Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) báo cáo lợi nhuận 2023 “lao dốc”

Mới đây, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) đã công bố báo cáo tài chính năm 2023 với lợi nhuận sút giảm mạnh nhưng vẫn vượt mục tiêu đề ra trong năm.

Doanh thu sụt giảm, lợi nhuận “lao dốc”

Theo báo cáo tài chính 2023, DGC ghi nhận doanh thu thuần 9.761 tỷ đồng, sút giảm 32,5% so với cùng kỳ (ghi nhận kỷ lục về doanh thu 14.444 tỷ đồng). Giá vốn hàng bán dù giảm 1.385 tỷ đồng về mức 6.308 tỷ đồng, lợi nhuận gộp vẫn giảm mạnh 49% chỉ còn 3.439 tỷ đồng.

Trong năm, doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 533,2 tỷ đồng lên 739,2 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi, cho vay 626,5 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 34% về mức 98,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm mạnh về 435,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 27,5%. Các chỉ số khác biến động không đáng kể.

Như vậy, dù đã cắt giảm đáng kể chi phí tài chính và chi phí bán hàng, nhưng do lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh nên sau khi trừ đi thuế, DGC báo lãi ròng 3.241 tỷ đồng, “lao dốc” tới 46,3% (cùng kỳ lãi 6.036 tỷ đồng, kỷ lục của doanh nghiệp).

Giải trình nguyên nhân, DGC cho rằng chủ yếu do giá bán hàng tại thị trường trong nước và thế giới giảm mạnh, nên dù đã cắt giảm nhiều chi phí nhưng vẫn không bù đắp được mức lợi nhuận sút giảm gần một nửa so với cùng kỳ.

1-1709362635.png Kết quả kinh doanh của DGC trong 4 năm gần nhất.

Được biết, trong năm 2023, DGC đặt kế hoạch doanh thu 11.075 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ 3.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023, công ty đã không thể hoàn thành mục tiêu về doanh thu, nhưng lại hoàn thành 108% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Dòng tiền thuần âm gần 500 tỷ đồng

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của DGC tăng hơn 2.000 tỷ đồng lên mức 15.535 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 80% (tương ứng 12.466 tỷ đồng), còn lại là tài sản dài hạn.

Nổi bật trong đây là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 9.342 tỷ đồng (chiếm 60% tổng tài sản); tài sản cố định 2.143 tỷ đồng (chiếm 13,6%); các khoản phải thu ngắn hạn 1.129 tỷ đồng (7,3%) và các khoản mục khác.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của DGC tăng gần 1.000 tỷ đồng lên mức 3.508 tỷ đồng, trong đó 99% là nợ ngắn hạn 3.492 tỷ đồng. Đáng chú ý có khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng đột biến từ 467,6 tỷ đồng lên 1.328 tỷ đồng, hầu hết là vay các ngân hàng nhằm bổ sung vốn lưu động.

Vốn chủ sở hữu cũng tăng 10% so với số đầu năm, lên mức 12.026 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn của DGC tính tới cuối năm 2023 là 15.535 tỷ đồng.

Về dòng tiền, dù ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 2.783 tỷ đồng (cùng kỳ dương 5.936 tỷ đồng). Thế nhưng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 2.338 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 920,4 tỷ đồng đã kéo lưu chuyển tiền thuần trong năm sụt giảm đáng kể, ghi nhận âm 474,9 tỷ đồng (cùng kỳ dương 1.411 tỷ đồng).

Cổ phiếu quay lại mức đỉnh, thành viên HĐQT bán ra phần lớn

Trước đó, ngày 28/02/2024, trong bối cảnh cổ phiếu DGC tăng từ 88.000 đồng/cp lên đến 114.000 đồng/cp (xét từ ngày 25/1 đến hết phiên sáng 2/3/2024), Ông Vũ Văn Ngọ (thành viên Ban kiểm soát) đã đăng ký bán 350.000 cổ phiếu DGC.

Theo đó, tỷ lệ sở hữu của ông Ngọ sẽ giảm từ 472.921 cổ phiếu (0,12% vốn điều lệ), về 122.921 cổ phiếu (0,03% vốn điều lệ). ), giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 4/3 đến ngày 2/4.

3-1709362635.png Diễn biến cổ phiếu của DGC từ năm 2020. (Nguồn: Vietstock)

Mức giá trên của cổ phiếu DGC tại ngày 2/3/2024 đã gần như tương ứng với đỉnh lịch sử tháng 6/2022, khi giá photpho vàng toàn cầu đạt đỉnh 5,37 USD/kg (hiện tại giá photpho vàng toàn cầu đang giao dịch 4,22 USD/kg).

Được biết, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) tiền thân là công ty Hóa chất Đức Giang được thành lập năm 1963. Năm 2004, DGC chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với lĩnh vực chính là sản xuất và kinh doanh hóa chất, nổi bật là phốt pho vàng và bột giặt, chất tẩy rửa.