Nhớ “người thầy đưa tin” 1 năm tuổi

Mỗi chúng ta, ai cũng có những ước mơ, hoài bão và những dự định trong tương lai cho riêng mình...

Tôi cũng vậy, tốt nghiệp ngành Xây dựng nhưng cuộc đời lại rẽ tôi sang một hướng khác để gắn bó với Đời sống & Pháp luật.

Hướng rẽ đó in đậm hình bóng của một phóng viên Đời sống & Pháp luật - người dượng (chồng của cô ruột), người thầy dìu dắt tôi, cho tôi cái nghề để rồi tôi tự gọi là thầy Thạch Văn Thanh (bút danh Nguyễn Linh). Lúc ấy, tôi không hề được chuẩn bị để đi vào nghề báo và cũng không ngờ một người học “dở ẹc” môn Văn lại đi viết báo.

Buổi đầu tiên đi làm, phóng viên Thạch Văn Thanh luôn nhắn nhủ rằng: “Làm báo phải gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân; xem họ làm gì và cần gì?. Điều quan trọng là chỉ viết những gì “mắt thấy, tai nghe” nhưng phải cần suy nghĩ thật chín, phát hiện vấn đề và kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng, chặt chẽ”.

Còn nhớ trong một lần đi tác nghiệp, tôi được dượng dẫn vào tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Út (ở ấp Tràm Thẻ, xã Tân Phú, Thới Bình, Cà Mau). Ông Út là nguyên Trưởng ấp bất ngờ “ôm” nợ và bị cơ quan chức năng kê biên tài sản chỉ vì… giúp dân. Khi ấy, thời tiết Cà Mau đang vào mùa mưa, hai dượng cháu đèo nhau trên chiếc xe “cà tàng” phải đội mưa để kịp đến điểm hẹn.

Tâm sự - Nhớ “người thầy đưa tin” 1 năm tuổi

Phóng viên Việt Tâm (ngoài cùng bên trái) trong một lần tác nghiệp trên biển.

Phải nói, con đường dẫn vào nhà ông Út sình lầy khỏi phải nói, chỉ chạy được một đoạn mà hai bánh xe đã nặng trĩu do bám đầy đất. Lúc ấy, cả hai dượng cháu bước xuống đẩy xe đi đoạn đường hơn 1 km mới qua khỏi “đoạn đường đau khổ”. Thấy tôi có vẻ mệt mỏi, dượng liền nói: “Thôi, cố gắng nghen con. Người ta cần mình thì người ta mới gọi cho mình…”. Đó cũng là bài viết đầu tiên của tôi dưới hình thức “cộng tác viên”.

Gắn bó với phóng viên Thạch Văn Thanh chỉ được 3 tháng, gia đình, người thân, bạn bè đồng nghiệp bất ngờ nhận được hung tin dượng đã qua đời do gặp tai nạn giao thông. Lúc anh gặp nạn trên xe còn treo đèn lồng và giỏ bánh Trung thu mang về cho các con (bé gái lớn 4 tuổi, bé gái nhỏ 2 tuổi). Đau đớn quá!. Bây giờ, thầy tôi không còn nữa nhưng những ký ức về thầy, về nghề luôn còn đó. Những lời dặn dò, những bài báo... đã viết vẫn còn đang ở trong “nét chữ tôi đang đưa tin”.

Nhớ thầy Thạch Văn Thanh, nhiều đồng nghiệp đã có những trang viết cảm động. Phòng viên Phùng Sỹ Sơn gọi anh là “anh phóng viên chất phác”, còn nhà báo Trần Thanh Thắng (hiện là Phó Trưởng cơ quan đại diện phía Nam) dùng từ “phóng viên nông dân” thể hiện trong bài Vĩnh biệt Thạch Văn Thanh, phóng viên báo điện tử Người đưa tin.

Tâm sự - Nhớ “người thầy đưa tin” 1 năm tuổi (Hình 2).

Phóng viên Thạch Văn Thanh (thứ 2 từ trái sang phải).

Rồi cơ duyên, tôi may mắn được thay vị trí “người thầy” của mình về công tác và gắn bó với Đời sống & Pháp luật ít lâu sau đó. Ở môi trường mới, nơi tôi xem như là ngôi nhà thứ hai của mình với nhiều kỷ niệm đẹp, với tình cảm những người đồng nghiệp chân thành của các anh, chị, em nơi này. Giờ đây khi hồi tưởng lại những gì đã trải qua, tôi luôn thầm cảm ơn những anh, chị đồng nghiệp, Ban Biên tập mà tôi quý trọng bấy lâu nay.

Sắp tới ngày kỷ niệm tròn 20 năm kể từ ngày Báo Đời sống & Pháp luật, nay là Tạp chí xuất bản số báo đầu tiên (2/3/2001 - 2/3/2021), xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ tới dượng - “người thầy” đầu tiên đã dẫn dắt tôi bước chân vào nghề báo, và đã một thời đồng hành, dìu dắt tôi trưởng thành trong nghề…

Việt Tâm