Cô dâu chỉ kịp chứng kiến một phần lễ
Cưới hỏi vốn là chuyện trọng đại của mỗi người, và ai cũng muốn có một lễ cưới “để đời” với nhiều kỷ niệm đẹp. Thế nhưng, trong hai năm qua, có không ít cặp đôi đã phải lựa chọn những đám cưới, đám hỏi online, do tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, cô dâu, chú rể không thể có mặt ở nhà.
Đặc biệt hơn cả, trong năm qua, có những đám cưới được tổ chức ngay ở bệnh viện, bởi, cô dâu đang nhận nhiệm vụ chống dịch, không kịp trở về đúng ngày mà gia đình hai bên đã chọn.
Nhớ lại ngày 14/9, có một nữ điều dưỡng đã tham dự lễ dạm ngõ của chính mình qua màn hình điện thoại. Cô ấy là diều dưỡng Vũ Thị Quỳnh (khoa Hồi sức Tim mạch, viện Tim mạch, bệnh viện Trung ương Quân đội 108).
Lễ dạm ngõ diễn ra tại Thái Bình, trong khi tại Hà Nội, cô dâu vẫn đang miệt mài chăm sóc bệnh nhân tim mạch tại khoa; đồng thời, hướng dẫn các điều dưỡng của trung tâm Hồi sức Tích cực (bệnh viện Trung ương Quân đội 108) diễn tập điều trị bệnh nhân Covid-19.
Nhanh chóng cởi bộ đồ bảo hộ sau ca làm việc, nữ điều dưỡng vội vàng vào phòng trực, cầm điện thoại, chăm chú theo dõi lại livestream lễ dạm ngõ của chính mình. Bản thân cũng đã bỏ lỡ một vài phần, gương mặt cô khi ấy, có lẽ, đang ngập tràn cảm xúc, buồn vui lẫn lộn. Cô vui vì đang chứng kiến một phần buổi lễ trọng đại trong đời, xen lẫn chút buồn vì chỉ có thể theo dõi qua màn hình điện thoại.
Nhắc đến buổi lễ hôm đó, điều dưỡng Vũ Thị Quỳnh nhớ lại: “Thời điểm đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp, chồng tôi thì sinh sống tại “vùng đỏ”, còn tôi thì nhận nhiệm vụ chống dịch ở bệnh viện, nên cả hai đều không thể trở về quê nhà ở Thái Bình.
Vì cưới hỏi là chuyện hệ trọng cả đời người, gia đình đã xem ngày theo tuổi tác và chuẩn bị sẵn sàng hết mọi thứ, chỉ chờ đến ngày lành tháng tốt là gia đình nhà trai mang lễ sang nhà gái. Mặc dù hai gia đình cũng cách nhau không quá xa, nhưng chưa ai sang nhà nhau bao giờ, nên buổi sáng hôm ấy, gia đình nhà trai tìm đường sang nhà gái còn bị lạc, phải liên tục gọi điện hỏi đường. Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy, trời mưa to như trút nước, hẳn là hành trình của cả nhà cũng không hề dễ dàng”.
“Khi nghe bố phát biểu, tôi thầm nghĩ, dịch Covid-19 vẫn còn dai dẳng, không biết khi nào mới kết thúc, nên cũng có chút hụt hẫng, chạnh lòng. Vốn dĩ, đám cưới của chúng tôi đã được lên kế hoạch tỉ mỉ từ đầu năm, nhưng thời điểm này lại không được như ý...
Tuy nhiên, sau đó, tôi lại tự nhủ, trước nay, mình vẫn luôn đặt công việc lên hàng đầu, không thể chỉ vì chuyện riêng tư mà suy nghĩ quá nhiều. Việc riêng của mình có thể gác lại, giải quyết sau, có thể muộn hơn một chút, vào thời điểm và hoàn cảnh hợp lý nhất. Tôi đã tự động viên mình như thế!”, Quỳnh bồi hồi kể lại.
Ngừng lại một lát, nữ điều dưỡng như lấy lại nụ cười rạng rỡ trên gương mặt: “Điều khiến tôi cảm thấy ấm áp nhất trong ngày hôm đó, chính là, tuy không được ở bên gia đình trong khoảnh khắc ấy, nhưng những người đồng nghiệp trong khoa khi biết tin, ai cũng cảm thông và gửi những lời chúc may mắn, hy vọng chuyện của 2 đứa được suôn sẻ, thuận lợi. Tôi nghe mà xúc động quá chừng”.
Đám cưới “độc nhất vô nhị” nơi bệnh viện dã chiến
Nhắc đến đám cưới online nổi bật nhất trong năm, có lẽ, không ai quên được đám cưới độc đáo được tổ chức ngay giữa bệnh viện dã chiến số 16 (trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc bệnh viện Bạch Mai tại TP.Hồ Chí Minh).
Cô dâu trong ngày trọng đại hôm đó chính là điều dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp (điều dưỡng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Bạch Mai). Cô tâm sự: “Có lẽ, đó là một đám cưới đặc biệt, không chỉ với riêng bản thân tôi. Một đám cưới hạnh phúc dù không có chú rể, không có người thân ở bên cạnh, nhưng vẫn “vỡ òa” cảm xúc, và phải sau đó hàng tuần, tôi vẫn còn cảm thấy lâng lâng...”.
Điều dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp nhớ lại: “Tôi đã cùng 500 nhân viên y tế vào TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch từ ngày 2/8. Khi đăng ký tham gia chống dịch, tôi và gia đình đã định ngày làm đám cưới, nhưng những ngày chống dịch, tôi nghĩ, cũng chỉ kéo dài trong khoảng một tháng. Song, diễn biến dịch ngày càng phức tạp, hai bên gia đình bắt đầu tính đến chuyện tạm hoãn đám cưới, chờ ngày tôi về. Ngày cưới là một ngày trọng đại, nhưng TP.Hồ Chí Minh đang “nước sôi lửa bỏng”, tôi quyết tâm ở lại cho đến khi dịch bệnh bị đẩy lui...
Đến khi được gia đình thông báo sẽ tổ chức đám cưới đúng lịch, tôi bất ngờ lắm. Làm sao về được bây giờ, khi công việc vẫn còn ngổn ngang? Về đến Hà Nội, cũng phải cách ly 14 ngày theo quy định, vậy thì cưới kiểu gì?... Hàng tá câu hỏi hiện lên trong tôi”.
“Ngày 29/9, khi khoác lên mình chiếc áo dài trắng tinh khôi, cầm bó hoa cưới xinh xắn, tôi vẫn cứ ngỡ mình như đang mơ. Bước vào hội trường, màn hình hằng ngày để các thầy trao đổi về tình trạng bệnh nhân thì nay lại hiện lên hình ảnh chồng tôi cùng bố mẹ, họ hàng hai bên tại đầu cầu Hà Nội. Bất ngờ, xúc động, tôi đã suýt khóc khi chồng tôi trao nhẫn cưới qua màn hình. Tôi nhận được những lời chúc phúc của mọi người. Thật sự, trong mơ tôi cũng chưa dám nghĩ mình lại có một đám cưới đặc biệt đến như vậy!
Tất cả áo dài, lụa đỏ, bánh kem, hoa cưới... đều là những món quà đầy yêu thương được đồng nghiệp tìm kiếm, được người dân dành tặng nhân viên y tế, như đáp lại những ngày qua đã tương trợ mình. Tôi thực sự xúc động khi nghe một bạn tình nguyện viên kể chuyện, khi ghé mua hoa cầm tay và chia sẻ rằng dành cho đám cưới bác sĩ, không ngờ chị bán hoa gói xong tặng luôn cho cô dâu.
Vậy là lễ cưới ấm cúng, đầy ắp tiếng cười hạnh phúc đã diễn ra. Không có tiệc tùng, không mâm cao cỗ đầy, nhưng không thiếu tiếng cụng ly chúc tụng của gia đình 2 bên, của lãnh đạo bệnh viện từ 2 đầu Nam - Bắc.
Tôi cảm nhận, ngay lúc này, trái tim của 2 vợ chồng đã như cùng chung nhịp đập, bằng niềm vui và những lời chúc mừng qua màn hình. Đám cưới kết thúc, tôi - cô dâu có đám cưới “độc nhất vô nhị” như được tiếp thêm động lực trong hành trình gian nan sắp tới, với khát khao được cứu sống bệnh nhân cũng như mong chờ ngày đoàn tụ với “nửa kia” của mình”, Ngọc Diệp vẫn không giấu nổi niềm vui sau đám cưới đặc biệt.
“Qua lời kể của mọi người, tôi mới biết, trước khi tổ chức đám cưới vài ngày, bác sĩ Trương Anh Thư (Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Bạch Mai) cùng một số đồng nghiệp vô tình phát hiện tôi vào nhà kho, một mình tham gia ăn hỏi online; thấy thương và muốn làm điều gì đó, để tôi không cảm thấy cô đơn trong chính ngày đáng lẽ phải là hạnh phúc nhất của người con gái.
Thế là đồng nghiệp, lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức đám cưới cho tôi bằng tất cả niềm yêu thương và sẻ chia. Mặc dù trong thời gian giãn cách, việc chuẩn bị là không hề dễ dàng, nhưng rồi vải đỏ, hoa, trái cây, bánh cưới in tên cô dâu, chú rể “Quang Huy - Ngọc Diệp”... cứ lần lượt xuất hiện”, điều dưỡng Diệp bộc bạch.
Có thể nói, Covid-19 đã làm nhiều thứ bị đình trệ, nhưng hạnh phúc thì không thể trì hoãn, cho dù đó có là một đám cưới online.
Và thật may mắn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch tại đơn vị, cuối năm 2021, hai nữ điều dưỡng đều đã tổ chức được một đám cưới trực tiếp, dù quy mô phải rút gọn nhiều so với dự tính, song, đây vẫn là một niềm hạnh phúc không gì sánh được, giữa bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.
(Ảnh: NVCC).