Nhầm thuốc cai nghiện là sirô dâu, bé trai 4 tuổi nguy kịch

Các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương vừa cấp cứu cho một bé trai 4 tuổi nguy kịch tính mạng do ngộ độc thuốc cai nghiện Methadone.
D
Bé trai đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh: Tuổi trẻ

Người lao động đưa tin, ngày 12/4, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé trai N.H.C (4 tuổi, Mộc Châu, Sơn La). Gia đình bé C. cho biết, chú ruột của cháu bé (sống cùng nhà) vốn nghiện chất kích thích, nên có sử dụng thuốc cai nghiện Methadone đã được pha loãng, đựng trong chai nhựa trong, bảo quản trong tủ thuốc gia đình không có khóa.

Mới đây, người chú qua đời nhưng gia đình vẫn chưa vứt thuốc. Vốn tò mò, hiếu động nên khi thấy chai nhựa có màu hồng, bé C. nhầm tưởng là siro nên uống phải (không rõ số lượng, không ai chứng kiến). Gần 30 phút sau, người mẹ phát hiện thấy con lơ mơ rồi lịm đi.

Phát hiện ra lọ thuốc uống dở, gia đình mới tá hỏa đưa trẻ tới bệnh viện đa khoa tỉnh để cấp cứu. Tại đây trẻ được thở oxy, gây nôn, truyền dịch tăng bài niệu, và tiêm tĩnh mạch Naloxone (10mcg/kg/lần).

Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân không cải thiện, trẻ thở rít, có nhiều cơn ngừng thở ngắn, được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển tiếp xuống Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị Tâm – Trưởng khoa Chống độc, Trung tâm Cấp cứu và Chống độc cho biết, trẻ nhập khoa Chống độc trong tình trạng rất nặng, phải thở máy và hôn mê sâu.

“Qua xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân, chúng tôi nhận định, đây là một trường hợp ngộ độc chất gây nghiện. Chất độc này chủ yếu gây ức chế hô hấp và rối loạn tri giác khiến bé rơi vào tình trạng hôn mê sâu", bác sĩ Tâm cho hay.

Trẻ đã được điều trị tích cực, thở máy kết hợp bài niệu tích cực để tăng thải chất độc qua đường nước tiểu, kháng sinh chống bội nhiễm, dinh dưỡng hợp lý.

Sau 1 ngày điều trị, trẻ tự thở được qua oxy mash, không còn cơn ngừng thở ngắn, phổi hết ran rít, tuy nhiên trẻ vẫn ngủ nhiều.

Sau 2 ngày chăm sóc tích cực, trẻ dần tỉnh hơn, nhận biết được bố mẹ, đòi ăn. Hiện tại sau 7 ngày điều trị, toàn trạng bệnh nhi tương đối ổn, còn khàn tiếng và thở rít thanh quản (hậu quả sau đặt nội khí quản và thở máy).

Trong khi đó, chia sẻ với Tuổi trẻ, Tiến sĩ - bác sĩ Lê Ngọc Duy, giám đốc Trung tâm cấp cứu và chống độc - cảnh báo tai nạn ngộ độc thường xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi.

"Trẻ em ở độ tuổi này có bản năng tò mò, hiếu động, thích ăn và uống những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ có sẵn trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý bảo quản thuốc và các loại hóa chất để tránh những tai nạn thương tâm cho trẻ", bác sĩ Duy lưu ý.

 

Quỳnh Chi (T/h)