Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Theo VietNamNet, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ TT&TT diễn ra vào chiều 5/7, ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết trong các tháng đầu năm 2023, các nhóm người dùng bị lừa đảo trực tuyến đang có sự dịch chuyển mạnh sang đối tượng là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp và họ chủ yếu bị lừa đảo tài chính.
Thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm nay, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Tại buổi họp báo, ông Trần Quang Hưng cũng lý giải những nguyên nhân khiến lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong đó có việc các đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, các nhóm lừa đảo trực tuyến đang có xu hướng nhắm vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp. Thực tế được thể hiện khá rõ trong năm 2023.
“Khi công nghệ phát triển, phổ cập smartphone nhiều, hiện nay trẻ em, người cao tuổi, sinh viên, người lao động thu nhập thấp đều đã có smartphone. Thế nhưng, khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo của các nhóm đối tượng này còn khá thấp. Vì thế, các nhóm lừa đảo đã tập trung mạnh vào những đối tượng này”, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Trần Quang Hưng.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin nhận thấy, các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện nay không còn chỉ giới hạn tại Việt Nam mà phần lớn đã hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào và Philippines. Những nhóm này cũng tập hợp được nhiều người Việt tham gia, tập trung tại các cơ sở ở các nước.
Trên cơ sở nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh còn là người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, Cục An toàn thông tin cho rằng, ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, một việc quan trọng không kém là làm sao thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết được cách nhận diện các hình thức lừa đảo, họ sẽ cảnh giác hơn, giúp câu chuyện lừa đảo trực tuyến giảm trong thời gian tới.
Được biết, với mục đích tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến nhằm bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ TT&TT đã chính thức phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023.
Dự kiến vào đầu tháng 8/2023, Cục An toàn thông tin sẽ công bố kết quả của chiến dịch nói trên.
Đinh Kim (T/h)