Chiều 25/5, nguồn tin từ xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận, cho biết cách đây khoảng 8 năm, anh Võ Thành T. (28 tuổi, ngụ thôn Hiệp Cường, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận) bị bò húc vào lưng, trúng tủy. Tuy được cứu chữa nhưng phần dưới cơ thể bị liệt, không thể tự sinh hoạt.
Lúc 8h ngày 24/5, người quen với gia đình ở phường Bình Tân, thị xã La Gi, đưa một người đàn ông đến nhà để bấm huyệt với mong muốn anh T. có thể thuyên giảm bệnh tật.
Sau khi được bấm huyệt khoảng 30 phút, anh T. than mệt, mẹ anh phát hiện anh có triệu chứng khác thường nên kêu vợ của anh T. đưa đi bệnh viện ở thị xã La Gi cấp cứu, nhưng đến 14h cùng ngày thì anh T. tử vong.
Vụ việc sau đó được báo lên cơ quan chức năng. Trong đêm 24/5 các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã đến khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân.
Được biết, anh T. có 1 vợ và một con, gia đình thuộc diện khó khăn.
Trước đó, một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra, ông N.V.L ở TP Thái Bình tử vong sau khi được bấm huyệt.
Trước thực trạng này, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội) cho biết, xoa bóp, bấm huyệt rất tốt cho sức khỏe nhưng có những người sau khi massage, xông hơi, bấm huyệt không những không khỏe mà còn khiến người đau ê ẩm, bầm tím, méo mặt, lệch mép… Còn trường hợp tử vong sau khi massage, tẩm quất, bấm huyệt hiếm khi xảy ra. Tất cả điều này là do người thực hiện kĩ thuật thiếu chuyên môn, không nắm được các nguyên tắc trong massage, bấm huyệt không đúng cách.
Trị bệnh bằng phương pháp bấm huyệt là một kỹ thuật phức tạp và cần sự chính xác cao vì trên cơ thể có nhiều huyệt. Chỉ cần ấn sai huyệt là dễ gây tai biến. Hơn nữa, thực hiện kỹ thuật này cũng tùy thể trạng bệnh nhân, nếu không. Khi có bệnh nhân, bác sĩ tiếp nhận thường khám và chẩn đoán đầu tiên là kiểm tra xem họ có bệnh lý gì hay không rồi mới chỉ định có nên điều trị bằng xoa bóp, bấm huyệt. Bởi mỗi người có những bệnh lý, tình trạng sức khoẻ và cơ địa khác nhau. Chứ không phải trường hợp nào cũng "đè" ra để xoa bóp, bấm huyệt, massage…
Chẳng hạn, với một người cơ thể hư, yếu, có bệnh cột sống, loãng xương mà làm mạnh tay, bấm mạnh quá sẽ ảnh hưởng đến độ vững của cột sống. Khi đó rất có thể dẫn đến nguy cơ bị liệt hoặc tử vong.
Để đảm bảo sức khỏe, lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo người bệnh nếu muốn thực hiện điều trị bằng xoa bóp, bấm huyệt cần tìm đến những cơ sở uy tín được cấp phép để điều trị.
Nhiều cơ sở người thực hiện không có kiến thức chuyên môn, truyền nghề cho nhau theo kiểu biết gì chỉ đó nên thường không quan tâm tới độ tuổi, có bệnh lý về cột sống, tim mạch, huyết áp hay không mà ai cũng đều thực hiện các kĩ thuật ấn, day, giẫm lưng, bẻ cổ…
Các động tác bẻ mạnh các khớp, nhất là ở đốt sống cổ và cột sống cũng phải thận trọng vì đây là nơi tập trung nhiều tuỷ sống. Không nên thực hiện những động tác như di cột sống lưng, giậm trên lưng cả người. Các động tác thô bạo này dễ gây tai biến, gãy xương sườn, chấn thương cột sống nhất là với những ai có bệnh lí loãng xương... và lại được thực hiện bởi những người không có kinh nghiệm.
Hơn nữa, không phải huyệt nào ở cơ thể tác động vào cũng tốt. Chẳng hạn ở trên mặt có nhiều huyệt, đỉnh đầu có huyệt bách hội (giữa đỉnh đầu), huyệt tứ huyền công ở 4 xung quanh huyệt bách hội, huyệt thái dương, huyệt nhân trung… Với huyệt thái dương liên quan đến thần kinh chỉ nên làm nhẹ nhàng. Những người không có kĩ thuật khi massage đều day hai bên thái dương là không đúng. Việc day mạnh hay ấn lâu, máu không lên não rất nguy hiểm.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mọi người cần phải nhớ không phải đối tượng nào cũng thực hiện kĩ thuật bấm huyệt. Theo đó cần thận trọng với các đối tượng:
- Người vừa ăn no chưa quá 2 giờ.
- Phụ nữ trong thời gian hành kinh hoặc thai kì.
- Khi bị chấn thương, vừa trải qua phẫu thuật lớn vết thương chưa lành, mắc chứng bệnh ngoại khoa như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, viêm vòi trứng vỡ…
- Khi đã uống rượu bia hoặc đang bị sốt, viêm nhiễm.
- Những người bị suy tim, tăng huyết áp cần cẩn thận, tốt nhất là không nên đi xoa bóp.