Pháp luật hiện nay không có quy định hạn chế người không biết chữ thi lấy giấy phép lái xe máy hạng A1. Người thi lấy giấy phép lái xe máy hạng A1 chỉ cần đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ bao gồm:
Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam, đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định là được thi lấy giấy phép lái xe máy hạng A1.
Tuy nhiên, để được cấp giấy phép lái xe, người dân phải tham gia đào tạo lái xe và vượt qua kỳ thi sát hạch. Nội dung sát hạch cấp giấy phép lái xe bao gồm cả lý thuyết và thực hành.
Sát hạch lý thuyết gồm trả lời các câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe và nội dung liên quan đến cấu tạo và sửa chữa thông thường.
Như vậy, đối với những người không biết chữ thì rất khó có thể học lý thuyết để vượt qua cuộc thi sát hạch. Do đó, nếu không thể tham gia sát hạch để được cấp giấy phép lái xe, người không biết chữ nên sử dụng xe dưới 50 phân khối, là loại xe người lái không cần có giấy phép lái xe.
Hiện nay mới chỉ có quy định về việc cấp bằng lái xe cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt.
Cụ thể, thông tin trên , Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, pháp luật quy định chỉ đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt mới có thể được thi bằng lái xe theo quy trình phù hợp do Sở giao thông vận tải trình ủy ban nhân dân các cấp quyết định.
Luật sư Xuyến lý giải, thông tin trên được căn cứ vào khoản 4 Điều 43 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT:
"Đào tạo lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt: Sở Giao thông vận tải xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hình thức đào tạo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương".
Việc sát hạch lái xe để lấy giấy phép lái xe cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết được căn cứ khoản 4 Điều 44 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT:
"Sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt do Sở Giao thông vận tải căn cứ nội dung và quy trình sát hạch đã được ban hành, xây dựng nội dung và phương án tổ chức sát hạch phù hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định".
Như vậy, đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt thì Sở giao thông vận tải địa phương sẽ căn cứ nội dung, quy trình để trình cho Ủy ban nhân dân xem xét.
Người dân tộc thiểu số không biết chữ học và thi lấy bằng lái xe thế nào?
Học viên tham gia học và sát hạch ngoài các quy định hiện hành phải được UBND cấp xã xác nhận là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết. Các học viên phải trải qua quá trình học lý thuyết và thực hành với chương trình được xây dựng phù hợp với khả năng nhận biết của họ.
Để đảm bảo việc dạy và học đáp ứng được yêu cầu, giáo viên tại các Trung tâm đào tạo sát hạch giấy phép lái xe mô tô hai bánh hạng A1 phải có khả năng truyền đạt bằng tiếng phù hợp với đa số đồng bào dân tộc thiểu số trong lớp học. Nếu cơ sở đào tạo không có giáo viên biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số có thể hợp đồng với người biết tiếng dân tộc thiểu số có trình độ trung cấp trở lên phiên dịch để cùng tham gia giảng dạy, sát hạch.
Theo quy định này, thời gian đào tạo lái xe mô tô hai bánh hạng A1 là 12 giờ (lý thuyết 10 giờ, thực hành lái xe 2 giờ). Các học viên phải hoàn thành các môn học gồm: Pháp luật giao thông đường bộ; Kỹ thuật lái xe; Thực hành lái xe.
Giáo trình, giáo án đào tạo dựa trên cơ sở giáo trình đã được Bộ GTVT ban hành có điều chỉnh phù hợp với khả năng tiếp nhận của học viên và phải được Sở GTVT Nghệ An phê duyệt. Việc đào tạo phải linh hoạt, giảng dạy chủ yếu bằng hình ảnh trực quan và hỏi - đáp là chính.
Quy trình sát hạch lý thuyết được thực hiện bằng phương pháp hỏi - đáp. Sát hạch viên ghi lại nội dung đáp án của học viên vào bài thi. Học viên phải điểm chỉ vào bài thi này sau khi kết thúc thời gian thi.
Phần sát hạch thực hành lái xe phải thực hiện theo đúng quy trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.
Minh Hoa (t/h)