Nhóm hàng gương, kính gặp khó, Viglacera (HoSE: VGC) báo lãi giảm mạnh trong năm 2023

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) cho biết, chủ yếu do nhóm hàng gương, kính gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận năm 2023 đều giảm sút so với cùng kỳ.

Lợi nhuận “đi lùi” gần 40%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, phần lớn do doanh thu bán các sản phẩm kính, gương giảm tới 781 tỷ đồng; doanh thu bán các sản phẩm gạch, ngói đất sét nung giảm 424 tỷ đồng… nên doanh thu bán hàng chỉ đạt 8.164 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ công ty thu về 10.640 tỷ đồng.

Vì vậy, dù doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 26% lên mức 5.130 tỷ đồng, VGC vẫn chỉ ghi nhận doanh thu thuần 13.193 tỷ đồng, giảm gần 1.400 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng giảm 10%.

Trong năm, công ty đã cắt giảm đáng kể chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, nhưng doanh thu tài chính lại giảm 25 tỷ đồng về 60,5 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng gần 100 tỷ đồng lên 348,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm 17% về mức 3.519 tỷ đồng nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 1.593 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, khoản lợi nhuận khác cũng chỉ thu về 7,9 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 41,5 tỷ đồng, tuy nhiên không được thuyết minh cụ thể.

Kết quả, VGC báo lãi trước thuế 1.601 tỷ đồng. Trừ đi thuế, lãi ròng còn 1.162 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm trước.

1-1709691370.png

Kết quả kinh doanh của VGC trong 4 năm gần đây.

Kết thúc năm 2023, công ty đã không thể đạt được mục tiêu doanh thu đề ra, nhưng lại hoàn thành 123% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Lý giải nguyên nhân, VGC cho rằng chủ yếu do nhóm gương, kính gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm, doanh thu giảm dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công ty cũng trích 100 tỷ đồng cho quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ theo chủ trương đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Tăng nợ vay nhằm bổ sung vốn lưu động

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VGC ở mức 24.100 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với số đầu năm. Phần lớn tài sản công ty nằm tại các khoản phải thu ngắn hạn 1.117 tỷ đồng (chiếm 4,6%); hàng tồn kho 4.739 tỷ đồng (chiếm 20%); tài sản dở dang dài hạn 6.229 tỷ đồng (chiếm 26%) như dự án Khu công nghiệp (KCN) Thuận thành giai đoạn I 1.665 tỷ đồng, dự án KCN Yên Mỹ 967,3 tỷ đồng…

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của VGC tăng 5% lên 14.575 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn, ghi nhận tăng lần lượt lên mức 2.897 tỷ đồng và 2.237 tỷ đồng (tương ứng tăng 33% và 26%).

Hầu hết các khoản vay này nhằm bổ sung vốn lưu động, vốn sản xuất, mua tài sản cố định và đầu tư vào các dự án xây dựng. có thể kể đến như khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng Vietinbank 1.391 tỷ đồng, vay tại BIDV 469,6 tỷ đồng, hay như khoản vay dài hạn cũng tại Vietinbank 2.369 tỷ đồng…

Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của VGC ở mức 9.524 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) là 1,53.

Về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần trong năm của VGC ghi nhận âm 180,3 tỷ đồng (cùng kỳ âm 691,6 tỷ đồng), chủ yếu do dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 3.765 tỷ đồng. Cuối năm, tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp giảm từ 2.018 tỷ đồng về 1.841 tỷ đồng.

Được biết, VGC tiền thân là công ty Gạch ngói Sành sứ Xây Dựng, thành lập năm 1974. Đến năm 2010 thì đổi tên thành Tổng công ty Viglacera và chính thức được niêm yết trên HNX từ năm 2016. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Trước đó, vào tháng 1/2024, VGC cho biết đã nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). Theo đó, Viglacera bị phạt hơn 1,4 tỷ đồng do kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp từ năm 2018 đến 2022.

Xem thêm: Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội (UPCoM: SPH) báo lỗ năm thứ 3 liên tiếp

Ngọc Bảo