Người mẹ trẻ nức nở khi ra đường bị nói mặt nhọ, về nhà con hỏi: "Mẹ ơi, sao mặt mẹ xấu thế?"

CTV
Với những người bị khiếm khuyết trên khuôn mặt, nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tâm lý, thậm chí cả tương lai.

Hồ Thị Xuân (24 tuổi, ở Huế) đã có gia đình và 2 con nhỏ nhưng khi có cơ hội được điều trị miễn phí vết chàm đen trên mặt, chị quyết định gửi con cho người thân, đi từ Huế ra Hà Nội với hy vọng vết đen trên mặt sẽ được xóa vĩnh viễn. Gặp BSCK II Nguyễn Tiến Thành (Thành viên Hội Da liễu Việt Nam), chị Xuân thẳng thắn bày tỏ mong muốn của mình: “Em chỉ mong xóa được vết đen trên mặt, để sống như người bình thường”. 

Khi mới chào đời, Xuân cũng giống như bao đứa trẻ khác, phát triển bình thường, có khuôn mặt xinh xắn, đáng yêu. Càng lớn, trên mặt Xuân càng xuất hiện những vết chàm đen và nó phát triển dần theo tuổi. "Điều này ảnh hưởng đến cuốc sống, học tập của em, cũng chính vì nó mà tuổi thơ của em chẳng có bạn bè", Xuân tâm sự. 

Xuân cho biết, cả tuổi thơ cô không có bạn bè vì vết đen trên mặt.

Xuân hy vọng sau quá trình điều trị cô sẽ có khuôn mặt như người bình thường. 

Hồi nhỏ, Xuân có hỏi bố mẹ về vết đen trên mặt, nhưng họ cũng chẳng biết vết đen đó ở đâu ra. Khi ra trường đi làm, Xuân cố gắng kiếm tiền để xóa đi dấu vết này nhưng chi phí điều trị tốn tới 100 triệu đồng nên cô đành lực bất tòng tâm.

Sau đó, Xuân lấy chồng, sinh con và dường như chấp nhận vết chàm trên khuôn mặt vẫn đang lớn dần. Tưởng rằng khi qua tuổi thanh xuân, cuộc sống của Xuân sẽ nhẹ nhàng, dễ thở hơn vì mọi người đã quen với vết đen ấy nhưng Xuân lại phải đối diện với những câu hỏi, sự soi mói của cả những đứa trẻ.

Hôm đó em đi họp phụ huynh cho con, đến trường các cháu nhỏ nhìn thấy liền nói: Mặt cô bị nhọ, cô bôi nhọ nồi lên mặt. Nghe vậy, em lấy khẩu trang đeo lại và chỉ mong cuộc họp sớm kết thúc để được về nhà. Hay như có lần chính con gái của em bị các bạn trêu thì vội về hỏi mẹ: 'Mẹ ơi, sao mặt mẹ xấu thế'. Nghe con nói lòng em đau như cắt, chỉ biết chấp nhận rồi ôm con vào lòng khóc”, Xuân chia sẻ.

Thùy cho biết bản thân đã từng không xin được việc khi bị vết chàm đen trên mặt. Ảnh: Lê Phương.

Cùng chung cảnh ngộ như Xuân, Nguyễn Thị Thùy (24 tuổi, ở Nam Định) hàng ngày phải cố che giấu những khiếm khuyết trên khuôn mặt. Thùy bị bớt sắc tố lan ra nửa khuôn mặt và vẫn đang lớn dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ của cô.

Thùy mới lấy chồng và sinh con được một thời gian, hiện ở nhà chăm con và tranh thủ thời gian này lên Hà Nội với hy vọng được khám và điều trị bớt chàm. “Em mong được điều trị sớm để sau này con em lớn, nó không phải xấu hổ vì có một người mẹ xấu xí, mặt đen nhẻm như bôi nhọ nồi”, cô nói.

Dù được chồng yêu thương, hiểu và thông cảm nhưng trước đây Thùy cũng chịu không ít những ấm ức trong cuộc sống. Cô chia sẻ rằng ngày học xong phổ thông cô xin việc khắp nơi nhưng khi được gọi đến gặp mặt, họ nhìn thấy mặt cô lại từ chối khéo.

Có một lần em đến một quán ăn xin làm việc, xem xong hồ sơ rồi họ bảo vào nhà nói chuyện. Khi vừa bỏ khẩu trang, họ thay đổi thái độ ngay. Họ cũng chẳng ý tứ gì mà thẳng thừng nói: Mặt mũi em như thế này đến bán hàng ở đây quán sẽ giảm doanh thu. Thôi đi tìm việc khác. Nghe những lời nói đó em uất ức vô cùng và sau đó quyết định đi làm công nhân chỉ ngồi và làm việc một chỗ”, Thùy chia sẻ.

Bác sĩ Thành cho biết, việc điều trị bớt chàm càng sớm càng tốt, sẽ đạt hiệu quả cao mà không để lại sẹo, không gây đau. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành cho biết đây là hai nữ bệnh nhân đang được bác sĩ điều trị miễn phí 100%. Cả hai người đều có vết bớt chàm khá lớn nên phải điều trị nhiều liệu trình mới đạt được hiệu quả về thẩm mĩ. Hiện nay, với công nghệ phát triển, việc xóa chàm, bớt không gây đau đớn, không để lại sẹo cho người bệnh.

Theo bác sĩ Thành, bớt Ota là mảng sắc tố bẩm sinh màu xanh hoặc xám trên mặt, khởi phát khi mới sinh hoặc quanh một thời kỳ nào đó và có màu sắc đa dạng từ màu nâu vàng, nâu, nâu xám, xanh lam, đen và tía (đỏ và lam trộn lẫn). Vị trí thường gặp nhất là ở vùng trán, thái dương, má và quanh mắt. Với người gặp tình trạng này phải điều trị càng sớm, càng tốt để vừa đạt hiệu quả cao, vừa không ảnh hưởng thẩm mỹ, tâm lý người bệnh.