Nhiều dư địa cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mexico

Mexico là thị trường dễ tính, dân số đông, sức tiêu thụ mạnh. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường này.

Tiềm năng lớn từ thị trường Mexico

Theo CTTĐT Bộ Công Thương, Mexico có diện tích gần 2 triệu km2, đứng thứ 5 khu vực châu Mỹ và thứ 14 trên thế giới. Dân số Mexico là 127 triệu dân, đứng thứ 11 trên thế giới. Mexico nằm tại “trái tim” của châu Mỹ, với vị trí địa lý đắc địa thuộc Bắc Mỹ nhưng cũng thuộc khu vực Mỹ Latinh qua ngôn ngữ sử dụng tiếng Tây Ban Nha, nguồn gốc của lịch sử và văn hóa. Ngoài ra, Mexico lại là kết nối giữa Đại Tây Dương và châu Á - Thái Bình Dương nhờ có bờ biển dài.

Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize), thông tin, Mexico có quan hệ với nhiều khu vực nền kinh tế quan trọng trên thế giới, ngoài ra Mexico còn dùng chung ngôn ngữ, chia sẻ nguồn gốc, lịch sử, nền văn hóa với các nước khu vực Mỹ Latinh được coi là của ngõ để tiếp cận đến các vùng kinh tế năng động như G20, Liên minh Kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Alliance). Bên cạnh đó, Mexico có Hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong khi đó, theo thông tin trên Vietnam+, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại Mexico mới chỉ đạt con số khiêm tốn khoảng 1,3% nên vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.

Hơn nữa, Việt Nam và Mexico đều là thành viên của CPTPP nên việc tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ hiệp định này chính là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Theo đó, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/1/2018, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp.HCM cho biết, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mexico không ngừng được mở rộng và phát triển, nhất là từ khi Hiệp định CPTPP được ký kết và có hiệu lực. Đặc biệt, là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới; trong đó, có Việt Nam.

Mặt hàng nào có ưu thế thâm nhập thị trường?

Theo ông Lưu Vạn Khang, một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Mexico bao gồm thủy sản và nông sản chế biến; cà phê; hàng tiêu dùng; hàng điện tử; linh kiện và phụ tùng ô tô.

Kinh tế - Nhiều dư địa cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mexico

Mexico cam kết xóa bỏ thuế cho cá tra và basa từ năm thứ 3 của CPTPP, do vậy mặt hàng này đã được miễn thuế nhập khẩu vào Mexico.

Cụ thể, đối với mặt hàng thủy sản và nông sản chế biến, Mexico cam kết xóa bỏ thuế cho cá tra và basa từ năm thứ 3 của CPTPP, do vậy mặt hàng này đã được miễn thuế nhập khẩu vào Mexico. Tôm chế biến giảm theo quy trình và về 0% từ năm thứ 12, tôm đông lạnh về 0% từ năm thứ 13 và cá ngừ là năm thứ 16.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng ven biển năm 2021, trong 8 năm trở lại đây mức độ tiêu thụ thủy sản bình quân trên đầu người là 12 đến 13kg/năm, thói quen này còn thấp nếu chúng ta so sánh với các nguồn thực phẩm giàu đạm khác như, thịt lợn, thịt bò, thịt gà.

Mặc dù Mexico rất nhiều biển, sông ngòi nhưng lại ít chợ hải sản, chủ yếu người dân tiêu thụ các sản phẩm đã qua sơ chế hoặc chế biến tại các siêu thị hoặc của hàng tiện dụng, do vậy mặt hàng này là một mặt hàng tiềm năng cho các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam, ông Lưu Vạn Khang lưu ý.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mexico đạt gần 118 triệu USD, tăng 44,5%. Các mặt hàng nông sản chế biến cũng là mặt hàng tiềm năng vào thị trường Mexico tuy nhiên, theo ông Lưu Vạn Khang, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu tạo ra những sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người địa phương.

Đối với cà phê, Mexico là đất nước tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới, trung bình một năm một người dân Mexico tiêu thụ 1,7Kg/ người. 84% nhà dân tiêu thụ sản phẩm café hòa tan. “Đây là mặt hàng mà các công ty của Việt Nam cần tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường Mexico”, ông Lưu Vạn Khang thông tin. Ngoài ra, mặt hàng cà phê nguyên liệu cũng có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với hàng tiêu dùng, ông Lưu Vạn Khang thông tin, khi nguồn nguyên liệu và giá nhân công tại Trung Quốc tăng cao cũng là lúc các nhà nhập khẩu sẽ tìm nguồn cung cấp mới, trong đó có Việt Nam.

Ví dụ như Tập đoàn bán lẻ Coppel với hơn 1500 điểm phân phối, doanh thu 1,4 tỷ USD, có trụ sở tại Trung Quốc, vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua, đã cử 3 đoàn công tác sang khám phá thị trường Việt Nam về các loại mặt hàng quần áo, giầy dép, và đồ gỗ, nội thất. Phía Coppel rất ngưỡng mộ ngành sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam và sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác trong năm 2023.

Hay với mặt hàng điện tử bao gồm, máy tính, điện thoại, điện thoại di động, hàng điện tử dân dụng, các loại mạch điện tử cũng đang là những sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất sang Mexico. Tính đến hết tháng 11/2022 Việt Nam đã xuất sang Mexico hơn 1,7 tỷ USD, với mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng 27,6%.

Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu tiềm năng khác của Việt Nam sang thị trường Mexico đó là linh kiện và phụ tùng ô tô. Trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất sang Mexico hơn 309 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước đó. Một trong những mục tiêu đặt ra của Thương vụ Việt Nam tại Mexico là phối hợp với các thương vụ bờ Tây Bắc Mỹ tổ chức một đoàn xúc tiến thương mại về phụ tùng ô tô đi các nước Mỹ, Canada và Mexico.

Tìm hiểu rõ đặc điểm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu

Trao đổi với Vietnam+, các chuyên gia thương mại cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm tới việc tăng cường trao đổi thương mại với thị trường Mexico giàu tiềm năng. Đây là thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh.

Đặc biệt, Mexico đang thực hiện đẩy mạnh chiến lược mở cửa nền kinh tế, cùng với việc củng cố quan hệ thương mại với các đối tác chiến lược, Mexico thúc đẩy mạnh mẽ việc tìm kiếm các thị trường mới như Mỹ Latinh và châu Á-Thái Bình Dương nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào đối tác truyền thống.

Đáng chú ý, nhằm hỗ trợ chính sách mở cửa, Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong Luật Hải quan như đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng cửa sổ điện tử nhằm tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương.

Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn động thực vật, Mexico đã xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để các bên liên quan có thể tiếp cận yêu cầu về vệ sinh an toàn động thực vật.

Cơ hội, tiềm năng là vậy, song để tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP mang lại, điều tiên quyết là tiếp cận thị trường doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà sản phẩm Việt Nam được hưởng tại thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, nghiên cứu các quy định về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt các quy định phi thuế quan như SPS (kiểm dịch động thực vật) và TBT (các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, dán nhãn)…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico.

Để mở rộng xuất khẩu, tăng thị phần hàng Việt Nam tại Mexico, các chuyên gia thương mại lưu ý nhà phân phối Mexico không nhập khẩu trực tiếp từ các doanh nghiệp mà họ cần sản phẩm đã được đăng ký và đang phân phối tại Mexico.

Do vậy, các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam muốn thâm nhập thị trường này phải có đại lý phân phối ở nước sở tại. Đây là cơ hội dành cho các công ty thương mại, công ty lớn có thể mở chi nhánh đại diện tại Mexico sau đó đưa hàng hóa vào các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối lớn.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham gia hội chợ theo hình thức tập trung nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức đoàn và làm thành cả khu triển lãm hàng hóa Việt Nam. Qua đó, tạo dấu ấn và thu hút sự quan tâm, làm quen của người dân Mexico với sản phẩm của Việt Nam.

Nhằm tăng tính nhận diện của hàng hóa Việt tại Mexico, các chuyên gia thương mại đề xuất Bộ Công Thương xem xét 2 năm một lần tổ chức đoàn có quy mô 10-15 doanh nghiệp sang tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tại Mexico.

Mặt khác, các chuyên gia cũng đề xuất phía Mexico đưa các đoàn doanh nghiệp tương tự sang Việt Nam nhằm giúp hai bên tìm hiểu thông tin, kết nối và tìm cơ hội hợp tác để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Xuất khẩu sang Mexico sụt giảm nhưng không đáng lo

Những tháng đầu năm mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mexico có sụt giảm nhưng theo các chuyên gia thương mại điều này không thật sự đáng lo bởi đây là thị trường lớn và có đầy đủ phân khúc khách hàng từ cao cấp đến thấp cấp.

Vietnam+ đưa tin, thống kê cho thấy 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 575 triệu USD sang thị trường Mexico, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, riêng mặt hàng máy vi tính, linh kiện điện tử chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico giảm đã kéo giảm đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Nguyên do bởi sự thiếu hụt chip trên toàn cầu và Việt Nam không đủ nguyên liệu để cung cấp cho tất cả các thị trường, chỉ tập trung nguồn cung cho một số thị trường lớn như Mỹ.

Nhận định về vấn đề này, ông Lưu Vạn Khang, cho rằng, sau khi tình trạng thậm hụt chip điện tử được giải quyết thương mại Việt Nam-Mexico sẽ bật tăng trở lại.

Một số mặt hàng khác cũng nằm trong nhóm giảm kim ngạch như dệt may, giày dép, thủy sản. Theo lý giải, xuất phát từ quy luật thị trường phát triển theo hình sin; nhà nhập khẩu sợ các nhóm sản phẩm này cũng sẽ bị kiện chống bán phá giá như thép cán mạ, thép cán nguội của Việt Nam trong 2 năm trước.

Đặc biệt, mức thuế áp dụng với mặt hàng thép cán mạ đã được chính quyền Mexico giảm 1,6% so với phán quyết tạm thời, mức cao nhất chỉ hơn 10%.

Bên cạnh mặt hàng giảm vẫn có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, thậm chí tăng cao. Cụ thể, mặt hàng cà phê tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2022; điện thoại và linh kiện tăng 47,4%; máy móc và thiết bị phụ tùng tăng 17,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 42,9%.

Minh Hoa (t/h)