dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng một chiếc. Loại máy hoạt động rất đơn giảm. Chỉ cần cắm máy kích xuống đất, người sử dụng bấm nút là luồng điện rất mạnh phóng ra, khiến các sinh vật ở dưới đất phải chui lên, trong đó có giun đất.
Theo VietNamNet, điểm đến của giun tươi sau khi bắt được là các lò sấy ở ngay tại địa phương. Sau khi sấy khô, giun đất được bán cho các thương lái Trung Quốc.
Trên “chợ mạng” hay các sàn thương mại điện tử, giun đất sấy khô (còn gọi là địa long, trùng đất) được quảng cáo là dược liệu quý. Chúng là thành phần dùng trong nhiều bài thuốc đông y để chủ trị sốt cao bất tỉnh, đau khớp, chân tay tê bại, bán thân bất toại, trúng phong ho suyễn do phế nhiệt, cao huyết áp,...
Theo đó, giun đất sấy khô được bán với giá dao động từ 1-1,2 triệu đồng/kg, đắt nhất lên tới 1,5 triệu đồng/kg. Song, thay vì bán theo cân, để thuận lợi cho người mua về sử dụng, các đầu mối buôn bán thường chia giun đất sấy khô vào các túi nilon theo trọng lượng 100gram hoặc 0,5kg.
Tại một chợ online chuyên về giun đất tươi và khô với gần 2 vạn thành viên tham gia mua bán, nhiều người rao bán giun đất sấy khô với số lượng lớn, có thể giao hàng từ vài cân đến vài chục cân, thậm chí hàng tạ.
Giun đất khô tại chợ online này có giá dao động từ 700.000-850.000 đồng/kg tuỳ loại.
Một chủ hàng bỏ sỉ giun đất khô ở Hoà Bình tên Bùi Tấn cho hay, dịp gần đây, nhiều người hỏi mua nên giá giun khô có xu hướng tăng. Có mối hỏi mua liền một lúc 2 tạ giun đất với giá 780.000 đồng/kg.
Ngoài xuất bán hàng sấy khô, trên "chợ mạng" nhiều đầu mối cũng đang tranh thủ thu mua giun đất tươi ở các tỉnh Hoà Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang... với giá từ 55.000-70.000 đồng/kg tuỳ loại. Các chủ hàng này khẳng định, số lượng bao nhiêu cũng gom mua hết.
Kích điện giun đất là phá vỡ sự tự nhiên của đất trồng, cần ngăn chặn ngay
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thừa nhận, việc kích vào đất dòng điện lớn sẽ khiến giun chết, gây tác hại cho đất, hệ động vật và vi sinh vật, khiến cây trồng bị vàng lá. Thế nên, đơn vị này và các địa phương đang tìm cách xử lý.
Đây là hành động cần ngăn chặn ngay, nhưng hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt hành vi này, ông Cường cho hay.
Theo ông, Luật Trồng trọt liên quan đến cây trồng trên đất, còn đất lại thuộc quyền quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong Khoản 1 điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi “lấn, chiếm, hủy hoại đất đai". Điểm 25 Điều 3 giải thích từ ngữ về hành vi “hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”. Ở đây có thể thấy, chưa rõ hành vi kích giun đất bằng điện.
Tại Trung Quốc, tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp nước này đã phối hợp cùng nhiều cơ quan liên quan tiến hành “chỉnh đốn đồng ruộng, rừng cây, hồ nước, thảo nguyên và khu bảo tồn tự nhiên”, trong đó khẳng định việc mua bán giun đất qua kích điện là bất hợp pháp.
Trước vấn hạn kích điện giun đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, ông Cường cho hay Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất.
Trong đó nêu rõ, hành động tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng đất đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Không chỉ vật, hoạt động này nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật.
Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN-PTNT các địa phương kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động trên. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hành động kích điện giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất.
Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun đất trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm.
Riêng về giun đất, ông Nguyễn Như Cường khẳng định, đây không phải động vật quý hiếm. Do đó, nếu thị trường có nhu cầu cần thực hiện các chương trình, dự án nhân nuôi quy mô lớn. Đây cũng có thể là một hướng phát triển kinh tế mới.
Trong khi đó, báo VnExpress dẫn lời Giáo sư Đỗ Kim Chung, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hành vi kích giun đất phải xem như một loại tội phạm. Khi truyền dòng điện xuống lòng đất sẽ khiến không chỉ giun mà nhiều vi sinh vật chết, làm ảnh hưởng tới môi trường đất.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp, nói trong hệ sinh thái nông nghiệp, giun đất được coi như chỉ thị đánh giá độ phì nhiêu của đất. "Việc sử dụng kích điện để tận diệt như hiện nay sẽ như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như chất lượng đất sản xuất nông nghiệp", tiến sĩ Thành nói.
Vân Anh (T/h)